Không nằm ngoài xu hướng phát triển đó, Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) thuộc Bộ GD-ĐT cũng đang triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo qua mạng. 

Lợi thế của bồi dưỡng trực tuyến

Trên thế giới, hiện có khoảng 8% doanh nghiệp dùng giải pháp học tập trực tuyến. Dự báo 2 năm tới có 28% doanh nghiệp sử dụng elearning, thị trường đào tạo trực tuyến sẽ tăng trưởng 17%. Tại Mỹ, 77% công ty đưa ra các chương trình đào tạo online để cải thiện kỹ năng nhân viên. Riêng Google có 80.000 nhân viên tham gia học trực tuyến.

Theo báo cáo tại Diễn đàn hàng đầu châu Á về công nghệ giáo dục Edtech Asia Summit 2016, có 50% trong tổng số hàng trăm triệu sinh viên đại học ở châu Á sẽ theo học các khóa trực tuyến trong 10 năm tới. Các trường đại học top đầu sẽ cung cấp các khóa học với chất lượng tương tự thậm chí tốt hơn chương trình truyền thống.

Khi tham gia chương trình đào tạo trực tuyến, người học thường ưu tiên việc lấy kiến thức thay vì bằng cấp. Hình thức đào tạo này khắc phục được hạn chế trong việc phải đi lại và tiết kiệm thời gian. 

Hiện nay, Chương trình ETEP đang phối hợp với Cục Công nghệ thông tin và Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý Giáo dục xây dựng phần mềm bồi dưỡng đội ngũ GV (LMS-TEMIS) để hỗ trợ công tác bồi dưỡng GV, đặc biệt là công tác bồi dưỡng GV phục vụ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Toàn bộ các Chương trình bồi dưỡng thường xuyên mà ETEP phát triển cũng như nguồn học liệu mở sẽ được kết nối với Hệ thống quản lý học tập (LMS), hệ thống thông tin quản lý bồi dưỡng giáo viên (TEMIS). Đặc biệt, các thầy cô giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông được hỗ trợ liên tục, thường xuyên, tại chỗ bởi mạng lưới hỗ trợ gồm đội ngũ chuyên gia sư phạm và đội ngũ cốt cán.

Như vậy, các nhà giáo không cần phải đến lớp học mà có thể tiếp nhận kiến thức từ các chương trình bồi dưỡng, nguồn học liệu mở chỉ với một chiếc máy tính, Ipad, điện thoại thông minh… có kết nối Internet. Có thể nói, đây là một trong những giải pháp căn bản, góp phần nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng. 

TS. Vũ Chí Cường – Giám đốc Trung tâm CNTT trường Đại học Vinh cho biết: "Trường đã triển khai nhiều hình thức ứng dụng CNTT vào giảng dạy và học tập đối với tất cả các ngành. Riêng đối với khối ngành sư phạm, nhà trường đang tiến hành đổi mới toàn diện về nội dung và hình thức giảng dạy, học tập theo Chương trình ETEP. Việc đổi mới này sẽ tạo cơ hội để các giảng viên ứng dụng được nhiều mô hình, phần mềm giảng dạy tiến bộ từ các ứng dụng CNTT. Đồng thời, khi hoàn thiện các nội dung giảng dạy theo hình thức Elearning, người học được trao nhiều cơ hội hơn, chủ động hơn về thời gian, kiến thức và phương pháp học tập".

Biến khó khăn thành động lực 

Mặc dù có những lợi thế nhất định, hoạt động bồi dưỡng qua mạng internet  của ETEP vẫn đối mặt với một số khó khăn. Đầu tiên là nhận thức của một bộ phận giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục về chất lượng, hiệu quả của đào tạo trực tuyến so với cách thức đào tạo truyền thống, họ chưa thấy hết lợi thế nên "ngại" thay đổi nếp cũ. Vì thế, cần có những chính sách hỗ trợ cũng như truyền thông bài bản đến các đối tượng này, khơi gợi nhu cầu cũng như tạo động lực cho người học. 

Cùng với đó, chương trình bồi dưỡng thiết thực, học liệu mở hấp dẫn, cách thức thể hiện bài giảng phong phú, tính tương tác cao cũng là một yếu tố giúp thu hút người học. Đặc biệt cần theo dõi, quản lý được quá trình học tập, kiểm tra và đánh giá được trình độ của học viên… 

Việc bồi dưỡng này có thể được thực hiện theo hình thức trực tuyến, báo cáo viên và người học có thể trao đổi, tương tác trực tuyến thông qua hỗ trợ của công nghệ thông tin. Đồng thời, việc bồi dưỡng này có thể được thực hiện thông qua việc báo cáo viên đưa tài liệu lên mạng internet, người học có thể học mọi lúc, mọi nơi và trao đổi với báo cáo viên qua mạng trong một thời gian nhất định.

Nếu vận dụng triệt để vai trò của CNTT trong công tác bồi dưỡng, sẽ tiết kiệm được nguồn lực kinh tế, nguồn lực con người và thời gian, đồng thời sẽ đem lại hiệu quả cao, thiết thực, nâng cao chất lượng bồi dưỡng.

Hiện nay, Bộ GDĐT đang sửa đổi Thông tư số 26 về quy chế bồi dưỡng GV, trong đó dự kiến đưa ra 03 hình thức bồi dưỡng: bồi dưỡng trực tiếp; bồi dưỡng qua mạng và bồi dưỡng kết hợp trực tiếp và qua mạng. Trong đó, chủ yếu vận dụng phương thức tự học và tự học có hướng dẫn. Các lớp bồi dưỡng tập trung (nếu có) chủ yếu để báo cáo viên hướng dẫn thêm những nội dung mới hoặc khó, giải đáp thắc mắc, hướng dẫn tự học, rèn luyện năng lực nghề nghiệp.

Tới đây, Chương trình ETEP sẽ triển khai bồi dưỡng 28.000 giáo viên phổ thông cốt cán, 4.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (CBQLCSGDPT) cốt cán. Đội ngũ cốt cán này cùng với chuyên gia của 8 trường sư phạm sẽ hỗ trợ việc tự bồi dưỡng cho khoảng 800.000 giáo viên phổ thông và 70.000 CBQLCSGDPT qua mạng, thông qua hệ thống LMS-TEMIS, hệ thống quản lý và bồi dưỡng qua mạng cho đội ngũ giáo viên và cán bộ cơ sở giáo dục phổ thông.

Theo VOV