Để tổ chức tốt đợt bồi dưỡng này, Trường Đại học Vinh và các Sở GD&ĐT Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã có nhiều hoạt động phối kết hợp từ công tác chuẩn bị đến công tác triển khai thực hiện bồi dưỡng.

Giáo viên phổ thông cốt cán trong ngày đầu khóa bồi dưỡng

Phối hợp chuẩn bị

Thực hiện Kế hoạch của Bộ GD&ĐT, các chỉ đạo của Ban Quản lý Chương trình ETEP Trung ương, Trường Đại học Vinh đã chủ động xây dựng kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, chuẩn bị tốt đội ngũ giảng viên sư phạm và ban hành các công văn liên quan đến công tác tổ chức bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán năm 2020.

Nhà trường chỉ đạo các đơn vị và bộ phận liên quan chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, phòng học, hạ tầng công nghệ thông tin và các trang thiết bị cần thiết khác đáp ứng tối đa các yêu cầu của hoạt động bồi dưỡng, hỗ trợ tối đa học viên và báo cáo viên.

Nhà trường cũng đã gửi văn bản tới các Sở GD&ĐT để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng (thông báo và lên danh sách học viên; thống nhất nội dung, chương trình, lịch bồi dưỡng; xây dựng kế hoạch giám sát, kiểm tra, đánh giá...).

Công văn Trường Đại học Vinh gửi Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh

Phối hợp với Trường Đại học Vinh, các Sở GD&ĐT Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã chủ động thông báo cho các trường phổ thông sắp xếp, bố trí lịch giảng dạy, công tác để bố trí cho giáo viên cốt cán tham dự chương trình bồi dưỡng. Trong những ngày mưa lũ, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh còn phối hợp với Trường Đại học Vinh động viên nhiều thầy giáo, cô giáo ở các vùng chịu ảnh hưởng của lũ lụt vượt qua khó khăn để tham gia chương trình bồi dưỡng đúng thời gian, đảm bảo nội dung chương trình.

Phối hợp tổ chức

Trong những ngày bồi dưỡng trực tiếp tại Thành phố Vinh, ngoài sự tham gia trực tiếp của Ban Quản lý Chương trình ETEP, Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ sư phạm Trường Đại học Vinh là sự phối hợp, hỗ trợ đầy trách nhiệm của cán bộ, chuyên viên các phòng chức năng của các Sở GD&ĐT.

Từ lãnh đạo đến cán bộ, chuyên viên của các Sở rất tích cực trong việc sắp xếp các lớp học; tham gia giám sát, dự giờ các buổi bồi dưỡng; giải đáp các thắc mắc cũng như giải quyết cơ bản các kiến nghị, đề xuất của học viên để học viên yên tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Học viên yên tâm tham gia bồi dưỡng

Do có phương án bồi dưỡng hợp lý, phối hợp nhịp nhàng với Sở GD&ĐT các tỉnh, chuẩn bị chu đáo và sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Trường Đại học Vinh nên hoạt động bồi dưỡng mô-đun 2 diễn ra theo đúng kế hoạch, tuân thủ các nội dung được đề ra, đạt kết quả tốt và nhận được sự đánh giá cao của Bộ GD&ĐT, Ban Quản lý Chương trình ETEP Trung ương và Ngân hàng Thế giới.

TS. Trần Bá Tiến - Phó Hiệu trưởng, Trưởng ban Quản lý Chương trình ETEP Trường Đại học Vinh cho biết: Nhà trường và các Sở GD&ĐT đã có nhiều trao đổi cả về văn bản và trực tiếp để thực hiện tốt nhất công tác bồi dưỡng cho giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông được lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Ban Quản lý Chương trình ETEP Trung ương và các địa phương đánh giá cao. Trường Đại học Vinh trân trọng cảm ơn sự phối hợp đầy trách nhiệm của lãnh đạo các Sở GD&ĐT đã rất kịp thời và hiệu quả.

TS. Trần Bá Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh

TS. Tăng Thị Thanh Sang - Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm Trường Đại học Vinh còn cho biết: Đội ngũ cán bộ, chuyên viên các phòng chức năng của các Sở GD&ĐT đã rất chủ động trong việc liên hệ, hỗ trợ cho Ban Tổ chức tại Trường Đại học Vinh, nhờ đó chương trình bồi dưỡng mô đun 2 lần này tổ chức chu đáo, được học viên (giáo viên phổ thông cốt cán) đánh giá rất cao.

Trong thời gian tới, khi giáo viên cốt cán về địa phương bồi dưỡng cho giáo viên đại trà, rất cần có sự vào cuộc của cán bộ, chuyên viên các Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT để tiếp tục phối hợp với Trường Đại học Vinh hỗ trợ tốt nhất cho giáo viên cốt cán nhằm phục vụ tốt nhất Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

TT. ETEP