Bồi dưỡng nâng cao năng lực

Số liệu của Bộ GD&ÐT cho thấy, bước vào năm học 2018 - 2019, cả nước có hơn 1,16 triệu giáo viên mầm non, phổ thông, hơn 72 nghìn giảng viên đại học. Về cơ bản đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo (tỷ lệ chuẩn và trên chuẩn đối với mầm non 96,6%, tiểu học 99,7%, THCS 99%, THPT 99,6%, đại học 82,7%). Các nhà giáo yêu nghề, có tinh thần trách nhiệm cao, tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ÐT Nguyễn Hữu Ðộ, để nâng cao chất lượng đội ngũ, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Quá trình triển khai, toàn ngành tích cực tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên theo các yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp. Vì vậy, những bất hợp lý trong cơ cấu đội ngũ nhà giáo đã dần được khắc phục. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên ở nước ngoài tiếp tục được quan tâm đầu tư góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giảng viên đại học, cao đẳng của Việt Nam.

Ðáng chú ý, nhiều sở GD&ÐT đã tích cực chủ động phối hợp tốt với các cơ sở đào tạo giáo viên trong công tác xây dựng kế hoạch và bồi dưỡng đội ngũ một cách linh hoạt, hiệu quả như: Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP Hồ Chí Minh duy trì tổ chức câu lạc bộ với giám đốc các sở GD&ÐT các tỉnh miền nam (32 tỉnh, thành phố) để bàn và tìm ra các nội dung, giải pháp trong việc bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo. Từ năm 2015 - 2017 trường đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho 7.917 lượt nhà giáo... Trong khi đó, tại Hà Nội, theo Giám đốc Sở GD&ÐT Chử Xuân Dũng, ngành giáo dục luôn quan tâm đến bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.

Ngay trong dịp nghỉ hè năm 2018, Sở GD&ÐT Hà Nội đã xây dựng kế hoạch, chương trình bồi dưỡng hè bảo đảm tất cả cán bộ được trang bị đầy đủ các kỹ năng cần thiết trong quản lý, giảng dạy khi bước vào năm học mới. Năm 2018, UBND thành phố Hà Nội cấp hơn 46 tỷ đồng, bảo đảm việc bồi dưỡng thường xuyên cho hơn 87,8 nghìn giáo viên các cấp. Trong đó, bồi dưỡng thường xuyên trong nước hơn 86,4 nghìn giáo viên; bồi dưỡng trong nước do chuyên gia nước ngoài giảng dạy hơn 1.200 giáo viên; bồi dưỡng ở nước ngoài 120 cán bộ, giáo viên...

Quy hoạch lại mạng lưới trường sư phạm

Cùng với bồi dưỡng thường xuyên, việc đổi mới hoạt động của các cơ sở đào tạo giáo viên cũng có tác động mạnh mẽ trong nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Hiện nay, cả nước có 133 cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng có đào tạo giáo viên. Trong đó, có 14 trường đại học sư phạm chuyên đào tạo giáo viên các cấp; 58 trường đại học đa ngành trực thuộc địa phương có đào tạo ngành sư phạm nhưng chủ yếu xuất phát điểm là chuyển từ trường cao đẳng sư phạm. Ðối với cao đẳng và trung cấp, còn nhiều trường kinh tế, kỹ thuật cũng tham gia đào tạo sư phạm.

Thời gian qua, chế độ và chính sách đãi ngộ đối với sinh viên sư phạm và giáo viên không đáp ứng nhu cầu thực tế, cho nên ngành sư phạm không còn sức hấp dẫn với nhiều học sinh có năng lực, dẫn tới khó thu hút được người tài. Việc đào tạo sư phạm của các trường không sát thực tế, chưa gắn với nhu cầu đào tạo giáo viên theo từng cấp học, môn học, vùng miền, địa phương, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đội ngũ nhà giáo.

Theo GS, TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội, để các cơ sở đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới, cần quy hoạch lại hệ thống, xác định chức năng nhiệm vụ của từng trường một cách rõ ràng. Việc quy hoạch lại mạng lưới cần thực hiện theo phương thức: Các trường đại học có chất lượng cao và uy tín được chọn là trọng điểm, các trường còn lại sẽ chuyển đổi hoạt động để trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trọng điểm. Toàn bộ chương trình đào tạo của các trường sư phạm phải được chuẩn hóa và được sử dụng đồng bộ trong toàn hệ thống.

Ðề cập về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Ðộ cho biết, Bộ GD & ÐT đã rà soát mạng lưới, quy mô và phương thức đào tạo để xây dựng quy hoạch tổng thể lại hệ thống trường sư phạm hiện đại, năng động, tự chủ... Ngoài ra, Bộ tổ chức khảo sát nhu cầu sử dụng giáo viên của các địa phương làm căn cứ xác định chỉ tiêu các ngành đào tạo giáo viên, nâng cao chất lượng đầu vào đối với ngành sư phạm. Các cơ sở đào tạo giáo viên sẽ thường xuyên cập nhật đổi mới chương trình đào tạo để đáp ứng chuẩn đầu ra giáo viên các cấp, phù hợp với chương trình sách giáo khoa mới. Nhất là thực hiện nghiêm túc việc bồi dưỡng và đào tạo lại giáo viên hằng năm theo kế hoạch, bảo đảm giáo viên được cập nhật các kiến thức sư phạm tiên tiến trên thế giới.

Hiện nay, ngành giáo dục tập trung triển khai Chương trình "Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông" (ETEP) với mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ, thông qua phát triển nghề nghiệp theo nhu cầu thực tiễn. Bộ GD&ÐT đang triển khai đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng của các trường sư phạm và xây dựng 50 chương trình đào tạo mới nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Ðộ, đội ngũ nhà giáo là nhân tố quyết định thành công của quá trình đổi mới giáo dục, cho nên việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo là nhiệm vụ xuyên suốt của ngành giáo dục. Nếu được quan tâm đào tạo, được tạo điều kiện tốt về thu nhập, đời sống, được trân trọng những cống hiến nghề nghiệp, chất lượng giáo viên, hiệu quả giáo dục sẽ được tăng lên, nhờ vậy, công cuộc trồng người sẽ đạt hiệu quả như mong muốn của toàn xã hội.

Theo Giang Sơn và Mạnh Xuân (nhandan)