Năm 2020, Trường Đại học Vinh hỗ trợ, giám sát công tác bồi dưỡng đại trà cho khoảng 70.000 GVPT của 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Nhà trường đã triển khai các nội dung liên quan như xây dựng dự thảo Kế hoạch hỗ trợ bồi dưỡng GVPT đại trà và gửi tham vấn các bên liên quan (trên cơ sở các ý kiến phản hồi của các Sở GD&ĐT, BQL Chương trình ETEP và Ngân hàng Thế giới, Trường đã ban hành và tổ chức triển khai Kế hoạch số 26/KH-ĐHV về việc hỗ trợ bồi dưỡng giáo viên phổ thông đại trà năm 2020); phân công giảng viên sư phạm phụ trách hỗ trợ giáo viên phổ thông cốt cán, phối hợp đơn vị cung cấp dịch vụ LMS triển khai phương án phân công trên hệ thống LMS (đến nay, các giảng viên sư phạm đã tham gia hỗ trợ giáo viên phổ thông cốt cán xây dựng, điều chỉnh kế hoạch hỗ trợ đồng nghiệp theo sự phân công của Sở/Phòng GD, phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ đồng nghiệp, giải đáp các câu hỏi liên quan và phê duyệt báo cáo hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ giáo viên đại trà của các giáo viên cốt cán do mình phụ trách); tổ chức Hội thảo - Tập huấn công tác hỗ trợ GVPT đại trà cho Giảng viên sư phạm chủ chốt; tiến hành các hoạt động thúc đẩy, giám sát hoạt động hỗ trợ của giáo viên phổ thông cốt cán và tiến độ tự bồi dưỡng của giáo viên đại trà trên hệ thống LMS; thường xuyên tư vấn, trao đối và hướng dẫn các đầu mối phụ trách bồi dưỡng thường xuyên của các Sở GD&ĐT thuộc địa bàn do Trường phụ trách.

Tại Sở GD&ĐT của 3 tỉnh, lãnh đạo các Sở đều cho biết, Sở GD&ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí cho hoạt động bồi dưỡng GVPT đại trà năm 2020 và đã ban hành nhiều công văn triển khai, thúc đẩy tiến độ công tác bồi dưỡng GVPT đại trà qua mạng LMS trong khuôn khổ Chương trình ETEP.

Đại diện Phòng GDTrH, Sở GD&ĐT báo cáo công tác bồi dưỡng GVPT đại trà

Tính đến 15/12/2020, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã có 31.027 GVPT đại trà được cấp tài khoản, 28.701 GVPT đại trà đã đi học Mô đun 1 và đã có 17.951 GVPT đại trà hoàn thành Mô đun 1; Sở GD&ĐT Nghệ An đã có 32.452 GVPT đại trà được cấp tài khoản, 20.887 GVPT đại trà đã đi học Mô đun 1 và đã có 16.777 GVPT đại trà hoàn thành Mô đun 1; Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã có 7.097 GVPT đại trà được cấp tài khoản, 2.093 GVPT đại trà đã đi học Mô đun 1 và đã có 2.007 GVPT đại trà hoàn thành Mô đun 1.

Thống kê số GVPT đại trà tham gia khảo sát và tỷ lệ hài lòng bồi dưỡng mô đun 1 ở cả 3 tỉnh cho thấy có 46.320 GVPT đại trà đã tham gia khảo sát, trong đó 39.196 người đánh giá hài lòng (84,6%).

Đại diện lãnh đạo và Ban Quản lý ETEP của Trường Đại học Vinh tham dự buổi làm việc tại Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa

Đánh giá về bồi dưỡng thường xuyên GVPT đại trà mô đun 1 và 2, TS. Lê Thế Cường - Ban Quản lý Chương trình ETEP Trường Đại học Vinh cho biết: Các Sở GD&ĐT đã nhận thức được vai trò, ý nghĩa của công tác bồi dưỡng giáo viên đại trà trong bối cảnh triển khai thực hiện Chương trình phổ thông 2018 theo lộ trình của Bộ GD&ĐT; Giáo viên dạy lớp 1 trong năm học 2020 - 2021 được cấp tài khoản miễn phí trên hệ thống LMS của Vietel nên đã sớm được tiếp cận học liệu, tham gia tự bồi dưỡng, đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ mới. Tuy nhiên, do kế hoạch triển khai bồi dưỡng đại trà của Chương trình bắt đầu sau thời điểm xây dựng dự toán tài chính của các Sở GD&ĐT nên rất nhiều thời gian để UBND các tỉnh có thể bố trí kinh phí cho công tác bồi dưỡng đại trà; Hiện tại mới chỉ có tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa đã đạt được thỏa thuận cung cấp với các nhà cung cấp dịch vụ LMS và hoàn thành cung cấp tài khoản cho GVPT đại trà vào học mô đun 1 và 2, còn tỉnh Hà Tĩnh chưa đạt được thỏa thuận về dịch vụ LMS; Chương trình cũng chưa có văn bản quy định khối lượng lao động của Giảng viên sư phạm và Giáo viên cốt cán trong công tác hỗ trợ giáo viên đại trà, dẫn đến khó khăn, chậm trễ cho việc xây dựng chế độ thù lao ít nhiều ảnh hưởng đến tinh thần trách nhiệm của đội ngũ Giảng viên Sư phạm và Giáo viên cốt cán; Cách thức, quy trình phân quyền và phân nhiệm giữa Giảng viên Sư phạm, Giáo viên cốt cán, Cơ quan quản lý giáo viên cốt cán (Sở, Phòng, Trường) còn phức tạp, gây khó khăn và mất nhiều thời gian cho các bên; Nhiều giáo viên còn tham gia bồi dưỡng mang tính đối phó, copy bài của nhau, trả lời hời hợt; Hệ thống LMS vẫn chưa ổn định, cả giáo viên và giảng viên sư phạm phải mất nhiều thời gian để làm quen với các giao diện mới...

