Theo TS. Hoàng Thị Ninh, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, để nâng cao năng lực đội ngũ GVT cần thiết phải bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho họ theo những biện pháp sau. 

Sinh hoạt chuyên môn

Sinh hoạt chuyên môn là một trong những hoạt động cần thiết trong quá trình nâng cao năng lực nghiệp vụ sư phạm của giảng viên đặc biệt là đối với GVT. Nhiệm vụ này đặc biệt quan trọng, giúp các giảng viên các trường đại học, cao đẳng thường xuyên tham gia trao đổi ý kiến, rút kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu khoa học. 

Hình thức và nội dung sinh hoạt chuyên môn có thể đa dạng: Các tổ chuyên môn sinh hoạt định kì theo từng tuần, tổ chức dự giờ, họp rút kinh nghiệm, đặc biệt phân công những giảng viên có kinh nghiệm và thành tích giảng dạy tốt giúp đỡ GVT về phương pháp dạy học. 

Đồng thời, tạo điều kiện cho các GVT tham gia dự giờ của những giảng viên giỏi, có nhiều kinh nghiệm. Trước khi tham gia giảng dạy một học phần nào đó, các GVT cần trình bày về mục tiêu, nội dung kiến thức, phương pháp tổ chức dạy học các kiến thức cụ thể, các phương tiện dạy học và thực hiện giảng dạy tối thiểu 2 tiết trước tổ bộ môn để cùng trao đổi, góp ý hoàn thiện bài giảng. 

Các lớp bồi dưỡng

Bồi dưỡng năng lực, nghiệp vụ chuyên môn cho GVT là nhiệm vụ, chiến lược phát triển chung của các trường sư phạm. Vì vậy, các trường đại học, cao đẳng cần tổ chức đa dạng các hoạt động chuyên môn: Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo kế hoạch, theo chuyên đề; Cử các giảng viên có kinh nghiệm tổ chức dự giờ, các buổi seminar để các GVT tham gia.

Các GVT được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng sẽ được gặp gỡ chia sẻ, rút kinh nghiệm. Sau đó, GVT sẽ về tổ chức, triển khai lại các vấn đề đã được cập nhật qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn trong tổ chuyên môn hoặc toàn trường tùy thuộc vào nội dung được tập huấn.

Ví dụ: tập huấn cho GVT theo chuyên đề "Đào tạo tín chỉ", "Kỹ thuật dạy học trong đào tạo theo học chế tín chỉ", "Phương pháp dạy học tích cực", "Phương pháp hướng dẫn sinh viên tự học và tư vấn trong đào tạo theo tín chỉ"... Nhà trường tổ chức mời các chuyên gia đầu ngành đến bồi dưỡng. Thông qua đó, giảng viên được cập nhật cơ sở lí luận mới, đặc biệt được rèn luyện các kĩ năng nghiệp vụ sư phạm.

Trải nghiệm thực tế

Môi trường sư phạm có thể được tạo dựng theo nhiều cách, song cách triển khai mang lại hiệu quả thực tế nhất trong quá trình đào tạo là xây dựng mối quan hệ thường xuyên, gắn bó với các trường phổ thông - nơi tiếp nhận và sử dụng sản phẩm đào tạo của các trường sư phạm.

Nhận thức được thực tế đó, nhiều trường sư phạm đã cho giảng viên xuống thực tế để nắm bắt tình hình học tập của học sinh, nội dung chương trình phổ thông, phương pháp dạy học cho học sinh phổ thông... từ đó có những thay đổi về chương trình và phương pháp dạy học tại trường sư phạm cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Sau đó hoàn thành kế hoạch chuyên môn và tiến hành họp rút kinh nghiệm.

Mục tiêu của sự phối hợp này nhằm hình thành mối liên hệ gắn kết giữa quá trình đào tạo ở trường sư phạm với thực tiễn giáo dục ở trường phổ thông. Trong quá trình đào tạo sinh viên ở trường sư phạm, giảng viên cần có kiến thức thực tế, nắm được các yêu cầu dạy học ở trường phổ thông. 

Qua tìm hiểu thực tế ở cấp phổ thông, các giảng viên có những hiểu biết về giáo dục tại cơ sở để rút ra những bài học kinh nghiệm về công tác giảng dạy sinh viên ở trường đại học. Từ đó có những suy nghĩ, xác định mục tiêu dạy học trong các học phần đảm bảo đáp ứng yêu cầu chuẩn nghề nghiệp. 

Để giúp các GVT có thêm những trải nghiệm thực tế, các trường sư phạm cần tạo cơ hội cho GVT được tiếp cận với môi trường dạy học ở trường phổ thông. Bởi khi được trải nghiệm thực tế, GVT có thể học hỏi, tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tế để vận dụng vào giảng dạy cho sinh viên.

Môi trường làm việc

Môi trường thân thiện, dân chủ, bình đẳng chính là điều kiện tốt nhất để mọi người cùng phấn đấu làm tốt nhiệm vụ công việc được giao. Với GVT cũng vậy, họ rất cần một môi trường làm việc thân thiện, dân chủ, bình đẳng để làm tốt công việc giảng dạy và phấn đấu tích cực trong việc tự học, tự bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ. 

Để giúp GVT có môi trường phấn đấu, các trường sư phạm cần có những quy chuẩn: Làm việc công khai, minh bạch; tạo điều kiện cho giảng viên tham gia góp ý xây dựng; tạo điều kiện cho giảng viên phát huy hết khả năng của mình trong giảng dạy cũng như trong các công tác khác. 

Một khi đã tạo được môi trường làm việc thoải mái, thân thiện, dân chủ, bình đẳng thì tập thể mới đoàn kết, giảng viên mới thoải mái, yên tâm công tác, phát huy năng lực của mình. 

Xây dựng chương trình và viết tài liệu

Trước những yêu cầu đổi mới giáo dục đại học, các trường sư phạm thường xuyên tổ chức triển khai chuyên môn, rà soát, điều chỉnh, cấu trúc lại chương trình khung và chương trình chi tiết để phục vụ công tác đào tạo. 

Thông qua các đề tài, sáng kiến khoa học trong công tác giảng dạy, quản lí giáo dục, việc xây dựng chương trình và viết tài liệu mà GVT tham gia, chúng ta có thể đánh giá được năng lực của các GVT và có kế hoạch bồi dưỡng.

Bồi dưỡng, nâng cao năng lực, nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ GVT là việc làm mang tính cấp thiết ở các trường sư phạm. Bên cạnh việc thực hiện tham gia các lớp bồi dưỡng năng lực, nghiệp vụ sư phạm của Bộ, ngành tổ chức thì mỗi giảng viên cần có kế hoạch tự bồi dưỡng, rèn luyện bản thân. Một khi các trường khẳng định được chất lượng đội ngũ thì chắc chắn chất lượng GD-ĐT sẽ từng bước đi lên.

Theo Việt Nga (GD&TĐ)