Bà Nguyễn Thị Hồng Hoa là giảng viên tại Teachers College, trường sư phạm của Đại học Columbia (Mỹ) từ năm 2014. Bà lấy bằng tiến sĩ giáo dục từ Đại học Pennsylvania. Sinh ra trong một gia đình lao động ở ngoại thành Hà Nội và được thụ hưởng lợi ích từ nền giáo dục công của Việt Nam từ cấp 1 tới hết bậc cao học, bà quan tâm và nghiên cứu về tầm quan trọng của giáo dục công trong việc thu hẹp những bất bình đẳng xã hội. Đây là bài viết riêng của bà cho Zing.vn.

Hàng xóm của tôi là giáo viên giáo dục đặc biệt, mới ngoài 30 tuổi, có bằng thạc sỹ chuyên ngành từ 8 năm trước từ một trường đại học tư nhỏ ở New York, và hoàn toàn lúng túng với công nghệ. 

Cách đây ít tuần, cô chia sẻ mình mới bị hỏng máy tính và mất toàn bộ giáo án đã soạn nhiều năm nay. Tôi hỏi cô có biết về Google Drive hay Dropbox, là những "ổ cứng đám mây" mà tôi sẽ bỏ tất cả các tài liệu vào và không bao giờ sợ đến một ngày máy tính hỏng. Cô ấy nói không mấy khi mở kiểm tra email, và đương nhiên là không biết tới Google Docs hay Google Slides. 

Mới đây, cô cũng chia sẻ không biết sẽ làm thế nào nếu Sở Giáo dục New York yêu cầu dạy online. Mối lo này chắc chắn không phải là cá biệt trong cộng đồng các trường phổ thông của nước Mỹ. 

Và nó đang hiện hữu rõ hơn bao giờ hết.

Đầu tuần này, thị trưởng New York Bill de Blasio chính thức tuyên bố thành phố sẽ đóng cửa các trường học cho đến ngày 20/4. Trước đó, sau khi tình trạng khẩn cấp được tuyên bố ở New York, phố phường Manhattan trở nên im ắng, một cảnh tượng thật khác lạ đối nơi vốn được mệnh danh là "thành phố không bao giờ ngủ"

Ngành giáo dục không nằm ngoài các lĩnh vực đang cố gắng thích nghi với sự kỳ lạ này.

Cả nước đang Mỹ bước vào một giai đoạn lạ kỳ. Các bảo tàng nổi tiếng vốn luôn tấp nập khách tham quan ở New York chuyển sang cung cấp các tour online miễn phí. Nhà hát Opera số 1 của thành phố, the Metropolitan Opera, cũng đã bắt đầu các buổi hoà nhạc được phát sóng miễn phí trên Internet thay vì bán vé cho khách tới xem. 

Và đương nhiên, ngành giáo dục không nằm ngoài các lĩnh vực đang cố gắng thích nghi với sự lạ kỳ này. 

Cách đây 2 tuần, ngay sau khi Columbia - trường đại học lớn nhất New York và là một trong những đại học hàng đầu của cả nước - thông báo có một ca nghi nhiễm Covid-19, các lớp học đã được hoãn lại, chuyển lên học online cho đến kì nghỉ xuân. 

Trường tôi đã có công nghệ phù hợp áp dụng được ít nhất là 4 năm. Đó là công cụ họp và webinar trực tuyến Zoom, kết hợp với hệ thống quản lý dạy học Canvas (Learning Management Canvas). Phần lớn tôi và các đồng nghiệp cũng không lạ lẫm với việc dạy học online, nhất là những người trẻ tầm tuổi cận và trên 40.

Thế nhưng, có lẽ câu hỏi mà bất kỳ phụ huynh nào cũng sẽ đặt ra: Dạy và học online có hiệu quả như cách học truyền thống, nhất là khi cách làm này đòi hỏi sự thích nghi, điều chỉnh rất nhiều, trên diện rộng từ giáo viên lẫn học sinh?

Câu trả lời: có và không.

Sẽ đáng sợ hơn cho không ít người dạy

Dạy và học online chỉ có hiệu quả như lớp học truyền thống khi hội đủ các điều kiện sau.

Các công nghệ có sẵn và có các tính năng đa dạng. Một công cụ phổ biến hiện nay là phần mềm họp video Zoom. Hiện nay phần lớn các trường đại học ở Mỹ đã mua quyền sử dụng ở mức cho phép tổ chức không giới hạn số lượng các cuộc họp online với 200 người cùng tham gia. Nó còn có tính năng ghi lại và chép lời (transcribe) cuộc họp trên máy tính (on local computer) hay trên đám mây (cloud recording).

Phần lớn giáo viên vẫn còn bỡ ngỡ với việc tích hợp các công nghệ giảng dạy trực tuyến vào bài giảng.

