Còn nhiều tồn tại

Theo PGS.TS Bùi Minh Đức - Trường ĐHSP Hà Nội 2, thực tiễn hoạt động nghề nghiệp của giảng viên sư phạm trong những năm qua cho thấy bên cạnh nhiều điểm tích cực, đóng góp đáng kể cho sự phát triển chung của ngành giáo dục thì vẫn còn những tồn tại. Và nó không xuất hiện ở mọi giảng viên và mọi trường sư phạm nhưng đó là vấn đề đang diễn ra phổ biến với nhiều mức độ khác nhau trong từng trường, từng khoa, từng giảng viên sư phạm, đòi hỏi phải có những giải pháp tháo gỡ…

Cụ thể như phát triển năng lực nghiên cứu khoa học chuyên ngành theo hướng chuyên sâu của khoa học cơ bản nhưng sự vận dụng vào công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên chưa có nhiều kết quả tốt như mong muốn. Khoa học chuyên ngành và khoa học sư phạm chưa có sự gắn kết chặt chẽ.

Năng lực nghiên cứu khoa học giáo dục và khoa học sư phạm ứng dụng chưa cao. Năng lực này mới chỉ tập trung vào một bộ phận giảng viên, dù đây là một trong những hoạt động nghề nghiệp lao động đặc thù của trường sư phạm.

Cùng đó, phần đông giảng viên chưa được trang bị kiến thức và kĩ năng phát triển chương trình kể cả phát triển chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và chương trình giáo dục phổ thông. Vì thế quá trình chỉnh sửa, đổi mới chương trình vẫn chủ yếu tiến hành theo lối cũ, theo kinh nghiệm hơn là sự vận dụng khoa học về chương trình để đổi mới chương trình đào tạo.

Những năm qua, năng lực chuyển giao công nghệ giáo dục góp phần giải quyết những vấn đề giáo dục phổ thông cũng chưa thực sự có kết quả trong lao động của giảng viên sư phạm. Số lượng giảng viên sư phạm quan tâm đến các vấn đề giáo dục phổ thông, xây dựng các hướng nghiên cứu, các đề tài giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc của giáo dục phổ thông chưa nhiều…

Ngoài ra là những hạn chế về năng lực hợp tác mà cụ thể là sự hợp tác giữa giảng viên sư phạm và nhà trường phổ thông, nhất là giáo viên phổ thông. Mối quan hệ này còn lỏng lẻo đã hạn chế đáng kể động cơ đổi mới, nhu cầu đổi mới, tính thiết thực, hiệu quả và cập nhật trong giảng dạy và đào tạo sinh viên của người giảng viên, khiến cho hoạt động đào tạo của giảng viên xa rời thực tế, thậm chí không theo kịp sự đổi mới của giáo dục phổ thông.

Năng lực dạy học cũng còn hạn chế, thể hiện rõ ở phương pháp giảng dạy. Phương pháp dạy học vẫn là thuyết trình đọc chép. Cùng đó phương pháp kiểm tra đánh giá ở trường sư phạm dường như vẫn không có mấy sự thay đổi trong khi cách thức kiểm tra đánh giá ở trường phổ thông đã thay đổi nhiều trên cơ sở học tập và vận dụng cách thức, kĩ thuật kiểm tra đánh giá tiên tiến trên thế giới.

Phát triển năng lực giảng viên sư phạm

Những tồn tại trong năng lực của đội ngũ giảng viên sư phạm càng đặt ra nhiệm vụ bồi dưỡng giảng viên vào vị trí quan trọng và cấp thiết. Nhất là trong bối cảnh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay.

Để nâng cao chất lượng hiệu quả của việc xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên sư phạm, điều cần thiết có tính tiên quyết là xác định các phẩm chất và năng lực của giảng viên sư phạm cần có. 

GS.TS Phạm Hồng Quang - Trường ĐHSP - ĐH Thái Nguyên chỉ ra 5 năng lực của giảng viên sư phạm. Đó là: Năng lực phát triển chương trình giáo dục; Năng lực tổ chức các hình thức dạy học mới và đánh giá; Năng lực tự bồi dưỡng về học vấn giáo dục đại học; Năng lực hợp tác trong giảng dạy và nghiên cứu. 

Cũng theo GS.TS Phạm Hồng Quang, nâng cao được ý thức và trách nhiệm của giảng viên sư phạm trong việc đổi mới chương trình là điều quan trọng nhất. Năng lực đặc trưng của giảng viên sư phạm cần thể hiện rõ chức năng “tháo gỡ” điểm nút trên con đường phát triển năng lực của người học từ GDPT đến GD sau PT. Đặc biệt là hướng vào mục đích giúp cho người học “tham gia vào đời sống xã hội một cách chắc chắn” với tinh thần “độc sáng”, khởi nghiệp và dựa trên một nền giáo dục khai phóng.

Để hình thành năng lực cho giảng viên giải pháp chiến lược: Phát triển môi trường giáo dục là trọng tâm từ phạm vi bài giảng cụ thể đến phạm vi là môi trường hoạt động với các chính sách tạo động lực; Triển khai hoạt động nghiên cứu trong và ngoài trường, trong đó coi trọng phương pháp nghiên cứu… Thông qua các chuỗi hoạt động thực hành, thí nghiệm khoa học, tổ chức hướng dẫn sinh viên nghiên cứu trải nghiệm sáng tạo. 

Người giảng viên sư phạm ngoài chức năng hướng dẫn giúp đỡ sinh viên học tập, tham gia các hoạt động khác, hợp tác với các giáo viên khác còn phải đảm nhận 3 chức năng quan trọng của người trí thức: Chức năng sáng tạo; Chức năng phản biện xã hội và chức năng giáo dục. 

Thầy giáo Nguyễn Đức Vũ - Trường ĐHSP ĐH Huế cho rằng: Với đặc thù của hoạt động nghề nghiệp, giảng viên sư phạm trước hết phải có phẩm chất, năng lực của một nhà giáo với các tiêu chuẩn nổi bật về sự tận tụy, tâm huyết với nghề nghiệp, có kiến thức chuyên môn sâu rộng, ham hiểu biết tri thức mới và không ngừng nâng cao trình độ, có nghiệp vụ sư phạm vững vàng và ảnh hưởng mạnh mẽ tới người học. Ngoài ra tương tự như giảng viên các ĐH khác, giảng viên ĐHSP cũng cần phải đạt được trình độ quy định tối thiểu về tiếng Anh và sử dụng công nghệ thông tin để làm công cụ trong hoạt động đào tạo... 

Giảng viên sư phạm với những đặc thù của nghề dạy học chính là những người “thầy của thầy”. Họ dạy cách dạy, dạy cách học, truyền lửa và dạy cách truyền lửa, vừa dạy vừa thực hành. Họ chính là tấm gương, là “mô hình mẫu” cho chính sinh viên và những thế hệ thầy cô sau này. Trong bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo hướng phát triển năng lực thì bồi dưỡng đội ngũ giảng viên sư phạm theo khung năng lực hoạt động nghề nghiệp là yêu cầu tất yếu, khách quan và cấp bách.

​​​​​​​Theo Đức Trí (GD&ĐT)