Tham dự Hội thảo có đại diện Ngân hàng Thế giới, lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và 8 đơn vị tham gia ETEP gồm Trường ĐHSP Hà Nội, ĐHSP Hà Nội 2, ĐHSP - ĐH Thái Nguyên, ĐH Vinh, ĐHSP - ĐH Huế, ĐHSP - ĐH Đà Nẵng, ĐHSP TP. Hồ Chí Minh và Học viện Quản lý giáo dục.

Đây là Hội thảo quan trọng, được tổ chức vào thời điểm Chương trình ETEP tái cấu trúc đảm bảo hiệu quả thực hiện Chương trình. Từ kết quả thực hiện PA tính đến năm 2019, các đơn vị cùng thảo luận, thống nhất những nguyên tắc, nội dung chỉnh sửa kế hoạch hoạt động và tài chính, giám sát đánh giá năm 2020 và 2021. Từ đó, đề xuất kế hoạch phát triển năng lực của từng trường nhằm đạt được lộ trình tăng điểm theo bộ chỉ số TEIDI đã cam kết trong thoả thuận (PA).

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, TS Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc Chương trình ETEP cho rằng: Các trường ĐHSP, Học viện Quản lý giáo dục có vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục VN, đặc biệt là trong việc cung cấp nguồn nhân lực phục vụ cho việc giảng dạy, quản lý tại các trường phổ thông, các cơ sở giáo dục đại học và trong việc bồi dưỡng đội ngũ GV/CBQL các cấp, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, nhất là trong giai đoạn hiện nay, các trường phổ thông triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới. Chính vì vậy, các trường ĐHSP và Học viện Quản lý giáo dục cần nỗ lực hơn nữa để phát triển, tăng cường năng lực nhà trường, đáp ứng yêu cầu đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo.

TS. Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc Chương trình ETEP phát biểu

Tham gia Chương trình ETEP, các bên đã ký Thoả thuận thực hiện Chương trình (PA) gồm ba nhóm hoạt động chính: (1) Thực hiện kế hoạch chiến lược nhà trường để đạt được lộ trình tăng điểm TEIDI theo cam kết; (2) Các hoạt động liên quan đến việc thực hiện các nhiệm vụ bồi dưỡng thường xuyên đã được Bộ GD&ĐT giao cho các trường; (3) Các hoạt động quản lý, giám sát đảm bảo chất lượng theo TEIDI.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Võ Kiều Dung, chuyên gia giáo dục cao cấp của Ngân hàng Thế giới, chủ nhiệm Chương trình ETEP đánh giá, Hội thảo - Tập huấn được tổ chức rất kịp thời trong việc đánh giá lại quá trình thực hiện TEIDI, rà soát lại và điều chỉnh các hoạt động. Ban Quản lý Chương trình ETEP và các trường ĐHSP/Học viện tham gia ETEP đã đi theo hướng hiệu quả hơn, hiệu suất hơn trong việc sử dụng nguồn lực của Chương trình để đạt được các kết quả mong đợi.

Bà Võ Kiều Dung, chuyên gia giáo dục cao cấp của Ngân hàng Thế giới, chủ nhiệm Chương trình ETEP phát biểu

Cơ bản đạt được mục tiêu của lộ trình tăng điểm năm 2019

Trên cơ sở kết quả đánh giá năng lực các Trường ĐHSP/Học viện Quản lý giáo dục tham gia ETEP theo bộ chỉ số TEIDI (gọi tắt là đánh giá TEIDI) đã được IVA xác thực, cho thấy, sau 2 năm thực hiện Chương trình ETEP, các lĩnh vực hoạt động của các Trường ĐHSP/Học viện Quản lý giáo dục (LTTUs) được cải thiện rõ rệt. Về cơ bản đạt được mục tiêu của lộ trình tăng điểm năm 2019. Trong đó, cả 8 trường có 28 chỉ số chưa đạt mục tiêu tăng điểm nhưng có 45 chỉ số vượt mục tiêu tăng điểm.

