PGS.TS. Vũ Trọng Rỹ

Nhận diện thách thức

* Là thành viên của các nhóm nghiên cứu về thực trạng năng lực nghề nghiệp của GV, từ khảo sát thực tế, PGS có nhận định gì về năng lực nghề nghiệp của đội ngũ GV hiện nay?

- Năm 2012, trong khuôn khổ đề tài độc lập cấp Nhà nước "Nghiên cứu các giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng GV phổ thông" do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình chủ trì, tôi cũng là thành viên nhóm nghiên cứu, tiến hành điều tra khảo sát thực tế về thực trạng phẩm chất, năng lực đội ngũ GV phổ thông. Kết quả khảo sát cho phép chúng tôi rút ra một số nhận định: Đại đa số GV chưa nắm vững tính chỉnh thể của chương trình môn học; hiểu biết về ứng dụng của tri thức môn học còn hạn chế;

Phần lớn GV chưa có chuyển biến thực sự về phương pháp dạy học, đánh giá kết quả học tập, sử dụng hiệu quả phương tiện dạy học; sức ỳ còn lớn, thói quen dạy học cũ vẫn còn ngự trị; Đa số GV nhận thức chưa đầy đủ về chức năng của người GV – nhà GD mà chủ yếu mới dừng lại ở vai trò người dạy, chưa lưu tâm thực sự đến việc dạy người qua dạy chữ; chưa nhận thức đầy đủ và sâu sắc về vai trò và trách nhiệm của nhà GD; chưa làm tròn vai trò "người của cộng đồng".

Mới đây, trong khuôn khổ của Chương trình ETEP, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tiến hành khảo sát thực trạng năng lực nghề nghiệp của đội ngũ GV phổ thông để phục vụ cho việc thiết kế chương trình bồi dưỡng thường xuyên GV đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình GDPT mới. Tôi cũng là một trong những thành viên tham gia khảo sát. Chúng tôi tiến hành khảo sát hơn 6.000 GV, trong đó 2.800 GV tiểu học, trên 2.800 GV THCS, hơn 450 GV THPT và trên 1.000 cán bộ quản lý trường học thuộc các vùng: nông thôn, đồng bằng, thành thị, miền núi và vùng đặc biệt khó khăn.

Từ kết quả khảo sát cho thấy, nhìn tổng thể năng lực nghề nghiệp của đội ngũ GV phổ thông hiện nay vẫn còn hạn chế so với các yêu cầu của Chương trình GDPT mới. Chẳng hạn như: Ngoại ngữ, nghiên cứu khoa học phục vụ dạy học; dạy học phân hóa, sử dụng công nghệ thông tin, dạy học giải quyết vấn đề, giúp HS vận dụng kiến thức, GD HS cá biệt, GD giới tính… Đây là thách thức cơ bản khi triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới.

GV quyết định chất lượng và hiệu quả GD

* Nói như vậy có nghĩa, GV sẽ phải thay đổi rất nhiều mới có thể đáp ứng mục tiêu của Chương trình GDPT mới, thưa PGS?

- Đúng vậy! Đội ngũ GV luôn là lực lượng cốt cán trong việc biến các mục tiêu GD thành hiện thực, giữ vai trò quyết định chất lượng và hiệu quả GD. Theo đó, GV trước hết là nhà GD, bằng chính nhân cách của mình, tác động tích cực đến việc hình thành nhân cách HS.

Trong thời đại phát triển công nghệ thông tin như vũ bão, GD nhà trường không còn là nguồn thông tin duy nhất đem đến cho HS các tri thức mới mẻ của loài người. Tuy nhiên, GD nhà trường, dưới sự dẫn dắt của GV vẫn là con đường đáng tin cậy và có hiệu quả nhất, giúp các em tiếp thu có mục đích, chọn lọc, hệ thống tinh hoa văn hóa nhân loại.

Trong một nền GD mới, vai trò truyền thụ kiến thức một cách thụ động của người thầy sẽ giảm đi, nhưng phải làm tốt hơn vai trò của một người hướng dẫn các quá trình tìm kiếm tri thức, gợi mở những con đường phát hiện tri thức, qua đó trau dồi khả năng độc lập tư duy và sáng tạo cho người học.

* Trước yêu cầu của Chương trình GDPT mới, PGS có đề xuất, kiến nghị gì để đội ngũ GV có thể vượt qua những thách thức, đồng thời khắc phục hạn chế về năng lực nghề nghiệp?

- Theo tôi, trước mắt cần tiến hành ngay việc bồi dưỡng, sau đó là đào tạo lại đội ngũ GV. Công tác bồi dưỡng GV cần tập trung phát triển về năng lực dạy học theo định hướng phát triển năng lực của HS. Cụ thể, các việc cần làm là: Biên soạn tài liệu về các chủ đề như: Dạy học môn học theo định hướng phát triển năng lực HS; kiểm tra đánh giá kết quả GD theo định hướng phát triển năng lực HS; kỹ năng phát triển chương trình GD nhà trường và kỹ năng tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo…

Đối với công tác bồi dưỡng nên giao cho các trường sư phạm đảm nhiệm. Theo đó, các trường sư phạm trọng điểm bồi dưỡng giảng viên các trường sư phạm địa phương và GV THPT. Còn các trường sư phạm địa phương chịu trách nhiệm bồi dưỡng GV tiểu học và THCS. Hình thức bồi dưỡng nên kết hợp giữa tập trung theo từng khóa (kéo dài ít nhất 3 tháng) với bồi dưỡng tại trường theo tổ chuyên môn. Ngoài ra, có thể bồi dưỡng qua mạng Internet.

Cùng với đó, các trường sư phạm cần xây dựng chương trình đào tạo lại với thời gian đào tạo từ 1 - 2 năm. Các chương trình đào tạo lại phải đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT mới.

GV dạy HS cách thức tìm kiếm thông tin thay cho việc dạy các em học cái gì. GV phải dạy cho các em phương pháp học và phương pháp nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, GV không chỉ đóng vai trò truyền đạt tri thức mà còn phải phát triển cảm xúc, thái độ hành vi, đảm bảo cho người học làm chủ tri thức, biết  vận dụng tri thức vào cuộc sống.
* Xin cảm ơn PGS!

Theo Minh Phong (GD&TĐ)