Phát triển chương trình đào tạo giáo viên đóng vai trò quan trọng

Ðội ngũ nhà giáo (bao gồm các giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục) đóng vai trò quyết định chất lượng giáo dục. Họ không chỉ dẫn dắt, tổ chức hoạt động để người học lĩnh hội tri thức, hình thành kĩ năng, mà còn góp phần giúp thế hệ trẻ bồi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách.

Giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (GV&CBQLCSGDPT) là nhân tố trung tâm trong quá trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục phổ thông. Sự sẵn sàng của GV&CBQLCSGDPT trong việc trau dồi phương pháp sư phạm mới có ảnh hưởng không nhỏ tới thành công của đổi mới giáo dục. Vì thế, GV&CBQLCSGDPT cần được chuẩn bị để đáp ứng linh hoạt bối cảnh giáo dục mới và không ngừng thay đổi trên cơ sở đạt được những tiêu chuẩn năng lực nghề nghiệp mới ngay trong quá trình hành nghề tại cơ sở bằng việc "mang" chương trình đào tạo, bồi dưỡng đến cho GV&CBQLCSGDPT.

Để đạt được chuẩn năng lực nghề nghiệp mới, các GV&CBQLCSGDPT cần được hỗ trợ bồi dưỡng thường xuyên (BDTX) ngay tại trường phổ thông để có thể chủ động ứng phó với những thay đổi của thực tiễn giáo dục và nhu cầu đa dạng của học sinh phổ thông. Bằng việc "mang chương trình đào tạo đến cho GV&CBQLCSGDPT", hoạt động BDTX có thể giúp GV trau dồi hiệu quả các phương pháp và năng lực chuyên môn mới, giúp CBQLCSGDPT có đủ năng lực quản lý và lãnh đạo nhà trường trong bối cảnh đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông.

Trong việc bồi dưỡng GV&CBQLCSGDPT, giảng viên sư phạm chủ chốt là lực lượng có vai trò quan trọng. Họ thực hiện nhiệm vụ tập huấn bồi dưỡng và hỗ trợ GV&CBQLCSGDPT cốt cán trong quá trình BDTX, liên tục tại trường phổ thông cho các giáo viên khác, và làm nòng cốt trong hoạt động tăng cường năng lực cho giảng viên SP của các trường sư phạm. Để làm tốt nhiệm vụ của mình với vai trò giảng viên trong các trường sư phạm cũng như vai trò tham gia hỗ trợ bồi dưỡng cho các đồng nghiệp, họ cũng cần được bồi dưỡng để nâng cao năng lực nghiệp vụ.

Như vậy, có thể thấy, nhiệm vụ phát triển chương trình đào tạo cử nhân sư phạm (CNSP), phát triển chương trình BDTX GV&CBQLCSGDPT, bồi dưỡng GVSP và GV QLGD có vai trò quan trọng trong việc tăng cường năng lực cho các trường ĐHSP chủ chốt để đào tạo và bồi dưỡng phát triển chuyên môn thường xuyên cho GV&CBQLCSGD PT.


Các đại biểu tham gia Hội thảo Định hướng phát triển khung chương trình đào tạo cử nhân sư phạm dùng chung (tiểu học, THCS, THPT) ngày 15/5/2018 tại Hà Nội

Chương trình đào tạo cử nhân sư phạm mới cần đảm bảo 7 yêu cầu chủ yếu

Hoạt động phát triển các chương trình đào tạo cử nhân sư phạm nhằm hướng đến đổi mới chương trình đạo tạo cử nhân sư phạm hệ chính quy có chuẩn đầu ra đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới và có giá trị định hướng cho nhiều năm tiếp theo.

Nội dung của hoạt động là phát triển khoảng 19 tiêu chuẩn các ngành/lĩnh vực đào tạo cử nhân sư phạm (mã ngành cấp IV) để Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành nhằm làm căn cứ để các trường sư phạm dùng chung trong việc phát triển các Chương trình chi tiết của trường mình (dự kiến ETEP sẽ hỗ trợ khoảng 50 chương trình) đào tạo cử nhân sư phạm có đầy đủ năng lực nghề nghiệp (theo Chuẩn nghề nghiệp GVPT) đáp ứng các yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Chương trình đào tạo cử nhân sư phạm mới cần đảm bảo các yêu cầu chủ yếu:

- Có tính kế thừa những thành tựu của việc phát triển Chương trình đào tạo GV của Việt Nam trong thời gian qua.

