Từ năm 2018, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) quy định ngưỡng đầu vào đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ) trung cấp. Tuy chất lượng sinh viên, giáo viên sẽ được cải thiện trong tương lai, nhưng trước mắt, quy định mới này sẽ gây nhiều khó khăn cho các trường sư phạm.

Năm 2017, dư luận xã hội "dậy sóng" khi một số chuyên ngành của một số trường sư phạm có ngưỡng điểm xét tuyển thấp, gây lo lắng về chất lượng đội ngũ giáo viên trong tương lai. Năm nay, để nâng cao chất lượng đầu vào, ngành sư phạm buộc phải bảo đảm tiêu chí học lực khi xét đầu vào, cụ thể: Ðối với trình độ ÐH, chỉ xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại giỏi, các ngành sư phạm âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên; đối với trình độ CÐ, trung cấp chỉ xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên, các ngành CÐ sư phạm âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất, trung cấp sư phạm thể dục thể thao xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại trung bình trở lên.

Nâng tiêu chuẩn đầu vào nhưng việc có tuyển được sinh viên có chất lượng hay không là một vấn đề đang được đặt ra. PGS, TS Lê Quang Hưng, nguyên Trưởng Khoa Việt Nam học Trường ÐH Sư phạm Hà Nội cho biết, trường sư phạm phải thu hút được học sinh khá, giỏi vì giáo viên là yếu tố đầu tiên quyết định chất lượng giảng dạy và đổi mới giáo dục. Việc quy định ngưỡng đầu vào cho trường sư phạm là cần thiết, nhưng năm nay, các trường sư phạm có thể gặp tình trạng tuyển được ít sinh viên hơn. Nguyên nhân là do thời gian qua, học sinh khá, giỏi đã không mặn mà với ngành sư phạm. Chẳng hạn, trong năm 2017 - 2018, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội), một trong những trường công lập ở Hà Nội có điểm đầu vào cao, chỉ có 2% số học sinh đăng ký dự thi ngành sư phạm. Nhưng số học sinh này đều không phải là những học sinh xuất sắc của trường. Cùng quan điểm nêu trên, PGS, TS Hương Giang, Khoa Toán tin, Trường ÐH Sư phạm Hà Nội cho biết, tình trạng học sinh khá, giỏi nói "không" với ngành sư phạm vì có nhiều lựa chọn ở các ngành khác; tương lai ra trường không mấy sáng sủa khi lương của giáo viên không cao so với các ngành khác trong xã hội, trong khi áp lực từ xã hội đối với giáo viên ngày càng lớn. Chia sẻ với chúng tôi, em Trần Mai Lan, học sinh Trường THPT Chương Mỹ A (Hà Nội) nói: Từ bé em đã ấp ủ ước mơ trở thành giáo viên dạy môn Lịch sử, nhưng em đã không theo đuổi ước mơ của mình vì ra trường khó xin việc làm, chế độ đãi ngộ chưa phù hợp. Em dự định sẽ dự thi một số ngành mà xã hội có nhu cầu cao như kinh tế, kỹ thuật.

Những suy nghĩ của học sinh, giáo viên như nêu trên là một thực tế khiến ngành sư phạm khó có thể cạnh tranh với các ngành khác trong năm tuyển sinh này. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, cùng với việc thắt chặt đầu vào, Bộ GD&ÐT cần tính đầu ra cho sinh viên sư phạm. Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội) Vũ Việt Nga chia sẻ, mặc dù bản thân rất yêu nghề nhưng lại lo lắng cho các em học sinh thi vào ngành sư phạm. Bởi vì sau khi tốt nghiệp, các em không biết có được bao nhiêu phần trăm cơ hội được đứng trên bục giảng. Ðiều mà mọi người quan tâm nhất, cần nhất là đầu ra, nhưng rất tiếc là điểm mấu chốt này vẫn chưa được Bộ GD&ÐT đề cập. Ðồng quan điểm này, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội, TS Nguyễn Tùng Lâm kiến nghị, để "hút" được người giỏi vào ngành sư phạm, cần nhiều giải pháp chứ không chỉ là tập trung nâng chuẩn đầu vào. Ðó là, cần phải giải quyết được việc làm cho số sinh viên thất nghiệp. GS, TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ÐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, việc Bộ GD&ÐT quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với khối ngành sư phạm là cần thiết để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên tương lai. Tuy quy định này sẽ khiến các trường sư phạm khó khăn trong công tác tuyển sinh, nhưng có lợi cho đất nước thì cần phải làm. Chất lượng giáo dục đào tạo sẽ ra sao nếu như không có các giáo viên giỏi? Hiện nay, chúng ta mới chỉ giải quyết phần ngọn, nhưng chưa giải quyết được vấn đề gốc rễ là sinh viên ra trường phải có việc làm, có thu nhập tốt, cần cải thiện chế độ đãi ngộ đối với giáo viên.

Bộ GD&ÐT cho biết, năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường sư phạm trên cả nước giảm 20% so với tổng số sinh viên thực tuyển năm 2017, nhằm hạn chế tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm và nâng cao chất lượng đào tạo. Có thể số lượng sinh viên trúng tuyển hoặc đăng ký xét tuyển năm nay ít đi, nhưng ngành giáo dục không sợ thiếu nhân lực vì trong thời gian vừa qua, nguồn nhân lực đã qua đào tạo khá dồi dào. Năm nay, Bộ GD&ÐT tiến hành khảo sát nhu cầu sử dụng giảng viên của các địa phương và tổng hợp thành nhu cầu của toàn quốc trong những năm tới. Trong thời gian tới, Bộ GD&ÐT sẽ phối hợp các bộ, ban, ngành để rà soát, sửa đổi chính sách hợp lý nhất cho giáo viên. Khi chỉ tiêu tuyển sinh giáo viên đã dựa vào nhu cầu sử dụng lao động thì tỷ lệ sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp có việc làm sẽ được bảo đảm hơn.

Theo Quỳnh Nguyễn (báo Nhân dân điện tử)