Đánh giá theo quá trình học tập và vì phát triển năng lực của học sinh

Điểm 2, Điều 22 có ghi: "Bảo đảm tính toàn diện, công bằng, trung thực, khách quan, vì sự tiến bộ của học sinh, coi trọng việc động viên khuyến khích học sinh tiến bộ; chú trọng đánh giá quá trình học tập của học sinh; đánh giá bằng nhiều phương pháp, hình thức, kỹ thuật và công cụ khác nhau; không so sánh học sinh này với học sinh khác và không gây áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh".

Quy định này giúp học sinh điều chỉnh quá trình học, thấy được sự tiến bộ thực chất, qua đó thành tích học tập được xác lập một cách vững chắc. Bỏ quan niệm cũ đánh giá chỉ dựa vào căn cứ điểm số, giờ là phối hợp từ nhiều nguồn và nhiều hình thức khác nhau. Học tập để phát triển năng lực bản thân để trở thành chính mình, nên không thể so sánh học sinh này với học sinh khác. Mặt khác mỗi em đều có khả năng bẩm sinh và điều kiện học tập rất khác nhau.

Song song với quy định trong Điều lệ, Thông tư 26/2020 của Bộ GD&ĐT tiếp tục bổ sung, điều chỉnh nhiều nội dung liên quan tới đánh giá, xếp loại học sinh. Theo đó, tất cả các môn học đều được đánh giá bằng nhận xét; bài kiểm tra giữa và cuối kỳ được xây dựng trên ma trận chuẩn kiến thức kỹ năng và yêu cầu đầu ra của môn học hoặc hoạt động giáo dục. Số đầu điểm kiểm tra một tiết đã giảm, môn nhiều nhất cũng chỉ còn 6 đầu điểm. Ngoài danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến, còn có thêm danh hiệu học sinh đạt thành tích nổi bật hoặc có tiến bộ vượt bậc trong học tập và rèn luyện.

Giáo viên được tự chủ trong chuyên môn và giáo dục đề cao sự tôn trọng người học

Giáo viên có quyền "Được tự chủ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với sự phân công, hỗ trợ của tổ chuyên môn và nhà trường" (Khoản a), Điểm 1, Điều 29). Cấp trên quản lý chuyên môn đưa ra quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ chuyên môn và bồi dưỡng phương pháp giáo dục, các giáo viên, nhà trường có quyền lựa chọn cách tiếp cận riêng tùy thuộc vào năng lực bản thân, khả năng học tập của học sinh và điều kiện dạy học riêng của từng trường, từng vùng miền.

Chấm dứt sự áp đặt chuyên môn, phương pháp dạy học cụ thể một cách chủ quan từ cấp trên với giáo viên và các trường, từ đó giúp cởi trói, khuyến khích giáo viên sáng tạo trong hoạt động nghề nghiệp của mình. Cũng theo Nghị định 127/2018 của Chính phủ, các địa phương không đơn phương quyết định có chọn hay hủy bỏ hoạt động hay mô hình giáo dục ở các nhà trường, lĩnh vực chuyên môn này thuộc thẩm quyền tự chủ của Sở GD&ĐT.

Các thành viên trong trường không được "Xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể của học sinh và đồng nghiệp" (Khoản a), Điểm 1, Điều 31). Quy định mới này, đồng nghĩa với Điều lệ hiện hành sẽ bãi bỏ các hình thức xử lý kỷ luật học sinh, như: "Phê bình trước lớp, trước trường; Cảnh cáo ghi học bạ; Buộc thôi học có thời hạn". Tất cả những thay đổi này, thể hiện tính nhân văn, sự tiến bộ đáng kể trong các biện pháp giáo dục tích cực học sinh ở các trường phổ thông.

Cảnh cáo ghi học bạ hay xử lý kỷ luật công khai trước sự chứng kiến của học sinh là biện pháp tiêu cực, xỉ nhục và ghi dấu ấn, điểm đen trong học bạ, nó sẽ còn theo mãi suốt cuộc đời của học sinh. Điều này trái với Quy định tại Điểm 2, Điều 83, Luật Giáo dục, có ghi, người học có quyền " Được tôn trọng".

Ở những nước có nền giáo dục phát triển họ coi hồ sơ đánh giá học tập của học sinh là tài liệu không công khai với cả chính người học (càng không phổ biến rộng rãi trước hội nghị CMHS). Nhưng ngược lại, nhiệm vụ nhà trường là phân tích hồ sơ, chia sẻ biện pháp giáo dục, một cách rất chi tiết cho chính cha mẹ mỗi học sinh và vào bất kỳ thời điểm nào trong năm học.

Phương pháp kỷ luật tích cực sẽ đem lại kết quả tích cực, cảm xúc hạnh phúc cho học sinh và toàn trường. Trường học hạnh phúc là trường học đầy tình thương, đề cao sự tôn trọng, mang lại sự bình đẳng, bình an cho mỗi thầy cô và tất cả học sinh trong trường.        

Điều chỉnh quy định quản lý nhà trường phù hợp với giai đoạn phát triển mới của giáo dục

Giáo dục thế giới thế kỷ 21 có những thay đổi quá lớn. Kỷ nguyên CN 4.0 đã mang lại cho nhân loại những phát minh không tưởng, chưa từng có. Giáo dục Việt Nam cần hội nhập, chuyển dịch theo xu hướng toàn cầu hóa và không thể đảo ngược này.

Có thêm "Điều 25. Hợp tác quốc tế" nhằm hiện thực hóa các chương trình hợp tác quốc tế. Có thêm "Điều 24. Phát triển văn hóa đọc", nhằm giúp học sinh kỹ năng đọc, kỹ năng tìm kiếm thông tin, tăng năng lực tự học theo kịp thời đại thông tin và kỹ thuật số.

Điều lệ cũng tách riêng Điểm 2, Điều 10 về Hội đồng trường và quy định rõ "trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận". Đưa môn Ngoại ngữ vào vị trí tương xứng với môn Toán, Ngữ văn để làm điều kiện công nhận học sinh giỏi. Cùng với đó, nâng cao trình độ đào tạo chuẩn của giáo viên : "Giáo viên trường trung học phải có bằng cử nhân" (Khoản a), Điểm 1, Điều 30).  

Đặc biệt, Điều lệ thay vì cấm hoàn toàn học sinh sử dụng điện thoại, đã thay bằng cấm sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp nếu không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép". Thời đại công nghệ số, học sinh cần được sử dụng các học liệu cơ bản để truy cập thông tin, hỗ trợ cho quá trình học tập trên lớp.

Những quy định mới trong Điều lệ  trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học mở ra nhiều kỳ vọng về một sự thay đổi lớn chất lượng giáo dục phổ thông Việt Nam, bắt kịp các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

Tuy vậy, dư luận xã hội không khỏi băn khoăn về những thách thức cho ngành giáo dục có mang lại hiệu quả hay không. Điều này còn tùy thuộc trình độ quản lý giáo dục cấp cơ sở, năng lực sư phạm và sự chuyên tâm của giáo viên; phụ thuộc vào việc toàn xã hội, nhất là cha mẹ học sinh có chung tay hay đứng ngoài cuộc, phó mặc cho các nhà trường. Cuối cùng là Bộ GD&ĐT có nhận được sự đồng lòng nhất trí cao của các địa phương để đưa Điều lệ vào cuộc sống nhà trường với những tham vọng và khác biệt có tính đột phá.

Theo Đặng Tự Ân (GD&TĐ)