TS. Lê Thế Cường, Trường ĐH Vinh

Trong quá trình xác thực kết quả xây dựng PA và triển khai tự đánh giá theo TEIDI năm 2019, các trường đã tiến hành tự rà soát, kiểm đếm kết quả thực hiện kế hoạch phát triển năng lực. Kết quả tự kiểm đếm của các trường cho thấy, tổng sổ nhiệm vụ trong kế hoạch của 8 trường là 1.248 hoạt động/nhiệm vụ, tổng số hành động đã hoàn thành 942 đạt 75.5%.

Tuy nhiên, 1 số trường cần nỗ lực hơn nữa để đạt được lộ trình tăng điểm cho đến 2020 - 2021 và đó là một thách thức lớn. Cụ thể, tính đến 2019, việc thực hiện kế hoạch chiến lược nhà trường tại 1 số trường đạt thấp, việc triển khai các hoạt động khác như bồi dưỡng GV, CBQL cốt cán còn chậm, việc giải ngân các hoạt động tăng cường năng lực cho đến hết năm 2019 còn nhiều hạn chế. Vì vậy, Bộ GD&ĐT đã thống nhất với Ngân hàng Thế giới tái cấu trúc Chương trình ETEP.

Trên cơ sở tái cấu trúc đã được Bộ GD&ĐT và Ngân hàng Thế giới thống nhất, các trường thực hiện điều chỉnh, bổ sung PA, cũng như xây dựng KH giám sát, đánh giá,…Đây là căn cứ triển khai tiếp các hoạt động năm 2020, 2021.

Điều chỉnh PA theo hướng nào? 

Giám đốc Nguyễn Ngọc Dũng bày tỏ quan điểm, việc điều chỉnh PA phải đảm bảo tính thống nhất giữa mục tiêu, hành động, sản phẩm và khắc phục những tồn tại, phát huy những điểm mạnh đối với từng mục tiêu, từng tiêu chí trong đánh giá TEIDI năm 2019 của các trường theo kết quả xác thực của IVA; Đảm bảo lộ trình tăng điểm PA cũng như nguồn kinh phí cho việc phát triển năng lực các trường sư phạm.

Theo đó, các trường căn cứ điểm đánh giá TEIDI năm 2019, rà soát lại các hoạt động trong Kế hoạch tăng cường năng lực đảm bảo lộ trình tăng điểm năm 2020 và 2021; Tham chiếu các hoạt động tăng cường năng lực do Ban quản lý Chương trình ETEP tổ chức, bổ sung các hoạt động; Dựa trên nguồn kinh phí tăng cường năng lực trong các năm 2020 và 2021, lựa chọn các hoạt động ưu tiên để tăng cường năng lực, đạt mức điểm theo cam kết; Chỉnh sửa, bổ sung nội dung các hoạt động, hành động đảm bảo tính thống nhất giữa nội dung, mục tiêu, hành động, sản phẩm và kết quả đạt được; Đối chiếu với kế hoạch giám sát đánh giá, bổ sung thông tin, lưu ý sản phẩm và kết quả đạt được; Hoàn tất việc chỉnh sửa PA đảm bảo phê duyệt lại theo kế hoạch của BQL Chương trình ETEP.

PGS.TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội

Trong 2 ngày Hội thảo, các chuyên gia tư vấn của Chương trình ETEP hướng dẫn các trường cách thức, nguyên tắc và thống nhất các nội dung chỉnh sửa PA cũng như xây dựng kế hoạch giám sát, đánh giá,…Các đơn vị tham gia ETEP chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, triển khai kế hoạch giám sát đánh giá. "Đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo chỉ số liên kết giải ngân thực hiện đúng tiến độ, có chất lượng và cần phải được đảm bảo chất lượng từ quá trình thực hiện đến sản phẩm đầu ra" - TS. Nguyễn Ngọc Dũng khẳng định.

