Năng lực các trường ĐHSP chủ chốt (LTTUs) được đánh giá bằng Bộ chỉ số phát triển trường ĐHSP (TEIDI). Năm 2017, các trường ĐHSP chủ chốt đã đánh giá cơ sở, xác định năng lực của từng trường làm cơ sở xây dựng Thỏa thuận thực hiện Chương trình ETEP (PA) trong đó có chiến lược phát triển nhà trường.

Sau 3 năm thực hiện Chương trình ETEP, năng lực của các trường đã được đánh giá vào năm 2019 và 2020. Năng lực LTTUs cải thiện rõ rệt, điểm đánh giá bảo đảm với cam kết của nhà trường được thể hiện trong PA, trong đó có sự thay đổi to lớn về năng lực của đội ngũ giảng viên SP chủ chốt.


Hệ giá trị cho đội ngũ giảng viên chủ chốt

Nhận định của PGS.TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội, thực hiện chương trình ETEP, năng lực của giảng viên sư phạm được nâng cao.

Điều này thể hiện trước hết ở năng lực phát triển chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế; năng lực biên soạn, phát triển tài liệu hướng dẫn cho giáo viên phổ thông về chương trình; hình thành và phát triển năng lực của giáo viên phổ thông đáp ứng được yêu cầu của Chương trình GDPT 2018.

Trước khi tập huấn cho giáo viên phổ thông cốt cán, các giảng viên cần được tập huấn. Bản thân các giảng viên cũng được bồi dưỡng, nâng cao năng lực trong phương pháp, kỹ thuật giảng dạy thông qua các khóa tập huấn với các chuyên gia quốc tế.

Cùng năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong biên soạn học liệu và giảng dạy trên hệ thống quản lí học tập, giảng viên còn được tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học qua một số nhiệm vụ nghiên cứu trong ETEP. Theo đó, số lượng công bố của giảng viên tăng; cơ hội trao đổi chuyên môn với các chuyên gia quốc tế nhiều hơn.

Tại Trường ĐHSP - ĐH Huế, quá trình tham gia Chương trình ETEP, cùng sự phát triển nhà trường và xu thế mới phát triển giáo dục, sứ mạng, tầm nhìn của Trường đã có thay đổi phù hợp; hướng đến trở thành một trong ba trường SP trọng điểm của cả nước.

TS. Nguyễn Đăng Độ - Quyền Trưởng phòng Khảo thí và Bảo đảm chất lượng giáo dục, Trường ĐH SP, ĐH Huế - khẳng định nhiều kết quả của nhà trường sau 3 năm tham gia ETEP. Trong đó có việc khởi sắc về công tác kiểm định chất lượng; thay đổi tích cực về chương trình đào tạo; chất lượng công tác nghiên cứu khoa học được nâng cao; trang bị đầy đủ, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học...

TS Nguyễn Đăng Độ cũng nhấn mạnh đến kết quả về năng lực đội ngũ cán bộ nhà trường ngày càng được nâng cao thông qua các đợt tập huấn, phát triển chương trình, xây dựng chương trình, xây dựng chuẩn đầu ra do Ban Quản lý Chương trình ETEP, các trường trong thành viên ETEP tổ chức.

Đặc biệt, tham gia bồi dưỡng giáo viên giúp năng lực giảng dạy của giảng viên được nâng cao. Các giảng viên khi tham gia tập huấn cho giáo viên phổ thông cũng có thêm kinh nghiệm, kiến thức để vận dụng vào giảng dạy ở trường ĐH; tăng hiệu quả, chất lượng giảng dạy, chất lượng đào tạo của nhà trường.

"Trường đã tham gia xây dựng, phát triển tài liệu mô đun 4 và mô đun 7 do Bộ GD&ĐT chỉ định. Thông qua hoạt động biên soạn tài liệu cũng giúp nâng cao năng lực của giảng viên.

Hiện nay, nhà trường đang hướng đến xây dựng trường ĐH số, nên tất cả các hoạt động phục vụ giảng dạy, nghiên cứu đã được tiến hành xây dựng các phần mềm phục vụ công tác quản lý, hỗ trợ học tập của sinh viên ngày càng thuận lợi như: phần mềm đào tạo phần mềm đảm bảo chất lượng, phần mềm đăng ký môn học, nghiên cứu khoa học… Trong thời gian tới, phấn đấu thực hiện tất cả các hoạt động gắn với phần mềm điện tử." - TS. Nguyễn Đăng Độ cho hay.


