Triển khai bài bản, khoa học

TS. Đặng Văn Huấn - Phó Giám đốc Ban Quản lý Chương trình ETEP Trung ương đánh giá cao ngành giáo dục tỉnh Thanh hoá trong hoạt động bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ GV/CBQL, là 1 trong 10 tỉnh đi đầu cả nước trong bồi dưỡng GV đại trà. Thanh Hoá đã rất chủ động, căn cứ trên kế hoạch, công văn hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, phối hợp chặt chẽ với Trường Đại học Vinh là điển hình triển khai bồi dưỡng thường xuyên. 

TS, Đặng Văn Huấn - PGĐ BQL Chương trình ETEP: "Mô hình bồi dưỡng mới do Bộ GD&ĐT triển khai lần này đã tạo ra các cộng đồng học tập trong đội ngũ GV và CBQL, cùng chia sẻ thông tin, kiến tạo tri thức, phát triển nghề nghiệp".

Tính đến thời điểm này, Thanh Hoá đã hoàn thành bồi dưỡng mô đun 1 cho 100% GV dạy lớp 1. Và đến ngày 30/11/2020, đã hoàn thành bồi dưỡng mô đun 1 cho hơn 28.763 GV và CBQL. Tỷ lệ GV, CBQL được đánh giá đạt yêu cầu trên hệ thống LMS đều từ hơn 96% trở lên đối với cấp THCS, THPT. Từ ngày 10/12 đến ngày 24/12/2020, Thanh Hoá triển khai bồi dưỡng mô đun 2 cho toàn bộ GV, CBQL đại trà các cấp.

Trao đổi với đoàn giám sát, PGS.TS. Trần Văn Thức - Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa nêu quan điểm: Thực hiện cải cách, đổi mới cần sự sáng tạo, nhạy bén và thích ứng - điều này không dễ dàng thay đổi khi mà tư duy lối mòn, thói quen cũ ăn sâu trong không ít thầy cô nhà giáo. Vì vậy, để thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018, Sở GD&ĐT Thanh Hoá chú trọng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên tỉnh nhà.

PGS.TS. Trần Văn Thức - GĐ Sở GD&ĐT Thanh Hóa trao đổi thông tin về bồi dưỡng GV của Thanh Hoá

PGS.TS. Trần Văn Thức cho biết, Sở GD&ĐT Thanh Hoá giao cho Phòng Trung học phổ thông tham mưu cho Sở, phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Chương trình ETEP của Bộ GD&ĐT và Trường Đại học Vinh để triển khai bồi dưỡng, nếu có vướng mắc, có biện pháp tháo gỡ ngay. Có thể nói, Thanh Hoá là tỉnh tổ chức hoạt động hỗ trợ bồi dưỡng đại trà khá bài bản, khoa học. 

Sở GD&ĐT Thanh Hoá đã có Công văn số 3918/SGDĐT-GDTrH ngày 9/11/2020 về việc tổ chức bồi dưỡng GV, CBQL đại trà triển khai Chương trình GDPT 2018 (trong khuôn khổ Chương trình ETEP). Theo đó, tất cả giáo viên các trường THCS, THPT, TTGDTX tham gia bồi dưỡng; Quy định rõ nội dung, thời lượng, thời gian, phương thức bồi dưỡng… Trong Công văn cũng có đầy đủ các phụ lục liên quan đến quy trình, cách thức triển khai hỗ trợ bồi dưỡng đại trà, khung đánh giá học viên tham gia bồi dưỡng.

Về triển khai bồi dưỡng GV đại trà, ông Hoàng Văn Giao - Phó Trưởng phòng Trung học phổ thông Thanh Hoá chia sẻ kinh nghiệm: “Chúng tôi tổ chức hội nghị tập hợp tất cả GV cốt cán về tỉnh, giới thiệu về quy trình, cách thức xây dựng kế hoạch hỗ trợ, cách tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường”.

Về quy trình triển khai bồi dưỡng đại trà, Sở hướng dẫn quy trình hỗ trợ GV đại trà cho GV cốt cán, sau đó hướng dẫn cách thức tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo trường - cụm trường.