Bà Võ Kiều Dung đề nghị, việc điều chỉnh các hoạt động PA cần lưu ý các hoạt động phù hợp để nâng cao năng lực nhà trường, hoạt động bồi dưỡng GV/CBQL của các trường. Cần loại bỏ những hoạt động không mang lại những tác động tích cực, hiệu quả và không còn phù hợp. Việc thay đổi, điều chỉnh phải đi đôi với phương thức triển khai các hoạt động đó, đồng thời nhìn lại cách thức giám sát, đánh giá, triển khai và lưu ý về kế hoạch phê duyệt tài chính sao cho kịp thời.

Ngay sau Hội thảo, sẽ có được bản dự thảo hoàn chỉnh điều chỉnh PA của các trường. Trên cơ sở đó, các trường tiếp tục phát triển và hoàn chỉnh, và tổ chức thực hiện PA thành công đảm bảo Chương trình được triển khai chất lượng, hiệu quả, đảm bảo chỉ số liên kết giải ngân như cam kết.

Đại biểu sôi nổi thảo luận

Tiếp tục hỗ trợ tăng cường năng lực

TS. Nguyễn Ngọc Dũng cho biết, tới đây, BQL Chương trình ETEP sẽ ban hành quy trình đảm bảo chất lượng bồi dưỡng thường xuyên cốt cán và đại trà để các trường sử dụng trong việc xây dựng kế hoạch giám sát đánh giá.

Về tăng cường năng lực lãnh đạo và quản trị nhà trường, trong khuôn khổ Chương trình ETEP, năm 2020, 2021, sẽ tổ chức các khóa bồi dưỡng và hướng dẫn cho cán bộ quản lý cấp trường được quy hoạch các vị trí hiệu trưởng và phó hiệu trưởng để tăng cường năng lực trường sư phạm về lãnh đạo và quản trị trường đại học, bao gồm các chủ đề: Mô hình tổ chức và quản trị trường đại học sư phạm theo xu hướng quốc tế; Phát triển và thực hiện chiến lược trường đại học sư phạm chủ chốt, bao gồm cả hoạt động giám sát và đánh giá việc thực hiện chiến lược; Quản lý các nguồn lực; Đảm bảo chất lượng (QA) và kinh nghiệm tốt về đảm bảo chất lượng quốc tế; Quản lý rủi ro và sự thay đổi; Ứng dụng CNTT vào quản trị trường đại học.

GS.TS. Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh

Về tăng cường năng lực phát triển chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá kết quả học tập các chương trình đào tạo cử nhân sư phạm, sẽ tổ chức các khóa bồi dưỡng và hướng dẫn cho cán bộ quản lý cấp khoa và giảng viên sư phạm chủ chốt để tăng cường năng lực cho các trường sư phạm về phát triển chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá kết quả học tập các chương trình đào tạo cử nhân sư phạm, gồm các chủ đề: Phát triển chương trình đào tạo cử nhân sư phạm tiếp cận theo năng lực; Đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá kết quả học tập các chương trình đào tạo giáo viên và ứng dụng CTTT trong giảng dạy.

Về tăng cường năng lực nghiên cứu, phát triển và đổi mới, sẽ tổ chức các khóa bồi dưỡng và hướng dẫn cho giảng viên sư phạm chủ chốt để tăng cường năng lực trường sư phạm về nghiên cứu, phát triển và đổi mới, gồm các chủ đề: Xác định vấn đề và phương pháp nghiên cứu để giải quyết vấn đề; Lập kế hoạch và thực hiện nghiên cứu; Phương pháp thu thập và xử lý số liệu; Viết và công bố kết quả nghiên cứu trên Trang web khoa học/tạp chí SCOPUS hoặc tương đương; Ứng dụng CNTT, công cụ thống kê, mô phỏng và xử lý dữ liệu trong nghiên cứu khoa học giáo dục.

ĐTH