Thu hút các nguồn lực phát triển giáo dục từ nước ngoài
Phân tích lợi thế này, ông Nguyễn Thanh Nhã viết trong tham luận: Thông qua quá trình hội nhập, giáo dục đại học Việt Nam có cơ hội đón nhận nguồn lực đa dạng hơn để phục vụ cho phát triển, bao gồm tài chính, khoa học công nghệ, văn hóa quản lý… và đặc biệt là lực lượng chuyên gia giáo dục có trình độ quốc tế, nhờ đó sinh viên Việt Nam có thể "du học tại chỗ".
Mở cửa thị trường dịch vụ giáo dục sẽ tạo cơ sở pháp lý để các trường thành lập những liên kết đào tạo, kêu gọi tài chính từ đối tác hay các tổ chức quốc tế như WB, IMF…; ở phía các cơ sở tư thục còn có thể gọi vốn từ các cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài, từ đó gỡ rối được bài toán thiếu vốn, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Hội nhập giáo dục đã, đang và sẽ kéo theo làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ bên ngoài. Đầu tư nước ngoài gia tăng, ngoài những lợi ích kinh tế khác, sẽ góp phần đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, năng động và sáng tạo đồng thời giải quyết được vấn đề việc làm cho người lao động trong nhiều ngành kinh tế.
Tạo động lực để cải cách toàn diện giáo dục đại học
Ông Nguyễn Thanh Nhã cho rằng: Khi các trường đại học nước ngoài thâm nhập thị trường Việt Nam, cán cân cung cầu sẽ thay đổi. Tình trạng độc quyền của các trường trong nước không còn nữa, đồng nghĩa với việc sẽ không còn chỗ cho dịch vụ kém chất lượng.
Các trường đại học dù muốn hay không cũng phải tích cực thay đổi để có thể tồn tại và phát triển, nếu không muốn bị tụt hậu hay thậm chí bị đào thải.
Chủ động hội nhập khiến sự cạnh tranh trên thị trường giáo dục đại học ngày càng gay gắt hơn, song đó cũng là một nhân tố thúc đẩy nền giáo dục nước ta đổi mới sâu sắc và toàn diện, hướng tới xây dựng một xã hội học tập mở và dân chủ.
Cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới
Theo ông Nguyễn Thanh Nhã, hội nhập giáo dục đại học mang lại cho các nước đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng cơ hội tiếp cận với các mô hình giáo dục hiện đại, các chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy tiên tiến của những quốc gia đã thành công trong lĩnh vực này; từ đó có thể vận dụng sáng tạo vào thực tiễn phát triển nước mình.
Hội nhập mở ra khả năng giao lưu, trao đổi kinh nghiệm rộng lớn và tiềm tàng rất nhiều phương thức học hỏi lẫn nhau với những bài học phong phú ở quy mô quốc tế.
Đó là những kinh nghiệm quản lý vĩ mô, hoạch định ngân sách và khai thác đầu tư, xây dựng chiến lược và xúc tiến các dự án phát triển giáo dục, thử nghiệm các mô hình nghiên cứu - đào tạo - sản xuất liên thông và gắn với thị trường lao động, với hoàn cảnh kinh tế - xã hội… cũng như các kỹ thuật tác nghiệp hiệu quả trong tổ chức và tiến hành dạy học, thi tuyển, đánh giá, phát triển chương trình, học liệu và tài nguyên giáo dục.
Nếu chủ động hội nhập, chúng ta hoàn toàn có khả năng liên kết với các trường đại học hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, vốn là một mảng hết sức quan trọng nhưng đang rất yếu của các trường Việt Nam hiện nay. Đây là cơ hội quý báu để ta cập nhật trình độ khoa học mới, tránh lạc hậu so với thế giới, đồng thời cũng là dịp để phát huy nhiều tài năng khoa học tiềm ẩn của Việt Nam.
CNTT phát triển tạo thuận lợi cho cả người dạy và người học
Quá trình hội nhập với khu vực và thế giới cùng sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, đặc biệt là CNTT và truyền thông đang và sẽ góp phần đẩy nhanh việc học tập, xây dựng dung lượng thông tin và kiến thức toàn cầu, tạo cơ hội hết sức thuận lợi cho người học đồng thời cũng tạo điều kiện cho các nhà quản lý giáo dục trao đổi, chia sẻ thông tin tốt hơn với các cán bộ, nhân viên, phụ huynh và sinh viên.
Bên cạnh đó, CNTT đã tạo ra một hình thức đào tạo mới vô cùng hiệu quả - đào tạo trực tuyến (E-learning), vận dụng được tối đa sức mạnh của Internet và các phương tiện điện tử nhằm mang đến các chương trình học trực quan, có tính tương tác cao, hấp dẫn với người học.
CNTT và Internet còn đem lại lợi ích kinh tế cho các trường đại học. Đó là khối lượng các khoản dự toán trong mục lục ngân sách chi thường xuyên của đơn vị được giảm thiểu.
Cơ hội xây dựng thương hiệu giáo dục đại học Việt Nam.
Ông Nguyễn Thanh Nhã cho rằng, hội nhập mang tới cơ hội khẳng định vị trí của giáo dục Việt Nam trên trường quốc tế. Song song với việc tham gia ngày một sâu rộng hơn vào các liên minh, liên kết quốc tế, ký kết thêm nhiều văn kiện, điều ước đa phương, song phương, các cơ sở giáo dục đại học trong nước sẽ có cơ hội hợp tác bình đẳng với các trường, các tổ chức giáo dục trên toàn thế giới.
Đó là một trong những bước đệm quan trọng để nâng cao vị thế, vai trò và uy tín của các trường đại học Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế.
Theo Hải Bình (GD&TĐ)