Giải pháp tiếp tục nâng cao năng lực giảng viên SP chủ chốt

Khẳng định của PGS.TS. Trần Xuân Bách, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP (ĐH Đà Nẵng), nhà trường đã có bước tiến vượt bậc trong những năm tham gia chương trình ETEP. Trong đó, điểm nhấn nổi bật là hoàn thành vượt chỉ tiêu được giao (141,4%; 124,6%; 121,5%) trong thỏa thuận hợp tác (PA) ở cả 3 mô đun bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Từ kết quả phát triển đội ngũ giảng viên trong thời gian vừa qua, PGS.TS Trần Xuân Bách cho biết: Trường ĐHSP (ĐH Đà Nẵng) tiếp tục có những giải pháp phát triển năng lực giảng viên SP chủ chốt và giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt.

Theo đó, rà soát, tái cấu trúc lại đội ngũ giảng viên hiện có, tập trung cho các ngành có nhu cầu đào tạo và bồi dưỡng giáo viên lớn như ngành giáo dục tiểu học, giáo dục mầm non và giáo dục nghệ thuật.

Thu hút giảng viên có trình độ cao từ các trường ĐH khác về trường, đồng thời tuyển dụng giảng viên trẻ có trình độ và năng lực tốt. Nhà trường xây dựng kế hoạch tuyển dụng từ 30-40 giảng viên hàng năm, để đáp ứng yêu cầu tăng quy mô đào tạo và bồi dưỡng.

Trường cũng cử giảng viên sư phạm chủ chốt tham gia các hội thảo tập huấn về công tác phát triển chương trình, phát triển tài liệu bồi dưỡng; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm đào tạo và bồi dưỡng với các trường sư phạm chủ chốt trong cả nước.

Trường ĐHSP (ĐH Đà Nẵng) đồng thời triển khai kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ của đội ngũ giảng viên. "Trong những năm qua, sự gia tăng tỷ lệ giảng viên có trình độ tiễn sĩ từ 25% năm 2015 lên 45% năm 2021 là sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở đào tạo còn nhiều khó khăn của khu vực miền Trung. Thời gian tới, theo lộ trình đến năm 2025, Trường phấn đấu đạt giàng viên có trình độ tiến sĩ đạt 60%.

Nhà trường cũng có chính sách hợp lý đối với sự đóng góp của từng giảng viên, xây dựng môi trường SP lành mạnh; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ viên chức toàn trường. Phấn đấu nguồn thu nhập của giảng viên và người lao động hàng năm tăng từ 7% trở lên." - PGS.TS Trần Xuân Bách thông tin.

Với Trường ĐHSP Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền cho biết: Thời gian tới nhà trường sẽ tiếp tục cử giảng viên sư phạm chủ chốt tham gia các lớp tập huấn của chương trình ETEP. Một số khóa học cho giảng viên nhà trường với chuyên gia nước ngoài về phát triển chương trình đào tạo, quản trị đại học và nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế cho lĩnh vực khoa học giáo dục tục được thực hiện ngay trong tháng này.

Hiện nay, có 8 trường SP/học viện tham gia Chương trình ETEP, gồm: Trường ĐHSP Hà Nội, Trường ĐHSP Hà Nội, Trường ĐHSP - ĐH Đà Nẵng, Trường ĐHSP - ĐH Thái Nguyên, Trường ĐHSP - ĐH Huế,  Trường ĐH Vinh, Trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh, Học viện Quản lý Giáo dục.

Tại cuộc họp khởi động Đoàn giám sát, hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới với Chương trình ETEP diễn ra đầu năm 2021, TS. Đặng Văn Huấn - Phó Giám đốc BQL Chương trình ETEP cho biết: Về  "Tăng cường năng lực của các trường ĐHSP chủ chốt", chỉ số phát triển các trường SP (TEIDI) của cả 6 trường (sau khi tái cấu trúc) tham gia đánh giá năm 2020 đều đạt lộ trình tăng điểm.

Theo đó, Trường ĐHSP Hà Nội đạt  4.7 điểm, trong khi mức điểm cam kết đạt năm 2020 là 4.6. Trường ĐHSP - ĐH Thái Nguyên đặt mục tiêu đạt 4.57 điểm, thì kết quả năm 2020 đạt 4.8 điểm, tăng cao nhất 126% so với kế hoạch đề ra. ĐH Vinh đạt 4.2/4.18; ĐHSP - ĐH Huế đạt 4.84/4.82; ĐHSP - ĐH Đà Nẵng đạt 4.87/4.49; ĐHSP TP Hồ Chí Minh đạt 4.93/4.76

Theo Hiếu Nguyễn (GD&TĐ)