Giáo viên còn mắc sai lầm 

Có thể thấy, đội ngũ nhà giáo hiện nay còn nhiều bất cập nghề nghiệp. Nhiều người không được đào tạo chính quy từ trường sư phạm về tay nghề, năng lực chưa đủ để phát triển phẩm chất năng lực người học. 

Số đông nhà giáo còn mắc bệnh nghề nghiệp như chạy theo lý thuyết kinh điển, bám vào tri thức có sẵn trong sách giáo khoa (SGK), không gắn với thực tiễn đời sống. Nhiều thầy cô luôn cho mình là đúng, coi thường ý kiến đóng góp của đồng nghiệp, khó chịu với những thắc mắc của HS. Họ không chịu lắng nghe và luôn đổ lỗi cho HS, cha mẹ học sinh và nhà trường, đồng nghiệp còn bản thân luôn cho là hoàn hảo. 

TS. Nguyễn Tùng Lâm - Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cũng chỉ ra: Không ít GV chưa thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp giáo dục bởi coi thường những đợt tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ của từng trường hoặc cơ quan quản lý tổ chức. 

Những chuẩn mực của một giờ lên lớp đối với nhiều GV chỉ được quan tâm thực hiện khi thao giảng hoặc có thanh tra, người dự giờ. Bản thân là người thầy nhưng họ không hiểu được phương pháp giáo dục, kinh nghiệm giáo dục tiên tiến nên dễ tùy tiện và mắc sai lầm trong quá trình giáo dục... 

Trong khi đó, mục tiêu của đổi mới giáo dục là hướng đến việc phát triển nguồn lực con người trung thực, nhân văn, tự chủ và sáng tạo. Để thực hiện giáo dục phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, (CT GDPT) mới hướng tới hình thành và phát triển những phẩm chất của HS phù hợp với mỗi cấp bậc học. 

Như vậy, để giúp người học phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất, nhất định đội ngũ GV phải đổi mới phương pháp dạy học. Cùng đó, ngoài việc trang bị kiến thức cho HS, GV phải tạo ra môi trường để các em được trải nghiệm, sáng tạo.

Hướng tới phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học

Điều kiện tiên quyết

Đổi mới, nâng cao năng lực cho GV và cán bộ quản lý (CBQL) trường học được xem như điều kiện tiên quyết để phát triển năng lực học trò. 

TS. Nguyễn Thị Tuyết Hạnh - Học viện Quản lý Giáo dục cho rằng: Muốn phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất HS, GV cần thực hiện dạy học kết hợp nhiều phương pháp, đặt hoạt động dạy học trong mối quan hệ với thế giới thực, tạo điều kiện cho HS được trải nghiệm, sáng tạo. 

Dạy học liên hệ thực tiễn, bắt đầu từ thực tiễn, nhưng phải chú ý phát triển năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề, năng lực khái quát hóa cho HS, để giúp các em khi đứng trước các vấn đề mới có thể chủ động tìm được cách giải quyết phù hợp. 

Để thực hiện dạy học phát triển năng lực cho HS cũng đòi hỏi GV phải phát triển những năng lực nhất định (xây dựng kế hoạch dạy học; Đảm bảo kiến thức môn học, chương trình môn học; Vận dụng các phương pháp dạy học; Sử dụng các phương tiện dạy học; Xây dựng môi trường học tập; Quản lý hồ sơ dạy học; Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS...). 

TS. Vương Bích Thủy - Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng cũng khẳng định: Trong dạy học hướng đến phát triển năng lực của người học, vai trò của người thầy đã có sự thay đổi cơ bản. Thầy giáo không còn là người truyền thụ kiến thức có sẵn mà phải là người bạn đồng hành giàu tri thức và kinh nghiệm, cùng với SV trải nghiệm trên con đường tìm kiếm tri thức. 

Trong hành trình đầy sáng tạo đó, người thầy phải có đầy đủ năng lực chuyên môn để giảng dạy tốt và hướng dẫn SV tự học, có nhân cách trong sáng để giúp cho người học nhận ra phẩm chất và năng lực của mình. Đặc biệt, người thầy còn phải khiêm tốn, kiên nhẫn để chia sẻ, lắng nghe và học hỏi những điều tốt đẹp từ chính người học, để từ đó biết cách điều chỉnh hoạt động dạy của mình.

Cũng theo TS. Vương Bích Thủy, mục đích lớn nhất và quan trọng nhất của quá trình dạy học là hướng người học đến việc tự chiếm lĩnh và sáng tạo ra những tri thức mới. Vì vậy, đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực yêu cầu giảng viên ĐH phải dạy cách học.

Đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực không mâu thuẫn với quan niệm truyền thống về vị trí chủ đạo, vai trò quyết định của người thầy mà đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với sự nỗ lực của họ trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Người thầy không thể chỉ nói những gì họ biết mà phải hướng dẫn HS, SV khả năng tiếp cận tri thức hiện đại, những điều mà bản thân người thầy có thể gặp giới hạn. Vì vậy, để vượt qua khó khăn này bên cạnh việc tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, người thầy phải tích cực tự học và tăng cường công tác nghiên cứu khoa học...

Yêu cầu thực hiện dạy học tập trung vào phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học đòi hỏi không chỉ thầy cô giáo mà cả CBQL trường học những năng lực mới. Họ phải thực sự là tấm gương về đạo đức và sự sáng tạo. Quản lý trường học cần được đổi mới để tạo dựng môi trường trường học thân thiện, tích cực, có tính đột phá trong quá trình thực hiện đổi mới - TS. Nguyễn Thị Tuyết Hạnh chia sẻ.

Hà Anh