Công văn nêu rõ, trong những năm qua, chương trình đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo giáo viên đã bước đầu được đổi mới gắn với việc nâng cao phẩm chất đạo đức nhà giáo.

Tuy nhiên, chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên vẫn còn một số bất cập, hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo chưa được khắc phục triệt đê.

Thực hiện Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT ngày 7/5/2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo; để đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên gắn với nâng cao phẩm chất đạo đức nhà giáo đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên khẩn trương thực hiện nghiêm túc các quy định về việc xây dựng, phát triển chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, nâng cao phẩm chất đạo đức nhà giáo, đặc biệt là nội dung Kết luận số 493/TB- BGDĐT ngày 29/6/2015 của lãnh đạo Bộ GD&ĐT tại Hội thảo "Đổi mới công tác đào tạo, bồi dường cán bộ quản lý và giáo viên phố thông trong các cơ sở đào tạo giáo viên", trong đó chú trọng việc:

Các cơ sở đào tạo giáo viên cùng phối hợp để khẩn trương đổi mới, phát triển chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu thực tiễn đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông, đảm bảo bắt đầu từ năm học 2018 -2019 tất cả các cơ sở đào tạo giáo viên thực hiện chương trình đào tạo mới;

Mặt khác, cần cụ thể hóa các quy định đạo đức nhà giáo tại Quyết định số 16/2008/QĐ- BGDĐT ngày 16/4/2008 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quy định về đạo đức nhà giáo vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng mới.

Cùng với đó, xây dựng, phát triển chương trình đào tạo, bồi dưỡng, thiết kế chuẩn đầu ra, cần chú trọng việc hình thành cho người học các năng lực cốt lõi và phẩm chất đạo đức của nghề giáo, quan tâm đặc biệt đến việc hình thành năng lực dạy học, giáo dục tích hợp, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, đạt Chuẩn nghề nghiệp.

Tăng cường các hoạt động rèn luyện phẩm chất đạo đức nhà giáo, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho cán bộ, giảng viên, sinh viên sư phạm; xây dựng trường sư phạm thực sự là môi trường mô phạm điển hình.

Chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên sư phạm chuẩn mực về năng lực chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp theo quy định tại Thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 28/11/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập. Thầy, cô giáo phải thực sự là tấm gương về phẩm chất đạo đức và chuyên môn nghiệp vụ để người học noi theo.

Minh Phong - Báo GD&TĐ