Vì vậy, khi bàn đến chất lượng giáo dục trong các công trình nghiên cứu thường được các nhà khoa học luận giải, phân tích và đánh giá ở chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục.

Vấn đề xây dựng chiến lược và tạo động lực cho giáo viên

Theo nhóm nghiên cứu, trên thế giới và trong nước có rất nhiều công trình nghiên cứu về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo. Vấn đề xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ nhà giáo phục vụ công tác dự báo về nhu cầu và năng lực của đội ngũ nhà giáo. 

Tất cả các công trình đã tập trung phân tích về vấn đề dự báo nhu cầu và năng lực của đội ngũ nhà giáo dựa ở các quan điểm sau: Đề xuất các mô hình và hoạt động để phát triển nghề nghiệp nhà giáo; đề xuất cải tiến các kĩ năng và tăng cường hiểu biết nghề nghiệp cho nhà giáo. 

Xu hướng này đang được các quốc gia trong khối APEC triển khai thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo. Theo xu hướng này, các quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương cũng coi đào tạo và bồi dưỡng nhà giáo là một trong những khâu then chốt để phát triển kinh tế. Các nước này rất coi trọng nâng cao nghề nghiệp liên tục cho nhà giáo.

Nhóm nghiên cứu dẫn giải, dự báo về Nghiên cứu phát triển nghề nghiệp cho nhà giáo như là một yêu cầu của tiến trình cải cách giáo dục. Trong nghiên cứu của mình về đào tạo nhà giáo, Michel Develay đã bắt đầu từ lí luận về học đến lí luận về dạy để nghiên cứu về đào tạo nhà giáo. 

Theo ông: "Đào tạo nhà giáo mà không làm cho họ có trình độ cao về năng lực tương ứng không chỉ với các sự kiện, khái niệm, định luật, định lí, hệ biên hóa của môn học đó, mà còn cả với khoa học luận của chúng là không thể được". Ngoài ra ông còn đề cập đến nội dung, cách thức đào tạo, tính chất và bản sắc nghề nghiệp của nhà giáo.

Hội thảo ASD Armidele năm 1985 do UNESCO tổ chức, đã đề cập đến vai trò của nhà giáo trong thời đại mới. Cụ thể là người thiết kế, tổ chức, cổ vũ, canh tân. 

Để nhà giáo thực hiện tốt các vai trò này, đòi hỏi phải nâng cao chất lượng nhà giáo như: Chương trình đào tạo nhà giáo cần triệt để sử dụng các thiết bị và phương pháp dạy học tốt nhất; nhà giáo phải được đào tạo để trở thành nhà giáo dục hơn là thợ dạy; việc dạy học phải thích nghi với người học chứ không phải buộc người học tuân theo những quy định đặt sẵn từ trước theo thông lệ cổ truyền.

Vấn đề tổ chức đào tạo, bồi dưỡng phát triển năng lực đội ngũ nhà giáo 

Theo nhóm nghiên cứu, để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo nói chung và đội ngũ giáo viên nói riêng thì công tác đào tạo, bồi dưỡng được tất cả các quốc gia quan tâm. Nhóm tác giả cho biết, các nghiên cứu tập trung vào phương thức đào tạo, quy mô đào tạo, cơ chế phối hợp, liên kết của các cơ sở giáo dục. 

Các công trình nghiên cứu thường chú trọng vào hai vấn đề lớn, đó là: Thứ nhất, nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo theo chuẩn chức danh nghề nghiệp; thứ hai, nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo thường xuyên để đáp ứng với yêu cầu của xã hội.

Đối với loại hình thứ nhất, xuất hiện xu hướng "cải cách dựa trên các chuẩn". Nhiều nước đã tiến hành xây dựng bộ chuẩn cho giáo dục của nước mình: Chuẩn chất lượng giáo dục, chuẩn nhà trường, chuẩn cán bộ quản lý giáo dục, chuẩn giáo viên. 

Trong bộ chuẩn cho giáo viên có chuẩn trình độ đào tạo, chuẩn chức danh, chuẩn nghề nghiệp... Trong chuẩn nghề nghiệp, một số nước đã tiến đến xây dựng chuẩn nghề nghiệp cho giáo viên từng ngành học, cấp học, môn học.

Mục đích của việc xây dựng chuẩn là giúp đội ngũ giáo viên biết được các yêu cầu nghề nghiệp để phấn đấu, rèn luyện và đạt chuẩn. Chuẩn nghề nghiệp cũng là cơ sở để đánh giá, xếp loại giáo viên. Đối với các cơ sở đào tạo giáo viên, chuẩn nghề nghiệp định hướng cho việc thiết lập nội dung, chương trình giáo dục.

Hoa Kỳ là quốc gia đi tiên phong trong xây dựng Chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông. Ủy ban quốc gia chuẩn nghề dạy - được thành lập năm 1987 - đã đề xuất 5 điểm cốt lõi để các bang vận dụng. 

