Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - người từng nhiều năm ở cương vị hiệu trưởng một trường THPT ở Hà Nội, việc áp chuẩn hiệu trưởng nếu làm thực, đánh giá thực sẽ tạo nên một bước tiến mới trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, quy định mới về chuẩn hiệu trưởng được áp dụng từ năm học này là hoàn toàn phù hợp. Chỉ còn 1 năm nữa, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chính thức bắt đầu nên chuẩn hiệu trưởng theo quy định tại Thông tư 29 và 14 cũ đã không còn phù hợp.
Với vai trò "thuyền trưởng", mỗi hiệu trưởng sẽ gánh trên vai trách nhiệm lớn trong việc đổi mới việc dạy và học theo hướng thay đổi từ dạy học truyền thụ nội dung sang phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, lấy học sinh làm trung tâm cho mọi hoạt động. Trường học tự chủ cao hơn và phải chịu trách nhiệm giải trình lớn hơn, đồng nghĩa với việc hiệu trưởng sẽ được trao quyền nhiều hơn và chịu trách nhiệm lớn hơn.
Cụ thể, TS Lâm cho rằng, trước đây, chúng ta vẫn lựa chọn những người giỏi chuyên môn, có uy tín để bổ nhiệm làm hiệu trưởng, sau khi bổ nhiệm rồi mới cử đi học bồi dưỡng, thậm chí có nhiều hiệu trưởng đến lúc về hưu vẫn chưa qua lớp bồi dưỡng nào. Mặc dù thời gian gần đây, việc bồi dưỡng hiệu trưởng đã được quan tâm hơn, nhiều cán bộ nguồn (quy hoạch) đã được cử đi học bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm. Song khác với các nhà quản lý ở những lĩnh vực khác, hiệu trưởng không phải chỉ là nhà quản lý bình thường mà còn phải là nhà sư phạm, nhà giáo dục nên sẽ tạo ra những tác động lớn tới nhân cách đội ngũ giáo viên và nhân cách học trò.
"Chuẩn hiệu trưởng mới ngay từ khi còn là dự thảo đã được các nhà trường rất quan tâm. Hiện nay, khi đã được ban hành thì tạo ra những tác động tích cực đối với một số trường theo hướng bám sát các tiêu chí để thay đổi, hoàn thiện, đáp ứng các tiêu chuẩn đề ra. Tuy nhiên, cũng còn một bộ phận các vị lãnh đạo vẫn theo lối mòn, chưa thích ứng ngay được với thời cuộc. Ngoài lý do cá nhân, tôi cho rằng còn bởi do cán bộ quản lý chưa được tự chủ"- TS Lâm nêu vấn đề.
Phân tích kỹ hơn, ông Lâm cho rằng hiện nay nhiều hiệu trưởng luôn chờ sở, phòng nói gì, chỉ đạo sao thì làm vậy để "tránh sai sót". Với cách làm như vậy thì khó để đánh giá được năng lực, bản lĩnh hiệu trưởng đó. Ông Lâm đề xuất, cần đẩy mạnh thực hiện dân chủ trong trường học. Trong đó, có việc bổ nhiệm hiệu trưởng phải thực hiện qua hình thức thi tuyển. Qua thi tuyển mới đánh giá được năng lực của cán bộ đó trong việc giải quyết những vấn đề đang được đặt ra của cơ sở giáo dục đó.
Tăng quyền tự chủ cho hiệu trưởng cũng là một trong những kiến nghị của GS.VS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Cụ thể như việc tuyển dụng giáo viên, chính phủ đã có chủ trương trao quyền tự chủ về tài chính, nhân sự cho các trường học hơn 10 năm rồi (Nghị định 43-2006/NĐ-CP và Nghị định 16-2015/NĐ-CP). Trong các văn bản này đều có quy định đơn vị sự nghiệp công được quyền tự chủ về nhân sự nhưng đối với các trường phổ thông hiện nay, điều này vẫn chưa thể thực hiện được.
"Tất nhiên, có nhiều lý do dẫn đến việc chưa thể trao quyền tuyển dụng giáo viên cho hiệu trưởng các trường phổ thông. Có thể cơ quan quản lý lo rằng hiệu trưởng chưa đủ năng lực quản trị trường học hoặc chưa đủ phẩm chất đạo đức mà giao tự chủ sẽ dẫn đến lạm quyền, chẳng hạn như vấn đề lạm thu"- GS Hạc nói.
Để giải quyết tình trạng này, GS Phạm Minh Hạc cho rằng, cần phải bồi dưỡng để hiệu trưởng có đủ phẩm chất và năng lực tự chủ, trách nhiệm giải trình. Đồng thời phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tiến tới khi hiệu trưởng đủ năng lực thì phải trao quyền tuyển dụng giáo viên cho hiệu trưởng theo Nghị định 16, có sự giám sát của Hội đồng trường, cơ quan cấp trên, cha mẹ học sinh và xã hội.
Lấy ví dụ về trường hợp hơn 400 giáo viên hợp đồng ở Hà Nội ngay trước thềm năm học mới nhận được quyết định chấm dứt hợp đồng của UBND huyện Thanh Oai để chuyển về các trường do hiệu trưởng xem xét, ký hợp đồng theo thẩm quyền từ ngày 1/9/2018 đã gặp phải sự phản ứng dữ dội từ các giáo viên, GS Phạm Minh Hạc cho rằng nếu như người hiệu trưởng được tín nhiệm thì sẽ khó xảy ra tình trạng này.
Ngoài những quy định cụ thể trong chuẩn hiệu trưởng đã đề ra, cần cả đức, cả tài và sự tín nhiệm của tập thể cán bộ lãnh đạo nhà trường và xã hội, phụ huynh học sinh thì giáo viên mới thực sự yên tâm công tác, dồn lực cho đổi mới, sáng tạo trong dạy học.
Theo Thu Hương (Đại đoàn kết)