Nhằm hỗ trợ đội ngũ cốt cán, Sở GD&ĐT Thanh Hoá tính việc hỗ trợ đồng nghiệp qua mạng quy đổi bằng tiết dạy và mỗi tiết 100.000 đồng.

Cùng với đó, Sở tổ chức hội nghị trực tuyến với các hiệu trưởng, có đại diện Viettel để thống nhất cách thức, quy trình, phương thức tổ chức bồi dưỡng; giao nhiệm vụ cụ cho các phòng GD&ĐT, các nhà trường trong chỉ đạo, điều hàng, giám sát công tác bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý đại trà. 

Sau khi được bồi dưỡng về các mô đun, giáo viên cốt cán tổ chức hội nghị toàn thể giáo viên trong trường, phổ biến, hướng dẫn chung về quy trình, cách thức tự học trên hệ thống LMS, đảm bảo sự thống nhất.

TS. Trần Bá Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh đánh gía cao sự chủ động, bài bản trong tổ chức bồi dưỡng GV, CBQL của Sở GD&ĐT Thanh Hoá

“Giáo viên được bình đẳng trong tiếp cận tài liệu bồi dưỡng”

Điều mà Cô Lưu Thị Yến - GV cốt cán dạy môn Ngữ Văn thấy tâm đắc nhất là với mô hình bồi dưỡng mới này, mọi GV có cơ hội bình đẳng tiếp cận tài liệu - tức là cả GV cốt cán và đại trà đều được tiếp cận với tài liệu gốc và có thể học mọi lúc mọi nơi. Vì thế không bị “tam sao, thất bản” như bồi dưỡngtrước đây, vì năng lực của GV cốt cán cũng rất khác nhau, không phải ai cũng có thể truyền đạt trực tiếp đầy đủ và chính xác. Mặt khác, việc ứng dụng CNTT vào hoạt động bồi dưỡng đã giúp giảm chi phí và gíup cho GV chủ động về thời gian học. 

Từ việc tham gia bồi dưỡng, cô giáo Lê Thị Bính - GV Trường THCS Hoàng Đại, TP Thanh Hóa được kết nối với nhiều đồng nghiệp ở các trường khác trong tỉnh. - “Trên nhóm Zalo GVCC - GV đại trà theo môn nên mọi trao đổi nhanh và thuận tiện. Mọi người cùng dạy môn văn nhau trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ - điều đó rất bổ ích - cô Bính chia sẻ.

Cô giáo Trần Thị Hiệp - GV cốt cán môn Công nghệ, Trường THCS Ninh Hải đã tham gia bồi dưỡng 3 mô đun. Với mô đun 2, sau khi đi tập huấn về, cô Hiệp tập hợp 15 GV đại trà (được phân công) tập trung 1 buổi để hướng dẫn quy trình tự bồi dưỡng trên LMS, sau tiếp tục hỗ trợ và lập nhóm Zalo đôn đốc từng ngày và theo dõi trên hệ thống xem ai học đến đâu, làm bài tập đến phần nào.

Còn cô Lê Thị Mai - Phòng GD&ĐT TP Thanh Hóa đánh giá, việc chuyển qúa trình bồi dưỡng sang tự bồi dưỡng với sự hỗ trợ của cốt cán là rất tốt, “Vì hỗ trợ được thường xuyên, tại chỗ. Có các nhóm Zalo GVCC - Các GV đại trà do mình phụ trách”. Cô Mai cho biết, giáo viên cốt cán thường xuyên trao đổi, giải đáp thắc mắc, đôn đốc GV đại trà hoàn thành và chấm bài. Có GVCC đến 12h đếm vẫn còn trao đổi với GV đại trà hoặc 5h sáng đã thấy đôn đốc nhau.

Về tài liệu bồi dưỡng trên hệ thống LMS, thầy Lê Ngọc Chiến - GV đại trà môn vật lý, Trường THPT Tĩnh Gia 2 đặc biệt thích các video - “cứ xem video mấy phút là cài câu hỏi và phải trả lời - đó là điểm rất hay” - việc học vì thế không nhàm chán. Trong tài liệu có nhiều ví dụ, minh chứng rõ ràng, bổ ích đối với GV - đang cần đổi mới đáp ứng Chương trình GDPT 2018.

TT. ETEP