Dữ liệu cho công trình nghiên cứu này thu thập từ 20 trường tiểu học, 10 trường THCS, hơn 800 giáo viên trên cả nước. Đại học Glasgow là đơn vị chính thực hiện nghiên cứu này với sự cộng tác của một số đối tác là các trường đại học ở Việt Nam.

Yếu tố quyết định đổi mới thành công

Nhìn chung, đội ngũ giáo viên và hiệu trưởng ở Việt Nam hiện nay xem việc phát triển chuyên môn là yếu tố quyết định, nhằm tiếp nhận và thực hiện các yêu cầu sư phạm mới ở mọi khía cạnh của đổi mới giáo dục, đặc biệt là công tác giảng dạy, học tập và đánh giá chất lượng. Họ cho rằng việc phát triển chuyên môn cho đội ngũ quản lý và giáo viên cần được dựa trên nhu cầu hoạt động của nhà trường và thực hiện thông qua trải nghiệm, cách tốt nhất để đạt hiệu quả.

Ở nhiều trường học Việt Nam hiện nay có các nhóm giáo viên tích cực giữ vai trò đầu tàu, tiên phong thực hiện các sáng kiến và thử nghiệm dạy - học kiểu mới. Tuy nhiên, những nỗ lực này phần lớn chỉ giới hạn trong các tiết dự giờ/dạy mẫu.

Mặc dù cải cách giáo dục Việt Nam trong tương lai là tạo sự công bằng hơn, nhưng thực tế cho thấy những chính sách đổi mới giáo dục có nguy cơ sẽ mở rộng - chứ không thu hẹp - khoảng cách giữa các trường có lợi thế và những trường yếu thế. Bù lại, việc phát triển nghề nghiệp cho giáo viên và lãnh đạo có thể giúp giải quyết sự bất bình đẳng này.

Đa số giáo viên sẽ đánh giá cao nếu nhận được nhiều sự hỗ trợ chuyên môn từ cán bộ quản lý giáo dục và các giáo viên nòng cốt của nhà trường khi thực hiện thử nghiệm các phương pháp sư phạm mới.

Bồi dưỡng nghiệp vụ về cải cách giáo dục

Thứ nhất: Các biểu hiện đổi mới giáo dục Việt Nam hiện nay chủ yếu là thay đổi về phương pháp giảng dạy và đánh giá, hiếm khi bao gồm các cải cách để phát triển nghề nghiệp cho giáo viên.

Thứ hai: Sự thay đổi phụ thuộc rất nhiều vào nhóm giáo viên tích cực và nhiệt tình hơn là nhờ vào sự chủ động từ các vị lãnh đạo trường, đặc biệt là hiệu trưởng.

Thứ ba: Ngoài việc thao giảng, các trường rất ít "thể chế hóa" các hoạt động thực hành đổi mới (ví dụ hoạt động giảng dạy/sư phạm). Do đó, sự đổi mới mang tính nhỏ lẻ và thử nghiệm hơn là sự lan tỏa và bền vững.

Phân tích của dự án này cho thấy: Hiệu trưởng và giáo viên nhìn thấy sự đổi mới ở 3 nhóm yếu tố: 1/Cấu trúc trường học; 2/Tự chủ trường học; 3/Dạy-học.

Mục đích cơ bản của đổi mới là phát triển những năng lực của thế kỷ 21 cho học sinh. Sự phát triển chuyên môn của giáo viên và văn hóa trường học có tương quan thuận với sự đổi mới của giáo viên.

Cụ thể, khi áp dụng phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm, giáo viên cần nhiều hỗ trợ để cải thiện việc dạy và học trong các lĩnh vực sau: 1- Sử dụng các phương pháp giảng dạy khác nhau phù hợp với nhu cầu học tập của học sinh. 2- Giáo viên có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị bài dạy của họ. 3- Tiếp cận, sử dụng sách giáo khoa linh hoạt. 4- Dạy học với quy mô lớp học nhỏ hơn.

Cần nắm rõ giáo viên đã và đang trăn trở điều gì?

Dự án "Phát triển giáo viên và hiệu trưởng" nói trên đã tổng hợp một số ý kiến của giáo viên về công cuộc "Đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT" như sau:

- "Chúng tôi đã thực hiện những đổi mới nhỏ lẻ và từng phần như: điều chỉnh chương trình dạy học và thay đổi phương pháp sư phạm, thay đổi đánh giá học sinh. Tuy nhiên những điều này là không đủ".

- "Chúng tôi không rõ một cách chi tiết về đổi mới cái gì và đổi mới như thế nào, cảm thấy bối rối về một số vấn đề và chi tiết liên quan đến việc đổi mới".