ới việc trả phí để dùng, có nhiều tính năng phức tạp được tích hợp, như cho phép chia nhóm nhỏ để thảo luận (breakout rooms), cho phép người học tương tác với nội dung bằng cách thích, không thích, yêu cầu giáo viên nói nhanh lên hay chậm lại… 

Ở Việt Nam các đồng nghiệp dạy tiếng Anh của tôi cũng bắt đầu dạy bằng phần mềm này khoảng từ tuần thứ 2 sau khi trường học phải đóng cửa vì dịch Covid-19. Phần lớn dùng phiên bản miễn phí của nên mỗi buổi dạy chỉ được tới 40 phút và không có nhiều chức năng hữu ích nói trên.

Giáo viên sử dụng công nghệ thành thạo. Phần lớn giáo viên vẫn còn bỡ ngỡ với việc tích hợp các công nghệ giảng dạy trực tuyến vào bài giảng. Khi trường công bố bắt đầu việc dạy học online, tôi có một buổi huấn luyện những kỹ năng cơ bản cho các giáo viên theo học chương trình thạc sĩ chuyên ngành TESOL (dạy tiếng Anh cho người nước ngoài) tại Teachers College, trường sư phạm thuộc ĐH Columbia. 

Những kỹ năng này được tôi giới thiệu cấp tốc trong 2.5 tiếng đồng hồ qua một vài hoạt động mẫu, cùng sinh viên phân tích các công nghệ tôi đã sử dụng và chúng tương ứng với các nguyên tắc hay kĩ thuật nào trong dạy học thông thường. Các em sinh viên trẻ và năng động, nắm bài rất nhanh và trong sáng hôm sau đã áp dụng phần lớn các công nghệ này tương đối thành công.

Cho dù có nắm bắt các công nghệ mới rất nhanh, người dạy sẽ vấp phải một rào cản khó vượt qua khác từ phía học viên.

Tuy nhiên, nếu đem áp dụng biện pháp cung cấp những buổi đào tạo cấp tốc trên diện rộng, như cho nhóm giáo viên ở các trường phổ thông của nước Mỹ, tôi e rằng sẽ mất thời gian lâu hơn rất nhiều. 

Với những giáo viên không thường xuyên sử dụng công nghệ, sẽ rất khó khăn đào tạo cho họ có đủ sự linh hoạt uyển chuyển để dịch chuyển những hoạt động vẫn làm trên lớp sang môi trường điện tử có vẻ như rất mới lạ, và thậm chí đáng sợ. 

Và cho dù có nắm bắt các công nghệ mới rất nhanh, họ cũng sẽ vấp phải một rào cản khó vượt qua khác từ phía học viên. Từ đây lại dẫn đến một vấn đề cũng quan trọng không kém: bất bình đẳng xã hội.

Không thể bỏ qua khoảng cách giàu nghèo

Ở Việt Nam hay Mỹ, một yếu tố khiến việc học online có thể ít hiệu quả hơn cách truyền thống chính là ý thức tự chủ của người học. Khi tham gia một bài giảng online, nếu giáo viên chưa thành thạo sử dụng công nghệ hay vì nhiều lý do khác nên lớp học theo kiểu thầy nói là chủ yếu. Người học có thể tắt âm thanh và hình ảnh và dễ dàng phân tán khi lướt qua các mạng xã hội, đọc tin tức, hay chat riêng.

Giáo dục phải luôn là một công cụ thực hiện bình đẳng xã hội trong bất kỳ hoàn cảnh nào, kể cả đại dịch.

Nếu ở lớp học bình thường, giáo viên có thể nhận ra người học đang không chú ý và sẽ nhắc nhở. Với hình thức online, người học sẽ phải tự giác cao hơn rất nhiều. 

Học sinh Việt Nam có vẻ còn đang hứng thú với những khả năng mới do công nghệ tạo ra và ý thức chưa cao, dẫn đến việc thầy cô trong những ngày tháng vất vả thức thâu đêm để tìm hiểu công nghệ mới và chuyển đổi bài dạy sang một format mới lại thêm một mối lo âu. 

Một người bạn làm trong ngành tài chính ở New York nói với tôi: Nếu bây giờ các trường phổ thông đều dạy học online, sẽ không còn khái niệm "school district” nữa. Ở Việt Nam, khái niệm tương đương là "học đúng tuyến". 

Như vậy có nghĩa là: Một em bé lớn lên trong một khu nghèo, tỷ lệ tội phạm cao, điều kiện nhà ở, đường xá, các tiện ích công cộng còn hạn chế, có thể theo học trường công trực tuyến thuộc một khu nhà giàu và hưởng thụ một nền giáo dục tinh hoa? 

Giáo dục phải luôn là một công cụ thực hiện bình đẳng xã hội trong bất kỳ hoàn cảnh nào, kể cả đại dịch. Đóng cửa các trường học, ngoài khía cạnh giáo dục, còn là một quyết định có thể gây ra mất an toàn cho các em vốn phải dựa vào nhà trường để có nơi trú ẩn. 

Trước đo, Thị trưởng New York de Blasio đã cảnh báo: Nếu đóng cửa trường học, các em học sinh có thể không được trông nom cẩn thận, lang thang ở trên đường phố và như vậy virus corona cũng theo nhóm này đi khắp nơi. Những đối tượng học sinh này thường là con em của những người làm các công việc chân tay.

