Liên quan đào tạo sư phạm, đào tạo trình độ cao đẳng sư phạm, PGS. Trần Ngọc Giao đề nghị, 2 năm đầu tập trung đào tạo nền tảng như: những nguyên lý chung, nền tảng phương pháp tự phát triển theo bậc học, môn học và 1 năm sau đào tạo nghiệp vụ sư phạm.

Đối với đào tạo trình độ đại học, PGS. Trần Ngọc Giao đề xuất, có thể chấp nhận 2 phương án:

Phương án 1: Dành 3 năm đào tạo chuyên môn khoa học cơ bản theo tinh thần trang bị nền tảng kiến thức rộng và những kỹ năng có thể chuyển đổi được để sinh viên có thể thích ứng và có được cảm nhận mạnh mẽ về các giá trị đạo đức, trách nhiệm công dân, định hướng giá trị cá nhân và đóng góp cho cộng đồng.

Sau 3 năm có thể được cấp bằng cử nhân khoa học, nếu những người có nguyện vọng hoặc được lựa chọn làm giáo viên thì có thể thêm 1 năm đào tạo về khoa học giáo dục và được cấp chứng chỉ hành nghề dạy học.

Phương án 2: Đào tạo giáo viên THCS và THPT có thể thiết kế chương trình môn học chính và môn phụ trong 3 năm đầu và cũng nên dành phần đào tạo khoa học giáo dục ở năm cuối.

Lý giải về đề xuất trên, PGS. Trần Ngọc Giao cho biết: Thực tế xây dựng chương trình, sách giáo khoa, cách thức giảng dạy hiện nay yêu cầu giáo dục phải có nền tảng năng lực chuyên môn đủ vững chắc.

Chẳng hạn bậc phổ thông không thể đòi hỏi giáo viên dạy học đảm bảo logic và chính xác khoa học một cách tuyệt đối mà cần yêu cầu họ có nền tảng khoa học chắc chắn để hướng dẫn học sinh biết trải nghiệm, khái quát, hướng tới sự chính xác về khoa học trong quá trình khoa học hóa.

Mặt khác, tạo cho sinh viên dễ dàng hơn trong việc chuyển đổi việc làm, chủ động hơn trong việc thích ứng và phát triển trong tương lai. Đồng thời giải quyết rõ mối quan hệ giữa khoa học cơ bản và khoa học giáo dục ở các trường đại học sư phạm.

PGS. Trần Ngọc Giao đề nghị ghi chính sách lương vào Luật theo tinh thần Nghị quyết 29 - NQ/TW.

Cụ thể, theo Nghị quyết 29 - NQ/TW, lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

Theo PGS. Trần Ngọc Giao, về định mức giáo viên, số lượng giáo viên, tỷ lệ giáo viên/học sinh; giáo viên/lớp... nên để Chính phủ quy định phù hợp với từng thời kỳ và từng loại hình.

Theo Minh Phong (GD&TĐ)