- Có tính khả thi, đảm bảo các cử nhân sư phạm sau tốt nghiệp sẽ có đủ năng lực đáp ứng mức đạt của Chuẩn Nghề nghiệp.

- Có chuẩn đầu ra đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục các môn học phổ thông mới.

- Có tính liên thông ngang và dọc, tạo điều kiện thuận lợi cho SV dự học bằng ghép cũng như tổ chức dạy học tích hợp, liên môn.

- Có tính đón đầu đối với xu thế phát triển của khoa học giáo dục và công nghệ.

- Có tính hội nhập và trước mắt đáp ứng chuẩn của cộng đồng ASEAN.

- Phát triển khoảng 50 chương trình đào tạo cử nhân sư phạm (CNSP) hệ chính quy đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Các chương trình đào tạo cần đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới

Để xây dựng được các chương trình đào tạo tốt, đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới và có giá trị định hướng cho nhiều năm tiếp theo. Vì vậy, đối với Chương trình đào tạo giáo viên THCS, THPT, cần làm rõ vấn đề: Nên thiết kế chương trình đào tạo giáo viên cho từng cấp THCS, THPT hay chỉ thiết kế chương trình đào tạo GV trung học (gồm cả hai cấp THCS và THPT) khi quá trình đào tạo cũng như các hoạt động nghề nghiệp của người giáo viên dạy hai cấp học này có nhiều nét tương đồng? Nếu thiết kế cho cả hai cấp thì cần định hướng rõ và đưa ra cách làm cụ thể.

Việc xây dựng 02 chương trình đào tạo giáo viên THCS ngành SP Khoa học tự nhiên và SP Lịch sử - Địa lý cần kết nối được với chương trình bồi dưỡng nâng chuẩn trình độ cho các GV đang dạy các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý tại các trường PT với các trình độ đào tạo Cao đẳng và Đại học.

Đối với các chương trình đào tạo sư phạm tiếng dân tộc ít người: Đào tạo CNSP tiếng dân tộc ít người là đòi hỏi của thực tiễn nhằm giữ gìn bản sắc văn hoá các dân tộc ít người mang đậm tính nhân văn, đảm bảo bình đẳng giữa các dân tộc, đa dạng văn hóa, hỗ trợ người dân các vùng miền còn khó khăn tiến kịp mặt bằng chung của cả nước.

Tại thông tư số 24/2017/TT-BGDĐT ngày 10/10/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ đại học, có 8 ngành sư phạm tiếng dân tộc sau đây được đề xuất: tiếng Ê đê, tiếng Bana, tiếng Jrai (Gia rai), tiếng Khmer, tiếng M’nông, tiếng Chăm, tiếng Mông, tiếng Xê đăng (Xơ đăng).

Hoạt động phát triển các chương trình đào tạo tiếng dân tộc ít người là cần thiết. Tuy nhiên, nếu đào tạo đơn ngành thì vị trí việc làm của người học có thể khó khăn. Để đảm bảo vị trí việc làm của CNSP về tiếng dân tộc ít người, cần xin ý kiến rộng rãi của các nhà chuyên môn về cách thức có thể đào tạo "song bằng" GV dạy Ngữ Văn- Tiếng dân tộc hoặc GDCD - Tiếng dân tộc.

Đối với các chương trình đào tạo sư phạm ngoại ngữ: Trong bối cảnh đất nước hội nhập và phát triển, thế hệ trẻ rất cần nắm vững ngoại ngữ, do vậy cần tăng cường dạy ngoại ngữ cho học sinh. Để tăng cơ hội cho học sinh trong tương lai, cần xây dựng và triển khai đủ 7 chương trình đào tạo sư phạm ngoại ngữ theo thông tư số 24/2017/TT-BGDĐT ngày 10/10/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ đại học, với các ngôn ngữ cần đưa vào trường học các thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức, Nhật, Hàn Quốc.

Các hoạt động này phải được kế thừa trên cơ sở những thành tựu đạt được của Đề án Quốc gia 2020 trong thời gian qua. Bên cạnh đó có tính đến việc đào tạo GV có thể dạy các môn học bằng 1 ngoại ngữ (song bằng), trước hết là bằng tiếng Anh với các đề xuất đã được thực thi ở một số trường có đào tạo GV tiếng Anh của Đề án 2020 trong thời gian vừa qua như: GV Tiểu học - Tiếng Anh, GV Toán - Tiếng Anh... 

BQL Chương trình ETEP TW