Năm học 2019 - 2020 hơn 22 triệu học sinh mới học hết tuần 20 thì nghỉ Tết sau đó nghỉ phòng dịch Covid-19. Bộ GD&ĐT đã lần thứ hai điều chỉnh khung thời gian năm học 2019 - 2020. Lúc đầu thời điểm kết thúc năm học là trước ngày 30.6 nhưng sau đó thời điểm kết thúc năm học được lùi đến trước ngày 15/7. Thi THPT Quốc gia từ 8/8 đến 11/8, chậm một tháng rưỡi so với mọi năm.

Trước diễn biến khối lượng của dịch bệnh, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Bộ GD&ĐT đang thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:  

1. Rà soát, tinh giản nội dung dạy học để hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch dạy học đảm bảo thực hiện chương trình trong thời gian còn lại của năm học.

2. Ban hành hướng dẫn về dạy học qua internet, trên truyền hình làm cơ sở cho các địa phương, cơ sở giáo dục tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá kết quả dạy học qua internet, trên truyền hình theo chương trình giáo dục đã được tinh giản.

3. Căn cứ vào chương trình đã đơn giản, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng và công bố đề thi tham khảo cho kỳ thi THPT Quốc gia 2020 để tạo thuận lợi cho học sinh lớp 12 trong quá trình học tập, ôn luyện chuẩn bị tốt cho kỳ thi sẽ được tổ chức từ 8/8 đến 11/8/2020. 

Trong tình hình chưa thể xác định khi nào dịch bệnh chấm dứt thì học trực tuyến với học sinh, sinh viên dạy học trên truyền hình là giải pháp khả thi. Tuy nhiên, dư luận băn khoăn nếu như sau 15.4 học sinh cả nước vẫn phải nghỉ tránh dịch Covid-19 thì các mốc thời gian trên có đảm bảo hay không?  

Một trong những động thái tích cực để đảm bảo việc dạy và học có thể kịp tiến độ, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ công nhận kết quả dạy và học trực tuyến. Nhưng mặc dù đã có hướng dẫn, phụ huynh và nhà trường vẫn cảm thấy khó khăn trong thực hiện kiểm tra và đánh giá kết quả học tập của học sinh.

BTV Hoài Thu: Tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học. Đó là tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT trong thời điểm hiện nay. Chưa ai biết chính xác khi nào học sinh cả nước có thể quay trở lại trường. Nếu lại phải tiếp tục nghỉ thêm nhiều tuần nữa thì khung thời gian có còn đủ để giảng dạy toàn bộ trên lớp hay không là vấn đề mà nhiều người quan tâm. 

Trong bối cảnh hiện nay thì cách tiếp cận trên (dạy học qua internet và truyền hình) là phù hợp và tối ưu. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi điện thoại với PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT. 

Xin chào PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành! Xin ông cho biết chủ trương của Bộ GD&ĐT về việc tăng cường dạy học qua internet, trên truyền hình như thế nào để đảm bảo chất lượng? 

PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành: Chúng ta biết là thời gian học sinh nghỉ học tại trường dài ngày cho nên Bộ GD&ĐT đã và đang thực hiện việc tinh giản chương trình để đảm bảo có thể hoàn thành chương trình trong thời gian còn lại của năm học. 

Và việc học qua internet, truyền hình thì Bộ cũng đã có văn bản hướng dẫn. Đó là công văn 1061, trong đó có quy định việc dạy học qua internet, trên truyền hình làm sao để bảo đảm chất lượng của việc dạy học, bao gồm bao gồm những quy định từ hạ tầng kỹ thuật cho đến các quy định về bài học, học liệu. 

Công văn cũng quy định về yêu cầu đối với cơ sở giáo dục, giáo viên trong việc tổ chức các hoạt động dạy học này đáp ứng được yêu cầu chất lượng, thực hiện chương trình giáo dục đã được tinh giản mà Bộ GD& ĐT ban hành. 

BTV Hoài Thu: Thưa ông, khi mà học bài mới thì việc kiểm tra đánh giá học sinh như thế nào? Điểm số qua kiểm tra học trực tuyến thì có được công nhận chính thức trong học bạ học sinh hay không ạ?

PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành: Bây giờ hướng dẫn của Bộ là khi mà các nhà trường tổ chức hướng dẫn, dạy học qua internet, trên truyền hình thì thực hiện theo chương trình, tức là học bài mới, đáp ứng các yêu cầu Bộ GD&ĐT đã ban hành tại công văn 1061. Chúng ta có thể kiểm tra đánh giá thường xuyên học sinh thực hiện theo nội dung về dạy học qua internet và trên truyền hình. Có nghĩa là các điểm số đó sẽ được ghi vào sổ điểm của học sinh. Và như thế có nghĩa là các điểm số này được công nhận.

BTV Hoài Thu: Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng khi các em làm bài kiểm tra ở nhà thì có thể có nhiều sự trợ giúp và điểm số có thể là không thực chất. Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?

PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành: Đã từ lâu rồi Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn việc kiểm tra, đánh giá không phải là việc kiểm tra, đánh giá sự tái hiện lại kiến thức. Trong trường hợp này thì càng phải thực hiện việc này tốt hơn.  Đó là những yêu cầu, bài tập, bài kiểm tra mà các thầy cô giao cho các em, yêu cầu các em phải vận dụng kiến thức để thực hiện những nhiệm vụ được nêu. 

Khi đó chúng ta phải hiểu việc kiểm tra này không phải kiểm tra theo kiểu "đóng vở lại để làm bài" mà  kiểm tra này là các em học sinh phải vận dụng những kiến thức để thực hiện các yêu cầu mà các thầy cô giao. Trong quá trình thực hiện đó thì cũng có thể là bố mẹ có gợi ý, hướng dẫn nhưng thực chất các em học sinh phải là người thực hiện việc này. 

Trong quá trình dạy học và kiểm tra qua internet bây giờ có rất nhiều hình thức trong đó có tương tác thực. Tôi được biết có một số nhà trường khi các con được giao như thế, làm như thế thì phải phỏng vấn các con. Các con là người trực tiếp trả lời qua video call, tức là qua truyền hình trực tuyến. Thì như vậy việc đánh giá kiến thức của các con là thực chất.

BTV Hoài Thu: Với các trường phổ thông thì dạy học trực tuyến mới nở rộ trong thời gian gần đây. Quá trình triển khai không thể tránh khỏi những bỡ ngỡ từ cả giáo viên và học sinh cũng như hiệu quả từ hình thức dạy học mới này chỉ phát huy bước đầu. Một số giáo viên chưa có nhiều kinh nghiệm xử lý CNTT, phụ huynh, học sinh gặp khó khăn khi các thiết bị gặp trục trặc...

Dạy học trực tuyến để hướng tới hiệu quả cao thì cần phải hội tụ nhiều yếu tố. Và một yếu tố không thể không tính đến đó là sự lúng túng của những vùng khó khăn trong việc tiếp cận phương pháp học mới mới này.

Xin quay trở lại câu chuyện với PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành. Thưa ông ở những vùng khó khăn thì học sinh không tham gia học trực tuyến trên truyền hình được thì sẽ có những phương án như thế nào? 

PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành: Chúng tôi cũng đã có hình dung đến việc này. Đối với việc học qua internet thì hiện nay còn một số vùng khó khăn Tuy nhiên hiện nay thì hạ tầng công nghệ thông tin của Việt Nam cũng rất là phát triển đâu đó chỉ còn một số khoản độ 5-6.000 trường trên tổng số 43.000 trường thì còn chưa có đầy đủ hạ tầng này. 

Vừa rồi Bộ GD&ĐT với Bộ TT-TT cũng đã làm việc và đã có chương trình hợp tác để hỗ trợ hạ tầng CNTT đến những trường đang còn gặp khó khăn đó. Để tổ chức thực hiện việc dạy học qua internet thì cũng có một số địa phương có hạ tầng khó khăn như vậy thì chúng ta sẽ phải dùng hình thức khác đó là dạy học trên truyền hình. 

Mức độ phủ sóng truyền hình hiện nay đã rất tốt rồi, với các vùng sâu vùng xa cơ bản cũng đã có sóng truyền hình phủ tới. Khi đó các bài giảng của các thầy cô giảng trên truyền hình thì các con cũng có thể xem được. Tất nhiên cũng có thể có một số nơi khó khăn hơn Bộ cũng sẽ có những hướng dẫn. 

Cụ thể thì Bộ cũng đã có hướng dẫn và một số địa phương đã thực hiện. Đó là bố mẹ có thể là hỗ trợ các con, phối hợp với các thầy cô trong việc là giao nhận bài tập, yêu cầu. Con không đến trường được thì bố mẹ có thể đến trường nhận bài sau đó đem bài làm của con đến trường.  Với tình hình khó khăn như thế này chúng ta sẽ phải làm tốt hơn phương châm giáo dục của đất nước mình đó là phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc là giáo dục và dạy học cho học sinh.

BTV Hoài Thu: Xin cảm ơn PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành. Thưa quý vị, như đã nói ở trên dạy học trực tuyến không thể thay thế hoàn toàn dạy học trực tiếp nhưng trong bối cảnh hiện nay nếu không muốn bỏ lỡ một năm học thì bắt buộc cả ngành giáo dục cùng xã hội phải cùng tăng tốc. 

Được biết Bộ GD&ĐT và Bộ TT-TT có thể phối hợp để đề xuất Chính phủ là hỗ trợ miễn phí nền tảng công nghệ phục vụ phương thức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình cho các địa phương.

Song song với điều đó thì các bài giảng điện tử phải đảm bảo không buông lỏng chất lượng Bộ GD&ĐT tổ chức xây dựng thẩm định các bài giảng điện tử từ nội dung chương trình cốt lõi đã tinh giản để phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam phát sóng trên toàn quốc. Và vẫn còn rất nhiều việc phải làm nữa để có thể đảm bảo việc học đạt hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh chưa xác định được điểm dừng trên toàn thế giới như hiện nay.

VTV8