- "Học sinh có vẻ năng động và tham gia hơn, giáo viên chúng tôi cho rằng: việc áp dụng các phương pháp sư phạm mới sẽ giúp học sinh cải thiện thành tích học tập".

- "Có rất nhiều hoạt động phát triển nghề nghiệp được Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT cung cấp, nhưng chúng ít hữu ích trong việc cho phép giáo viên có được các phương pháp sư phạm và kỹ năng đánh giá mới".

Những phát hiện trên dẫn đến các kết luận sau đây:

1. Mức độ phát triển nghề nghiệp của giáo viên có mối quan hệ chặt chẽ với việc thay đổi thực hành dạy - học, cấu trúc tổ chức và quyền tự chủ trường học (ví dụ: trao nhiều quyền hơn cho lãnh đạo nhà trường và trong việc ra quyết định).

2. Mức độ phát triển nghề nghiệp của giáo viên có mối quan hệ mật thiết với việc xây dựng văn hóa trường học tích cực, thúc đẩy sự đổi mới, dẫn đến những thay đổi trong lãnh đạo. Phát triển nghề nghiệp trong trường học được coi là hữu ích hơn đối với giáo viên trong việc truyền đạt các kỹ năng chuyển đổi mềm, nhưng lại thường bị hạn chế phạm vi, ví dụ như chỉ giới hạn trong các tiết dạy mẫu/dự giờ. 

3. Không phải CBQL giáo dục các trường học mà giáo viên hiện là người đi đầu thực hiện các phương pháp sư phạm, phương pháp và kỹ thuật đánh giá mới. Tuy nhiên, chỉ số ít giáo viên theo đuổi một cách tích cực việc đổi mới hoạt động phát triển nghề nghiệp bên trong nhà trường. Họ thường thất bại trong việc lan tỏa điều này để tạo ảnh hưởng có ý nghĩa đến toàn bộ cán bộ, giáo viên của trường. 

4. Phát triển chuyên môn chất lượng cao cho giáo viên và xây dựng văn hóa trường học tích cực được coi là hai yếu tố xây dựng năng lực quan trọng nhất, cho phép thực hiện thành công đổi mới dạy - học, cấu trúc trường học và tự chủ trường học nhiều hơn.

Phá bỏ các rào cản công cuộc đổi mới

- Nếu phát triển nghề nghiệp tiếp tục thực hiện theo hướng nhỏ lẻ hiện tại, khả năng một tỷ lệ đáng kể học sinh tiểu học và THCS sẽ không trải nghiệm một nền giáo dục phù hợp với công dân Việt Nam thế kỷ 21.

- Phát triển nghề nghiệp cho giáo viên hiện nay phần lớn hạn chế ở việc hiểu biết về các phương pháp lấy học sinh làm trung tâm (không bao gồm các lĩnh vực đổi mới khác như đánh giá quá trình, công bằng hơn và kỹ năng lãnh đạo) và không được lan tỏa đến tất cả các giáo viên và lãnh đạo nhà trường. 

- Phát triển nghề nghiệp cho giáo viên thất bại trong việc giúp tất cả giáo viên trở thành người học tích cực và thành người tự đánh giá bản thân, không tận dụng được các tác động tích cực mạnh mẽ từ sự lãnh đạo chuyên môn của hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn và giáo viên trong trường.

- Các hiệu trưởng chủ yếu là thụ động chứ chưa chủ động hỗ trợ các sáng kiến của giáo viên để cải thiện phương pháp dạy và học của thầy và trò. Các hiệu trưởng thường thấy vai trò chủ yếu của họ đơn giản là "hỗ trợ" bằng cách không cản trở, thay vì áp dụng đầy đủ hơn vai trò lãnh đạo chuyên môn và lãnh đạo sự thay đổi.

Từ kết quả của dự án này, trưởng nhóm Dự án đưa ra các khuyến nghị sau:

1. Trong bối cảnh phát triển độc đáo của công cuộc đổi mới giáo dục Việt Nam, cần xây dựng trên nền tảng của sự phát triển nghề nghiệp chất lượng cao cho giáo viên và lãnh đạo bằng thực tiễn của chính từng trường học, với nền văn hóa nhà trường tích cực.

2. Theo đó, Việt Nam cần có mục tiêu lâu dài, xây dựng mỗi trường thành một cộng đồng học tập nghề nghiệp. Nên khuyến khích các trường học kết nối và hỗ trợ nhau phát triển cán bộ quản lý giáo dục vàgiáo viên.

Lê Yên