Việc dạy tích hợp ở phổ thông được nhiều giáo viên đánh giá cao, bởi phương pháp này phát huy được năng lực của học sinh trong việc lĩnh hội kiến thức và vận dụng kiến thức vào cuộc sống hàng ngày.

Chú trọng phát triển năng lực người học

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã xác định: Dạy học tích hợp là định hướng dạy học giúp học sinh phát triển khả năng huy động tổng hợp kiến thức, kỹ năng... thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để giải quyết có hiệu quả các vấn đề phức hợp trong học tập và cuộc sống, phát triển được những kỹ năng cần thiết, nhất là năng lực giải quyết vấn đề.

Theo PGS.TS Hoàng Thanh Thúy, Trưởng bộ môn Phương pháp giảng dạy, Trường ĐHSP Hà Nội, lứa tuổi học sinh tiểu học là giai đoạn cần được rèn luyện, phát triển năng lực giải quyết vấn đề thông qua các hoạt động thành phần như năng lực thu thập thông tin (lấy dữ liệu), năng lực suy luận tìm cách giải quyết (bao gồm xử lý dữ liệu, tìm cách giải quyết tối ưu, đánh giá cách làm của mình), năng lực thực hiện cách tính toán, năng lực vận dụng vào thực tiễn. Học sinh có được năng lực này sẽ đặt nền móng vững chắc để học tập ở bậc THCS, dễ dàng hội nhập môi trường nào để phát triển.

Các tình huống trong dạy học tích hợp thường gắn với thực tiễn cuộc sống, gần gũi và hấp dẫn với người học, người học cần phải giải thích, phân tích, lập luận hoặc tiến hành các thí nghiệm, xây dựng các mô hình... để giải quyết vấn đề. Vì vậy, khi kiểm tra, đánh giá học sinh trong dạy học tích hợp, không chỉ đánh giá kiến thức học sinh lĩnh hội được mà đánh giá xem học sinh có năng lực sử dụng kiến thức trong các tình huống có ý nghĩa hay không. Đây là hình thức dạy học tốt nhất hiện nay để phát triển năng lực người học.

Giáo viên đổi mới, sáng tạo

PGS.TS Hoàng Thanh Thúy, khi nghiên cứu về vai trò của dạy học tích hợp đối với việc phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh tiểu học (khảo sát 50 giáo viên), kết quả nghiên cứu cho thấy 82% số giáo viên cho rằng dạy học tích hợp có vai trò rất quan trọng đối với việc phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh tiểu học, chỉ có 11% số giáo viên cho rằng quan trọng, chỉ có 7% số giáo viên cho rằng không quan trọng. Như vậy hầu hết các giáo viên đều nhận thức được vai trò của dạy học tích hợp đối với sự phát triển năng lực giải quyết vấn đề của học sinh.

Chia sẻ về vấn đề này, cô Hoàng Hương Lan, giáo viên Trường Tiểu học Quảng Đại (Thanh Hóa) cho biết, dạy học tích hợp tránh được sự trùng lặp về kiến thức, kỹ năng giữa các môn học. Thông qua dạy học tích hợp, sẽ giúp học sinh phát triển năng lực tư duy, giải quyết vấn đề, vận dụng kiến thức vào thực tiễn một cách có hiệu quả.


Giáo viên và học sinh hào hứng với mô hình giáo dục STEM

Cô Nguyễn Thị Thu Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội)?cho hay: "Cách dạy học truyền thống triệt tiêu tính cá nhân và sự sáng tạo của học sinh đã không còn phù hợp. Xã hội hiện nay không cần nhiều những con người rập khuôn, máy móc, mà phát triển nhờ những con người năng động, tích cực, chủ động, sáng tạo. Muốn học sinh sáng tạo thì trước tiên giáo viên phải đổi mới sáng tạo trước.

Các tình huống dạy học tích hợp gắn với thực tiễn cuộc sống, gần gũi và hấp dẫn, người học cần lập luận, xây dựng các mô hình giả định để giải quyết... Chính qua đó tạo điều kiện cho học sinh phát triển năng lực giải quyết vấn đề. Chúng tôi luôn cố gắng đổi mới trong mỗi tiết dạy của mình để làm sao phát huy tối đa tính tích cực và sáng tạo của học sinh, thúc đẩy quá trình học tập, chủ động của các con".

"Dạy học tích hợp có ý nghĩa quan trọng, thông qua bài học, một lần nữa học sinh được học tập, ghi nhớ và khắc sâu những kiến thức liên môn đã học ở các môn học khác. Các em biết xâu chuỗi kiến thức nhiều lĩnh vực để giải quyết một vấn đề của đời sống và học tập. Làm tăng hứng thú học tập cho học sinh. Học sinh được giao nhiệm vụ về nhà, thảo luận làm việc theo nhóm, kích thích khả năng làm việc tự lập và khả năng tìm tòi thông tin và kĩ năng phối hợp với nhau làm việc" - cô Nguyễn Thị Thu Hòa chia sẻ.

"Bản chất của học tập tích hợp phải là chọn lấy những chủ đề nóng bỏng, quan trọng có tính vấn đề (thường là những vấn đề mà học sinh hay xã hội đang đối mặt) để làm điểm xuất phát của việc học tập. Các chủ đề - vấn đề đó sẽ giống như ngã tư đường hay là vòng tròn bùng binh nơi gặp gỡ của rất nhiều ngành khoa học khác nhau. Để giải quyết "vật cản" là vấn đề đó, học sinh sẽ phải sử dụng thành tựu và phương pháp của rất nhiều ngành khoa học khác nhau bao gồm cả Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội cũng như các kinh nghiệm trong đời sống", nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương, nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ.

Theo Lê Đăng (GD&TĐ)