Dựa vào 5 đề xuất cốt lõi đó, mỗi bang đã xây dựng Chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông của bang mình: Giáo viên phải tận tâm với học sinh và việc học của họ; Giáo viên phải làm chủ môn học, biết cách dạy môn học của mình; Giáo viên phải có trách nhiệm quản lý và hướng dẫn học sinh học tập; Giáo viên phải suy nghĩ một cách hệ thống về thực tế hành nghề của họ và học tập qua trải nghiệm; Giáo viên phải là thành viên của cộng đồng học tập.

Theo nghị quyết Hội nghị Bộ trưởng Văn hoá Giáo dục các bang trong Liên bang (2004) thì Chuẩn đào tạo giáo viên là những yêu cầu mà mọi giáo viên phải đáp ứng. Theo đó, những nét chính về hình ảnh nghề nghiệp của người giáo viên là: Giáo viên là những chuyên gia về dạy và học. Nhiệm vụ chủ yếu của họ là xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và đánh giá quá trình dạy và học.

Giáo viên phải ý thức được rằng, nhiệm vụ của họ gắn bó chặt chẽ với các giờ lên lớp và với cuộc sống nhà trường. Giáo viên thực thi nhiệm vụ đánh giá và tư vấn một cách công bằng có trách nhiệm. 

Muốn vậy họ phải có trình độ cao về sư phạm tâm lý và chẩn đoán. Giáo viên liên tục phát triển các năng lực nghề nghiệp của mình, tận dụng mọi cơ hội để theo kịp các phát triển mới trong hoạt động nghề nghiệp. Giáo viên tham gia xây dựng một nền văn hoá học đường khuyến khích học tập.

Đối với loại hình thứ hai, để đáp ứng yêu cầu của xã hội và định hướng xã hội cho tưong lai, các nước trên thế giới đã không ngừng thực hiện các cuộc cải cách giáo dục. Sự đổi mới, điều chỉnh về mục tiêu giáo dục, chương trình giáo dục, phương pháp, nội dung dạy học đòi hỏi các nhà trường liên tục bồi dưỡng cho giáo viên. Các hình thức bồi dưỡng giáo viên được nhiều nước trên thế giới thực hiện như: Hội thảo, tập huấn, các khóa học chuyên đề ngắn hạn, các chương trình hướng dẫn... 

Mục đích của việc đào tạo, bồi dưỡng phát triển năng lực đội ngũ giáo viên là: Thúc đẩy năng lực chuyên môn và phát triển đội ngũ giáo viên; cải thiện thực hành ở trường học và thực thi những sáng kiến trong trường học.

Vấn đề bồi dưỡng chuyên môn cho các giảng viên sư phạm 

Dẫn lời của tác giả Richards và Farrell, nhóm nghiên cứu cho biết: Bản chất của giáo dục nghề nghiệp giáo viên là một tiến trình xuyên suốt liên tục, chứ không phải là một sự kiện bắt đầu và kết thúc bằng một khoá đào tạo hay tập huấn hoặc một chương trình tốt nghiệp cử nhân giáo dục.

Sau giai đoạn làm quen với nghề, các giảng viên sư phạm tiếp tục được bồi dưỡng và phát triển chuyên môn, năng lực sư phạm để đáp ứng công việc của mình. Kinh nghiệm ở các cơ sở đào tạo ở các châu Âu cho thấy những hoạt động học tập chuyên môn dành cho giảng viên sư phạm có thể tập trung vào các mảng sau:

Những thay đổi lớn trong xã hội và ngành Giáo dục, có ảnh hưởng lớn đến giáo viên và giảng viên sư phạm, ví dụ như: Công nghệ thông tin và truyền thông, việc học ngôn ngữ thứ hai, vấn đề về tính đa dạng và hòa nhập, học tập bồi dưỡng năng lực; Các năng lực cụ thể về đổi mới và quản lý đổi mới trong giáo dục; Các khóa học liên quan đến phương pháp giảng dạy, giáo dục học và giáo học pháp của ngành đào tạo sư phạm dành cho giảng viên sư phạm hoặc cố vấn từng làm việc tại trường học; Các chương trình tạo điều kiện cho giảng viên sư phạm tham gia vào các nghiên cứu dựa trên thực hành tại cả đại học lẫn trường học.

Đây là trợ lực quan trọng đối với các giảng viên sư phạm từng là giáo viên tại trường còn thiếu khuyết kinh nghiệm về tiến hành nghiên cứu, giúp họ đáp ứng được những kỳ vọng đến từ môi trường giáo dục đại học vừa tham dự. (Theo European Commission, 2013)

Theo nhóm nghiên cứu, các cách thức phát triển chuyên môn cho giảng viên sư phạm rất đa dạng, điều này tùy thuộc vào sở thích, triển vọng trong công việc của mỗi giảng viên sư phạm hoặc là điều kiện của mỗi trường. 

Theo Ủy ban châu Âu (2013), các hoạt động học tập về chuyên môn của giảng viên sư phạm bao gồm các hình thức chính thức hoặc không chính thức, cụ thể như sau: Hội thảo; các chương trình cấp bằng; cộng tác trong các mạng lưới nhằm đổi mới chương trình giảng dạy hay các nghiên cứu định hướng thực hành; chia sẻ thực hành; học tập kinh nghiệm tại nơi làm việc.

Theo Hải Phong (GD&TĐ)