Làm việc trực tiếp tại các trường phổ thông, GVPT cốt cán được phỏng vấn đánh giá cao việc hỗ trợ học tập trực tuyến và hiệu quả của những hỗ trợ đối với đồng nghiệp. Ngoài ra, GVPT cốt cán còn chia sẻ nhiều kinh nghiệm và hiệu quả của những hỗ trợ tại chỗ như nhận danh sách học viên trên mạng; lập nhóm Zalo để trao đổi, tương tác về cách thức học tập; thông qua sinh hoạt chuyên môn để hỗ trợ đồng nghiệp giải quyết những thắc mắc, giúp đồng nghiệp hiểu sâu hơn về nội dung học tập... Đa số GVPT cốt cán cho rằng chương trình có tác dụng phát triển năng lực nghề nghiệp, hỗ trợ về cách thức lên lớp, hỗ trợ kết quả học tập của học; bản thân giáo viên phải đổi mới về CNTT, đổi mới về phương pháp dạy học để đáp ứng với yêu cầu đổi mới. Với phương pháp dạy học mới sẽ giúp phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh và học sinh tự giác tiếp thu kiến thức theo hướng dẫn của giáo viên.

TS. Lê Thế Cường - Điều phối viên Chương trình ETEP Trường Đại học Vinh phát biểu tại Trường THPT Tĩnh Gia 1, thị xã Nghi sơn, Thanh Hóa

Đồng quan điểm với GVPT cốt cán, GVPT đại trà cho rằng chương trình rất bổ ích trong tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài. Đây là mô hình bồi dưỡng mới, trực tuyến, thu hút đông đảo GV tham gia, tương lai đây cũng sẽ là cách làm hiệu quả. Việc học trên LMS, học mọi nơi, mọi lúc tiết kiệm được chi phí đi lại, ăn uống (trước đây quá tốn kém), phù hợp với sự phát triển của giáo dục, thuận tiện cho CB, GV tham gia bồi dưỡng chủ động về thời gian.

Giáo viên phổ thông đại trà phát biểu ý kiến tại buổi phỏng vấn

Đánh giá về công tác triển khai thực hiện, tất cả GVPT đại trà đều đánh giá cao về công tác triển khai, tổ chức thực hiện, rất hài lòng về phương thức và hình thức bồi dưỡng, GV có thời gian nhiều hơn để nghiên cứu (trước đây tập huấn 1 - 2 ngày là xong, nay tài liệu có sẵn có thể học đi học lại). Về tài liệu, thì đã có đầy đủ trên hệ thống LMS, Mô đun thiết kế linh hoạt, phù hợp cho bồi dưỡng GV, tránh hình thức, chiếu lệ. Cài xem video ít phút rồi phải làm bài tập - buộc phải xem. Dạy phải chú trọng học sinh biết làm. Trong tài liệu có nhiều ví dụ, minh chứng rõ ràng, đã lượng hóa. Nội dung chương trình cập nhật kiến thức, phương pháp cũng như các văn bản, thông tư cập nhật kịp thời.

Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập như thời gian bồi dưỡng (GV đứng lớp) không thể gián đoạn, lồng ghép trong năm học. Dành thời gian chưa nhiều và nghiên cứu chưa được sâu. Chủ yếu hiểu được tư tưởng, quan điểm, kế hoạch, nội dung. Thời lượng của mô đun 1: nội dung hơi nhiều, nội dung hơi rộng (chương trình tổng thể - vì có 3 cấp học); có nội dung chưa có thời gian chưa nghiên cứu.

Phỏng vấn giáo viên phổ thông cốt cán, giáo viên phổ thông đại trà về bồi dưỡng thường xuyên mô đun 1, 2

Một số đề xuất của GVPT cốt cán và đại trà: Bố trí thời gian học hợp lý hơn; Nâng cấp đường truyền mạng internet; Có chế độ, kinh phí xứng đáng với việc hỗ trợ đồng nghiệp; Bổ sung thêm GVCC cho đủ các môn học; Bổ sung hình thức bồi dưỡng thêm giành cho Giáo viên vùng khó, dân tộc, miền núi; Tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường...

Ngoài ra, Ban Quản lý Chương trình ETEP cần phối hợp với các Sở GD&ĐT đẩy mạnh việc giám sát hoạt động bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao hiệu quả./.

TT. ETEP