Yếu tố quyết định chất lượng

Nhà giáo Nguyễn Đức Vũ - Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế nhìn nhận: Đội ngũ giảng viên đại học sư phạm hiện nay ở nước ta tương đối đông, có phẩm chất đạo đức và ý thức chính trị tốt, trình độ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng được nâng cao đáp ứng nhu cầu đào tạo giáo viên phục vụ đất nước. Tuy nhiên, vấn đề phát triển đội ngũ giáo viên (GV), cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) ở các trường sư phạm còn bộc lộ nhiều hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả giáo dục. 

Cụ thể, một bộ phận nhà giáo và CBQLGD chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục trong thời kỳ đổi mới. Đội ngũ nhà giáo vừa thừa, vừa thiếu cục bộ, vừa không đồng bộ về cơ cấu chuyên môn… Vẫn còn một bộ phận nhỏ nhà giáo và CBQLGD có biểu hiện thiếu trách nhiệm và tâm huyết với nghề, vi phạm đạo đức và lối sống, ảnh hưởng không tốt tới uy tín của nhà giáo trong xã hội. Năng lực của một bộ phận nhà giáo và CBQLGD còn thấp. 

Những bất cập trong công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và CBQLGD càng đặt nhiệm vụ bồi dưỡng giảng viên vào vị trí quan trọng và cấp thiết, nhất là trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT hiện nay. 

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên đại học SP, điều cần thiết có tính tiên quyết là xác định các phẩm chất và năng lực của giảng viên ĐHSP. Từ đó có chương trình hành động và kế hoạch cụ thể bồi dưỡng giảng viên theo hướng chuẩn hóa, thể hiện ở yêu cầu cần đạt được về phẩm chất và năng lực. 

TS. Hoàng Thị Hạnh - GĐ Trung tâm Nghiệp vụ Sư phạm - Trường ĐHSP Hà Nội 2 khẳng định: Phát triển giảng viên SP là một trong những yếu tố quyết định việc nâng cấp chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới. Phát triển đội ngũ giảng viên điều cần được xác định là xây dựng một bộ năng lực tối thiểu cần thiết cho giảng viên. Trên cơ sở bộ năng lực này, các cơ sở đào tạo cần xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ của mình bằng cách kết hợp các loại hình đào tạo khác nhau để phát triển đội ngũ của mình…


Tìm lời giải cho bài toán năng lực

Do đặc thù của hoạt động nghề nghiệp, giảng viên sư phạm trước hết phải có phẩm chất, năng lực của một nhà giáo với các tiêu chuẩn nổi bật về tận tụy, tâm huyết với nghề nghiệp, có kiến thức chuyên môn sâu và rộng, ham hiểu biết tri thức mới và không ngừng nâng cao trình độ, có nghiệp vụ sư phạm vững vàng và ảnh hưởng mạnh mẽ tới người học. Ngoài ra, tương tự như giảng viên các ĐH khác, giảng viên ĐHSP cũng cần phải đạt được trình độ quy định tối thiểu về tiếng Anh và sử dụng CNTT để làm công cụ trong hoạt động đào tạo…

Theo nhà giáo Nguyễn Đức Vũ, để giảng viên ĐHSP đạt được những tiêu chuẩn về phẩm chất và năng lực nhất định thì việc bồi dưỡng giảng viên ĐHSP cần: Hướng bồi dưỡng bắt buộc theo phương thức đào tạo. Mục tiêu là tăng số lượng giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Việc bồi dưỡng này được thực hiện tại các cơ sở đào tạo sau ĐH trong và ngoài nước. Sản phẩm đạt được là giảng viên có bằng thạc sĩ, tiến sĩ. 

Hướng bồi dưỡng qua các hình thức có thời gian ngắn tại trường như hội nghị, hội thảo khoa học, lớp tập huấn chuyên đề, sinh hoạt tổ chuyên môn, dự giờ, seminar khoa học… Nhà trường hoặc khoa, tổ chuyên môn chủ trì thực hiện các hình thức này. Sản phẩm cần có ở mỗi giảng viên là các bài báo, báo cáo, chứng chỉ, giấy chứng nhận.

Hướng bồi dưỡng qua hoạt động thực tiễn dạy học, NCKH, hoạt động xã hội…Việc bồi dưỡng được tiến hành chủ yếu thông qua tự bồi dưỡng cá nhân. Sản phẩm là các bài báo khoa học, đề tài NCKH, giáo trình, sách tham khảo… có vào hàng năm hoặc một số năm. 

Hướng bồi dưỡng gắn với thực tế phổ thông. Giảng viên SP bắt buộc phải có thực tế phổ thông (điều này đúng với cả giảng viên dạy cơ bản ở trường SP). Có nhiều cách thức và con đường tiếp cận phổ thông. Trong đó, có việc trực tiếp thâm nhập thực tế phổ thông bằng việc tham gia sinh hoạt chuyên môn và trực tiếp dạy một thời gian ở phổ thông, nghiên cứu các đề tài khoa học về giáo dục phổ thông, thực tế phổ thông trong một khoảng thời gian nhất định…

Các nhà giáo dục và CBQL giáo dục cũng đưa ra nhiều giải pháp để phát huy năng lực của giảng viên sư phạm như: Phát huy năng lực nghiệp vụ sư phạm của giảng viên sư phạm thông qua tạo môi trường để giảng viên tự học tập và bồi dưỡng không ngừng phát triển năng lực của bản thân. Cần cử giảng viên đi học tập nâng cao trình độ. 

Sử dụng nội lực để đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ. Khai thác triệt để các chương trình liên kết đào tạo quốc tế; Mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn về nghiệp vụ sư phạm, kiểm tra - đánh giá, đặc biệt là các hình thức tổ chức dạy học phù hợp đào tạo theo học chế tín chỉ. Mở rộng và tổ chức tốt các lớp cử nhân chất lượng cao, cử nhân khoa học tài năng ở một số ngành là một trong những biện pháp đào tạo tích cực nhằm tạo nguồn đội ngũ cán bộ khoa học cho các cơ sở giáo dục ĐHSP. 

Cùng đó, cần phát huy năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên sư phạm thông qua thiết lập môi trường và văn hóa nghiên cứu trong trường ĐH; Tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học, hình thành các trường phái nghiên cứu về khoa học giáo dục, khoa học cơ bản.

Đặc biệt, phải tạo môi trường và điều kiện để giảng viên có thể phát triển năng lực. Cụ thể, phải mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn về chính trị, kĩ năng ứng dụng CNTT và ngoại ngữ cho giảng viên. Thiết lập câu lạc bộ giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Ban hành các chính sách đối với giảng viên được cử đi đào tạo và bồi dưỡng…

"Để có năng lực chuyên môn tốt, ngoài việc được đào tạo bài bản ở các trường ĐH thì giảng viên còn phải có thêm năng lực quan trọng khác đó là năng lực phát triển bản thân. Năng lực này kéo dài suốt cả cuộc đời người giảng viên. Bởi quá trình hoàn thiện bản thân, nâng cao trình độ không những theo thời gian mà còn đi liền với sự phát triển" - TS Hoàng Thị Hạnh.

Theo Đức Trí (GD&TĐ)