Thứ nhất, triển khai thực hiện chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông; chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông; tiêu chuẩn, quy trình lựa chọn giáo viên phổ thông cốt cán và cán bộ quản lý trường phổ thông cốt cán.

Bồi dưỡng nâng cao năng lực giáo viên, cán bộ quản lý theo chuẩn nghề nghiệp , trong đó có một số năng lực cốt lõi để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới như năng lực dạy học tích hợp, tổ chức các hoạt động trải nghiệm, kiểm tra đánh giá học sinh theo năng lực,...

Thứ hai, Ban hành các chương trình và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý trường phổ thông thống nhất trong cả nước, trong đó có chương trình đào tạo giáo viên dạy các môn học mới, chưa có trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy các môn học tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thứ ba, Sở/Phòng GD&ĐT chuẩn bị các điều kiện triển khai tập huấn, bồi dưỡng giáo viên bảo đảm đồng bộ, đồng tốc với lộ trình triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo kế hoạch/lộ trình của Bộ GD&ĐT tập trung rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống tập huấn, bồi dưỡng giáo viên qua mạng;

Các Sở/Phòng GD&ĐT phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đề xuất nhu cầu đào tạo giáo viên dạy các môn học mới theo chương trình đào tạo mới. Cơ sở đào tạo giáo viên nghệ thuật thực hiện đào tạo giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật để dạy môn học Giáo dục nghệ thuật ở cấp trung học phổ thông ; đào tạo giáo viên chuyên ngành tiếng Anh, Tin học ở tiểu học ; đào tạo giáo viên theo từng chuyên ngành để bổ sung do tăng quy mô trường, lớp, học sinh và thay thế số giáo viên nghỉ hưu (khoảng 2%/năm).

Thứ tư, thực hiện bố trí, sắp xếp, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên: Các sở/phòng giáo dục và đào tạo quán triệt tinh thần các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ, chủ động cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch của sở/phòng GD&ĐT trong việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên;

Tiếp tục rà soát đội ngũ giáo viên, xác định số giáo viên thừa, thiếu từng cấp học, môn học và thực hiện điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; giảm dần số biên chế nhân viên làm các công việc gián tiếp; có biện pháp xử lý đối với giáo viên, cán bộ quản lý chưa đạt chuẩn tối thiểu, không đáp ứng yêu cầu công việc theo quy định của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức; thực hiện nghiêm túc đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý theo chuẩn nghề nghiệp; thực hiện bổ nhiệm, thi, xét thăng hạng và xếp lương theo hạng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đúng quy định;

Chủ động phối hợp, liên kết với các cơ sở đào tạo giáo viên trên địa bàn và các cơ sở khác để đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý; đảm bảo các chế độ chính sách cho giáo viên và cán bộ quản lý trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới.

Thứ năm, các sở/phòng GD&ĐT xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 29/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 270/KH-BGDĐT ngày 2/5/2018 của Bộ GD&ĐT về việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới;

Kế hoạch số 791/KH-BGDĐT ngày 12/9/2018 của Bộ GD&ĐT chi tiết các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Trong đó, cần chú ý:

Căn cứ lộ trình triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, xác định đối tượng và số lượng giáo viên cần bồi dưỡng từng năm; chủ động phối hợp và đặt hàng với các cơ sở đào tạo giáo viên để đào tạo mới, đào tạo văn bằng 2, đào tạo liên thông và bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (Thông tư số 10/2018/TT-BGDĐT).

Căn cứ vào hệ thống môn học, hoạt động giáo dục và thời lượng giáo dục của mỗi cấp học trong Chương trình giáo dục phổ thông mới tiến hành rà soát đội ngũ giáo viên hiện có (tính đến ngày 31/12/2018) ở từng trường để dự kiến số lượng giáo viên còn thiếu, số lượng giáo viên dôi dư theo từng môn học, cấp học làm căn cứ xây dựng kế hoạch tuyển dụng, điều chuyển, bố trí, sắp xếp giáo viên hợp lý, không để tình trạng khi bắt đầu triển khai thực hiện thì thiếu giáo viên, nhất là giáo viên dạy những môn học mới.

Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên theo 3 nội dung và bảo đảm thời lượng bồi dưỡng 120 tiết/năm.

Thứ sáu, Bộ GD&ĐT hoàn thành việc xây dựng quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của trường sư phạm theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII; thực hiện giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên cho các trường sư phạm đảm bảo yêu cầu về số lượng, cơ cấu, chất lượng dựa trên định mức kinh tế - kỹ thuật; ban hành Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên (trong đó có giảng viên trường sư phạm).

Thứ bảy, xây dựng và thực hiện các chính sách tạo động lực cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; nghiên cứu, rà soát và đề xuất chế độ, chính sách về tuyển dụng, sử dụng, chế độ làm việc, lương, phụ cấp và thu nhập của giáo viên; thực hiện tôn vinh, khen thưởng và làm tốt công tác thông tin, truyền thông tới đỗi ngũ giáo viên để tạo động lực và sự đồng thuận trong quá trình triển khai áp dung chương trình, sách giáo khoa mới.

HN tổng hợp