Linh hoạt trong kiểm tra đánh giá

Cô Hồ Thị Mỹ Thanh, GV bộ môn Tiếng Anh, Trường THPT Trần Đại Nghĩa, TP Cần Thơ cho biết: "Thực hiện đổi mới kiểm tra đánh giá trong giờ kiểm tra miệng là việc làm cần thiết. Vì hầu hết tâm lý học sinh thường xem kiểm tra miệng là thời gian chịu áp lực căng thẳng. Các em lo lắng phải lên bục giảng trao đổi thông tin bài học trực tiếp với giáo viên nên thường có tâm lý lo sợ: Mình có trả bài tốt hay không? Mình có nhớ bài kỹ hay không? 

Vì vậy bản thân tôi luôn trăn trở làm cách nào để học sinh đón nhận hình thức kiểm tra này một cách hứng thú, giảm bớt áp lực về tâm lý, đồng thời tạo không khí sinh động trong các giờ học. Thế nên, tôi đã thực hiện đổi mới hình thức kiểm tra để lấy điểm miệng khi lên lớp. Cách kiểm tra này không chỉ thực hiện vào đầu của mỗi tiết học, mà tùy từng kỹ năng, kiến thức có thể thực hiện vào đầu, giữa hay cuối của tiết học". 

Theo cô Mỹ Thanh, có nhiều cách thức kiểm tra miệng mà giáo viên có thể áp dụng trên lớp. Đó là "Kiểm tra theo nhóm", "Kiểm tra theo cặp" và "Kiểm tra theo cá nhân học sinh". Muốn thực hiện việc kiểm tra miệng đạt kết quả, thầy cô phải chuẩn bị kỹ các vấn đề như: Xác định nội dung cần kiểm tra; mức độ tối thiểu kiến thức và kỹ năng mà học sinh đã thu nhận được trong quá trình học tập; Câu hỏi đặt ra phải chính xác, rõ ràng để học sinh không hiểu sai nghĩa dẫn đến việc trả lời lạc đề. Đồng thời, giáo viên phải thiết kế các nội dung cần kiểm tra như: Trả lời từ vựng, trả lời câu hỏi hay nội dung liên quan đến cấu trúc ngữ pháp... Đặc biệt để tạo động lực, GV nên khuyến khích học sinh trả bài nhiều lần giúp các em có cơ hội lấy điểm cao nhất trong các lần kiểm tra.

Kiểm tra bài cũ của học sinh

Đổi mới kiểm tra giúp HS rèn các kỹ năng

Trao đổi về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Bạch Yến, giáo viên giảng dạy bộ môn Hóa học, Tổ trưởng tổ KHTN và Công nghệ, Trường THCS Trà An, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ chia sẻ: Với bộ môn Hóa học, để các em nắm được các tính chất hóa học, thuộc các công thức để ứng dụng vào làm bài tập, giáo viên cũng cần linh hoạt việc kiểm tra. Để tiết kiệm thời gian, giáo viên có thể vừa kiểm tra vấn đáp một học sinh đồng thời cho một số em làm các bài tập nhỏ trên bảng. 

Bên cạnh đó, trong giờ học, nhằm khuyến khích học sinh, giáo viên sẽ cho điểm những em hăng hái phát biểu và có những phát hiện thông minh về bài học. Hình thức kiểm tra giấy cũng vẫn được áp dụng. Tuy nhiên giáo viên sẽ ra nhiều đề bài khác với nội dung kiến thức tương đương, trong đó mỗi đề đều có một câu hỏi khó hơn nhằm phân loại đối tượng học sinh. Ngoài các câu hỏi kiểm tra trắc nghiệm mang tính phát hiện, GV nên đưa ra nhiều câu hỏi kiểm tra liên quan tới các kiến thức kỹ năng cơ bản của học sinh.

"Để khuyến khích các em hoạt động nhóm, rèn các kỹ năng tổng hợp, phân tích và thuyết trình, tôi yêu cầu các em về nhà làm những bài tập dự án theo các chủ đề. Sau đó các nhóm sẽ trình bày thảo luận phần chuẩn bị của mình, giáo viên đánh giá cho điểm theo nhóm và lấy điểm. Học sinh cũng rất háo hức với các bài tập như thế, kết quả các em sẽ nhớ và khắc sâu được kiến thức. Đồng thời hình thức đánh giá kiểm tra này giúp các em chủ động sáng tạo hơn trong học tập", cô giáo Bạch Yến cho biết như vậy.

Theo cô Bạch Yến, đối với giáo viên, kết quả kiểm tra đánh giá học sinh sẽ giúp các thầy cô tự đánh giá quá trình dạy học để hoàn thiện hơn về chuyên môn và phương pháp của mình.  

Châu Anh