Với kinh nghiệm khi trải qua vị trí Hiệu
trưởng ở 2 ngôi trường nhưng nhiều mô hình khác nhau: bán công, cung ứng dịch
vụ giáo dục trình độ chất lượng cao, công lập tự chủ tài chính toàn phần, chất
lượng cao, công lập truyền thống, cô Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường THPT
Yên Hòa (Hà Nội) - chia sẻ 4 kinh nghiệm bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội
ngũ GV.
Xác định rõ gốc kiến thức - sức phương
pháp
Từ lâu, cập nhật kiến thức và phương pháp là không thể thiếu.
Hàng năm, công tác xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, Học tập trải nghiệm
sáng tạo, Hội thi GV sáng tạo, Dạy học theo dự án, Nghiên cứu khoa học,… đều có
quy định rõ việc đổi mới nhờ cập nhật kiến thức và phương pháp là điều kiện
quan trọng số một. Mỗi đánh giá đều cần xem xét trên cơ sở nắm bắt và làm chủ
những điểm mới như thế nào.
Thực tế, khi GV chắc về kiến thức sẽ xác định rõ đâu là kiến
thức trọng tâm của bài. Khi GV giỏi phương pháp sẽ biết sử dụng phương pháp dạy
học nào để truyền đạt kiến thức trọng tâm đó đến với học sinh một cách đơn giản
nhất, dễ hiểu nhất.
Vì thế các chuyên đề bồi dưỡng, các ví dụ được nêu ra trong buổi
bồi dưỡng cần phải có sự cập nhật, củng cố cả kiến thức và phương pháp. Sự
tương tác giữa kiến thức, phương pháp trong chuyên đề bồi dưỡng sẽ làm cho GV
thấy nhận được nhiều điều mới và cần cho công việc của họ, vì thế mà họ quan
tâm hơn và hứng thú hơn với việc bồi dưỡng và tự bồi dưỡng.
Kết nối giữa "bồi" và "dưỡng"
Ở đâu đó công tác bồi dưỡng GV chưa đạt hiệu quả bởi vì chúng ta
thường là "bồi" mà không "dưỡng", hoặc có khi là "dưỡng"
mà không "bồi". Bồi không dưỡng là trút và bồi đắp nhanh những nội
dung hoặc hướng dẫn kỹ năng mới mà không có đồng hành sau đó. GV tham dự, đi
tập huấn rất hào hứng nhưng khi về trường không được sẻ chia, thiếu bạn đồng
hành nên lại quen về cũ, bánh xe tìm những nẻo đường mòn. Dưỡng không bồi là
lối tập huấn quen và cũ từ nội dung đến những kêu gọi đổi mới. Đôi nơi tổ chức
hoành tráng, liên hoan và họp mặt giao lưu để thêm yêu nghề nhưng lại thấp về
tính thông tin.
Để khắc phục hạn chế đó, ở ngôi trường mà tôi quản lý, sau mỗi
đợt bồi, thường có kế hoạch dưỡng thông qua các hội giảng, hội thi,… Với công
tác dưỡng, không chỉ là phần thuyết trình, báo cáo của chuyên gia mà còn chú
trọng việc bồi bằng hình thức trải nghiệm, thực hành ngay trong buổi học. Công
tác bồi dưỡng luôn có sự kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết, thực hành, có sự tự
đánh giá, nhận xét và chia sẻ kinh nghiệm của chính những người tham gia, của
chuyên gia.
Điều không thể thiếu là tổng kết, nhận xét, tuyên dương khen
thưởng các cá nhân, tập thể thực hiện tốt chuyên đề bồi dưỡng đó trước Hội đồng
giáo dục, trước học trò, cha mẹ học sinh. Lòng tự trọng, trách nhiệm của người
làm thầy được tuyên dương khen thưởng giúp nhân lên nhiều nhà giáo tâm huyết
khác trong nhà trường.
Công tác bồi dưỡng phải đáp ứng nhu cầu
Để công tác bồi dưỡng đạt
hiệu quả thì câu hỏi đầu tiên nhà quản lý phải trả lời với GV là tại sao họ
phải bồi dưỡng và tự bồi dưỡng.
Mỗi ngôi trường, mỗi mô hình
khác nhau, nhà quản lý cần nắm chắc, thấu hiểu và giải thích được tại sao GV
của mình phải tham gia bồi dưỡng? Ở mỗi độ tuổi họ cần bồi dưỡng gì và bồi
dưỡng như thế nào... để từ đó có những chuyên đề bồi dưỡng phù hợp nhằm mang
lại hiệu quả.
Ở ngôi trường tự chủ tài
chính toàn phần hay tư thục, GV được trả lương theo năng lực, hiệu quả công
việc thì nhu cầu được bồi dưỡng, tự bồi dưỡng của GV rất lớn, vì thế nhà quản
lý không phải giải thích nhiều về câu hỏi tại sao GV phải bồi dưỡng và tự bồi
dưỡng. Điều khó khăn ở những mô hình này là phải tìm được những chuyên đề rất cập
nhật, rất đổi mới và ngày càng thiết thực cho công tác giảng dạy của GV.
Ở đa số ngôi trường công lập
truyền thống, tại sao GV phải tham gia bồi dưỡng và tự bồi dưỡng là chuyên đề
quyết định sự thành công công tác bồi dưỡng của mỗi nhà trường. Thế nhưng ta
lại không thể bồi dưỡng thường xuyên hoặc bồi dưỡng độc lập chuyên đề đó mà
chuyên đề đó cần được nhà quản lý bền bỉ, kiên trì, linh hoạt tổ chức bồi dưỡng
tích hợp, lồng ghép với các chuyên đề bồi dưỡng cụ thể và cách bồi dưỡng cụ
thể.
Sâu thẳm trong lòng mình, đa
số GV đều có nhu cầu được ghi nhận, được đánh giá, được khẳng định giá trị của
mình trước đồng nghiệp, trước học trò. Mỗi nhà quản lý cần nhìn được ánh sáng
lấp lánh đó ở mỗi GV từ mỗi chuyên đề bồi dưỡng cụ thể để ghi nhận, khích lệ họ
và chính họ sẽ là người tích cực giúp các nhà quản lý bồi dưỡng cho GV khác
được tốt hơn ở những chuyên đề bồi dưỡng tiếp theo.
Hiệu trưởng: người tham gia bồi dưỡng, tổ chức bồi dưỡng
Dù ở ngôi trường nào, mô hình
gì, để công tác bồi dưỡng hiệu quả thì Hiệu trưởng phải là người cùng tham gia
bồi dưỡng với đồng nghiệp và là người tổ chức bồi dưỡng cho đồng nghiệp. Khi
tham gia bồi dưỡng, Hiệu trưởng không chỉ được học thêm kiến thức, phương pháp
mà còn gần gũi để hiểu hơn về tâm lý, những khó khăn, vướng mắc của đội ngũ GV,
để từ đó xác định những nội dung mà đội ngũ GV của mình cần được bồi dưỡng và
bồi dưỡng theo cách nào.
Hiệu trưởng phải là người nắm
chắc nội dung, phương pháp bồi dưỡng đội ngũ GV; phải là người cùng học, chân
thành chia sẻ những khó khăn của bản thân về nội dung bồi dưỡng và sẵn sàng
hướng dẫn GV khi họ chưa thạo, chưa rõ về nội dung bồi dưỡng.
Hiệu trưởng hãy tận dụng các
hoạt động giáo dục của nhà trường để tổ chức và thực hiện công tác bồi dưỡng,
nhen lửa nhiệt huyết cho đội ngũ GV.
Theo Hải
Bình (GD&TĐ)