Đổi mới phương pháp, hình thức dạy học

GS.TS. Đinh Quang Báo, Phó Giám đốc Kỹ thuật Dự án Hỗ trợ đổi mới GDPT (RGEP) cho biết, Chương trình GDPT mới được chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận phẩm chất và năng lực học sinh, vì vậy, GV cũng phải chuyển từ phương pháp dạy học kiểm tra đánh giá theo hướng cung cấp kiến thức cho học sinh sang việc tổ chức cho học sinh tự khám phá, vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề có ý nghĩa trong nhận thức và vận dụng đời sống.

Bên cạnh đó, chương trình mới được xây dựng theo hướng mở, giao quyền chủ động cho các nhà trường được xây dựng kế hoạch thực hiện, đổi mới này đòi hỏi GV phải có năng lực phát triển chương trình nhà trường.

Trong khi đó, Chương trình GDPT mới hướng đến phát triển năng lực HS nên giáo dục tích hợp trở thành một phương thức chủ yếu bởi vì năng lực là khả năng kết nối kiến thức, kỹ năng của nhiều môn học, nhiều lĩnh vực để giải quyết các vấn đề nhận thức và thực tiễn. Thực tế, GV hiện nay còn lúng túng về tổ chức dạy học tích hợp. Họ vẫn quen dạy học từng đơn vị nội dung rời rạc. Vì thế, GV phải được bồi dưỡng về dạy học phát triển năng lực bao gồm: Bồi dưỡng về phương pháp, hình thức dạy học, kiểm tra đánh giá.

Lực cản lớn nhất đối với GV trong chuyển đổi này là phần lớn GV đang có thói quen truyền đạt một chiều và thiếu năng lực thiết kế các hoạt động sáng tạo của học sinh. Ngoài ra, việc kiểm tra đánh giá hiện nay đang theo hướng tiếp cận nội dung đã ảnh hưởng đến quyết tâm đổi mới của GV.

Tích cực tự học, tự bồi dưỡng

Từ năm học 2020 - 2021, Chương trình GDPT mới sẽ được áp dụng vào lớp 1. So với chương trình phổ thông hiện hành, chương trình mới ít môn học hơn do thực hiện chủ trương tích hợp cao ở các lớp dưới. Bên cạnh đó, ở tiểu học còn có một hoạt động giáo dục tích hợp là hoạt động trải nghiệm. Học sinh được lựa chọn chủ đề phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường. Công tác bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục là yêu cầu cấp thiết đặt ra.

Theo TS. Phạm Thị Thanh Hải, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội, ở cấp tiểu học, giai đoạn mở đầu của GDPT, đội ngũ GV đóng vai trò quyết định chất lượng của cả giai đoạn giáo dục cơ bản. Bởi vậy, việc tập trung phát triển đội ngũ GV tiểu học cả về số lượng và chất lượng cần được quan tâm đúng mức và có chính sách đặc thù.

NGƯT.TS. Trần Thị Kim Liên - Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội cũng nhận định, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và nâng chuẩn giáo viên từng cấp học giai đoạn sắp tới là yêu cầu cấp thiết phục vụ cho việc nâng cao chất lượng giáo dục. Trong quá trình đổi mới, cần động viên khuyến khích mọi người tích cực tự học, tự bồi dưỡng, làm thay đổi tư duy thụ động, trì trệ cho rằng đào tạo ở trường sư phạm là đủ, hoặc cứ “dạy lâu là lên lão làng”, từ đó không chịu học tập bồi dưỡng, không theo kịp sự đổi mới của xã hội, không cập nhật kịp thời các thông tin khoa học, tri thức của thời đại, sẽ dần trở nên lỗi thời ngay cả với HS khi các em có nhiều kênh thông tin để cập nhật kiến thức.

Việc chọn, cử GV đi dự các khóa bồi dưỡng nhất là ở các trường phổ thông xa trung tâm và các trường phổ thông có quy mô nhỏ, thiếu GV cần được ưu tiên hơn nữa về nguồn lực và cơ chế phù hợp để đảm bảo cung cấp đầy đủ kinh phí cho công tác bồi dưỡng GV hàng năm. Đổi mới cơ chế đánh giá, sử dụng đi đôi với khen thưởng, khuyến khích GV tự giác tham gia đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực.

Xét về vai trò của cán bộ quản lý giáo dục trong triển khai Chương trình GDPT mới, GS.TS. Đinh Quang Báo phân tích, để thực hiện Chương trình GDPT mới, trong đó phân cấp quản lý thực hiện chương trình được xem là một trong những đổi mới cơ bản. Nếu như trước đây chương trình nặng về quan liêu, kế hoạch hóa cứng nhắc, áp đặt từ trên xuống thì chương trình mới là một chương trình mở, trong đó xác định mối quan hệ giữa chương trình quốc gia, chương trình địa phương và chương trình nhà trường. Mỗi cấp chương trình có những nhiệm vụ nhất định đòi hỏi sự sáng tạo của cán bộ quản lý ứng với từng cấp.

Theo Lê Đăng (GD&TĐ)