CNN dự đoán, nếu chỉ đóng cửa các trường phổ thông mà không có kế hoạch cung cấp bữa ăn miễn phí cho học sinh nghèo, sẽ có khoảng 30 triệu trẻ em Mỹ bị đói. Ở bang Pennsylvania và Texas, chính phủ đã cho phép các trường đóng cửa vì virus corona được tiếp tục cung cấp các bữa ăn cho học sinh thuộc các gia đình thu nhập thấp. Hiện chưa rõ chính sách này có được áp dụng ở tất cả các bang hay không.

Học sinh ở các gia đình nghèo rất có thể không có máy tính cá nhân và Internet để học online.

Với một thay đổi trong trường học, cần nhận định lại sự nghiêm trọng của nhiều vấn đề xã hội liên quan mật thiết tới giáo dục. Muốn giáo dục online thực sự là một công cụ bình đẳng hoá cơ hội giáo dục cho người học, cần đảm bảo rằng học sinh từ các tầng lớp xã hội còn nhiều thiệt thòi có đủ công nghệ cần thiết. 

Học sinh ở các gia đình nghèo rất có thể không có máy tính cá nhân và đường truyền Internet để học online. Một nghiên cứu của Microsoft vào năm 2018 cho thấy tỷ lệ sử dụng Internet tốc độ cao của người dân thấp hơn nhiều so với con số chính quyền Mỹ công bố, đặc biệt là ở vùng nông thôn. Ở những nơi Internet chập chờn, trẻ em phải làm bài tập nhà ở xe buýt hoặc quán thức ăn nhanh có Wi-Fi. 

Có vẻ như Sở Giáo dục New York đã ngấm ngầm chuẩn bị cho việc này. Một số trường phổ thông có kế hoạch cung cấp chromebook, là loại máy tính rẻ và đơn giản nhất, cho các em cần. Eric Yuan, giám đốc điều hành của Zoom Video Communications, công bố kể từ ngày 14-3, Zoom sẽ được cung cấp miễn phí cho các trường phổ thông trên toàn nước Mỹ. 

Tuy nhiên, sẽ cần có một chiến lược hệ thống hơn là dựa vào các cá nhân này. 

Ở Việt Nam, ở những vùng xa xôi còn nhiều khó khăn, liệu bao nhiêu phần trăm sinh viên học sinh có máy tính cá nhân và đường truyền Internet ổn định? Một giảng viên trường Đại học Tây Bắc cho biết, có lần cô thiết kế hoạt động viết email cho sinh viên, nhiều sinh viên chia sẻ rằng họ chưa bao giờ viết email, nhà không có máy tính, và tất nhiên không Internet.

Một giảng viên khác cũng của đại học Tây Bắc ước tính có khoảng 50% sinh viên không có khả năng tham gia học online từ nhà. Những tình huống tương tự có thể xảy ra với học sinh, giáo viên ở các tỉnh khác hay các gia đình khó khăn ở thành phố.

Nếu các học sinh và giáo viên này không có đủ trang thiết bị và công nghệ, sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các vùng miền hay giữa những giai tầng xã hội mà chúng ta đang cố gắng xoá bỏ sẽ càng khốc liệt hơn. 

Sắp tới, trong kỳ thi vào đại học chẳng hạn, ai sẽ là người bị thiệt thòi? Hậu quả của sự chênh lệch này sẽ phức tạp và sâu rộng tới mức nào? Đó là những câu hỏi mà những người hoạch định chính sách giáo dục cần quan tâm. Chắc hẳn nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan cũng đang đau đầu tìm các giải quyết.

Sắp tới, trong kỳ thi vào đại học chẳng hạn, ai sẽ là người bị thiệt thòi?

Thật ra dạy học trực tuyến đã từ lâu là một phương tiện để dân chủ hoá giáo dục. 

Salman (Sal) Khan, người sáng lập trang Khan Academy - một trang giáo dục trực tuyến miễn phí được sáng lập từ năm 2008 - chia sẻ rằng một trong những mục tiêu lớn nhất của trang này là để bình đẳng hoá giáo dục. 

Tất cả các video bài giảng ngắn, các bài tập bổ trợ cho học sinh và tài liệu hỗ trợ giảng dạy cho giáo viên đều miễn phí. Năm 2012, Salman Khan được tạp chí Time bầu là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất của năm.

Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, việc dạy và học online là điều cần thực hiện. Tuy nhiên, ngay cả khi là giải pháp tức thời, để thực hiện giáo dục online một cách hiệu quả nhất, tất cả các bên liên quan cần nâng cấp kiến thức và ý thức sử dụng công nghệ. 

Và tất nhiên, cũng rất cần chú ý tới các vấn đề bình đẳng xã hội để giáo dục công giữ vững vị trí là cầu nối tri thức, giúp khép lại khoảng cách giàu nghèo trong xã hội hiện đại.

Nguồn: Zing.vn