Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh vai trò của các trường sư phạm trong công tác bồi dưỡng đội ngũ thực hiện chương trình GDPT mới, đồng thời chỉ rõ từng nhóm đối tượng cần bồi dưỡng: Lãnh đạo sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT; Giảng viên sư phạm cốt cán; Đội ngũ giáo viên phổ thông và hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Bộ trưởng lưu ý, bồi dưỡng nhằm nâng cao kiến thức và đạt chuẩn; Thiết kế chương trình bồi dưỡng phải phù hợp, thiết thực đối với từng nhóm đối tượng và có sự liên thông với các chương trình đào tạo; Phương thức bồi dưỡng chủ yếu theo hướng trực tuyến, qua mạng. Đối với hình thức bồi dưỡng trực tiếp, phải theo hướng chia sẻ, trao đổi, mang tính tương tác.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, việc lựa chọn đội ngũ cốt cán để bồi dưỡng trở thành những người "dẫn đường" là rất quan trọng, phải dựa vào năng lực thực tế, chuyên môn vững, giàu kinh nghiệm, đặc biệt là phải có tinh thần đổi mới, sự nhiệt tình chia sẻ với đồng nghiệp.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thống nhất đối tượng, nội dung, phương thức, lộ trình bồi dưỡng và nhiệm vụ của các trường sư phạm thực hiện bồi dưỡng giáo viên, CBQLGDPT.

Các trường sư phạm đề xuất các chuyên đề cần bồi dưỡng, dựa trên khảo sát nhu cầu của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và kinh nghiệm từ quá trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên của các nhà trường tại các địa phương.

Đại diện một số trường phổ thông tham dự hội nghị quan tâm đến nội dung, phương thức bồi dưỡng đáp ứng được nhu cầu của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, chú trọng đổi mới phương thức bồi dưỡng, hướng dẫn cách làm, đặc biệt là khâu giám sát nhằm điều chỉnh ngay nội dung cũng như phương thức bồi dưỡng cho những khóa tiếp theo.

Đại biểu tham dự phát biểu ý kiến

Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông, Giám đốc dự án RGEP và Chương trình ETEP cho biết: Đến năm 2021 sẽ hoàn thành bồi dưỡng cho đối tượng cốt cán bao gồm: 800 giảng viên sư phạm, 1.000 cán bộ quản lý cấp sở/phòng, 4.000 hiệu trưởng, 35.000 giáo viên phổ thông và hoàn thành bồi dưỡng đại trà cho khoảng 3.500 cán bộ quản lý cấp sở/phòng, khoảng 28.000 hiệu trưởng và khoảng 900.000 giáo viên phổ thông, đáp ứng lộ trình chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông, Giám đốc Dự án RGEP và ETEP

Nội dung bồi dưỡng cho giáo viên, tập trung vào phát triển chuyên môn nghiệp vụ: Xây dựng kế hoạch dạy học và giảng dạy, sử dụng phương pháp dạy học và giảng dạy, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất năng lực người học; tư vấn hỗ trợ học sinh; ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác sử dụng thiết bị dạy học, giảng dạy.

Nội dung bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, tập trung vào tăng cường năng lực quản trị nhà trường gồm: Tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển nhà trường; quản trị hoạt động dạy học, giáo dục học sinh; quản trị cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ trong dạy học; quản trị chất lượng giáo dục trong nhà trường.

BQL ETEP Trung ương