- Hoạt động bồi dưỡng đội ngũ để thực hiện Chương trình phổ thông năm 2018 được tiến hành ra sao? Liệu có bảo đảm tiến độ, chất lượng, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay không, thưa ông?
- Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo khối các trường trọng điểm (trong Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông - ETEP) thực hiện bồi dưỡng đội ngũ giảng viên cốt cán, cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán theo kế hoạch và bảo đảm chất lượng.
Đây là lực lượng nòng cốt, quan trọng để hỗ trợ đội ngũ giáo viên dạy đại trà. Việc bồi dưỡng theo hình thức tự học qua mạng, có sự hỗ trợ của đội ngũ cốt cán trong quá trình tự học và buổi sinh hoạt nhóm/tổ chuyên môn ở các trường và cụm trường.
Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch bồi dưỡng giáo viên dạy đại trà, trong đó có những nội dung riêng đối với giáo viên dạy lớp 1 năm học tới, để các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết và thực hiện bồi dưỡng từ cuối tháng 4/2020, bảo đảm kịp thời triển khai chương trình mới ở lớp 1 năm học 2020 - 2021.
Ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT)
- Ông có lưu ý gì với địa phương trong việc bố trí đội ngũ giáo viên ở khối lớp 1?
- Để các địa phương chủ động chuẩn bị đội ngũ giáo viên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngoài việc bồi dưỡng lực lượng cốt cán và hướng dẫn thực hiện bồi dưỡng giáo viên đại trà, Bộ GD&ĐT có Công văn số 1019/BGD&ĐT-NGCBQLGD gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để phối hợp chỉ đạo sở GD&ĐT và đơn vị trên địa bàn trong việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên dạy lớp 1 năm 2020 - 2021.
Việc bố trí giáo viên dạy lớp 1 năm học 2020 - 2021 rất quan trọng, vì đây là năm đầu tiên thực hiện chương trình mới. Do đó, các địa phương cần chọn cử những giáo viên có nhiều kinh nghiệm, hoàn thành chương trình bồi dưỡng để thực hiện dạy lớp 1; đồng thời bố trí đủ số lượng giáo viên/lớp theo định mức quy định để dạy lớp 1.
- Ngoài khối lớp 1, đội ngũ giáo viên các cấp học khác có cần lộ trình chuẩn bị theo chương trình mới?
- Các địa phương cần tiếp tục rà soát việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng viên chức ngành Giáo dục; Ưu tiên sử dụng biên chế tiết kiệm được từ việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các ngành, lĩnh vực khác sang tự chủ ở những nơi có điều kiện để bổ sung biên chế cho ngành Giáo dục; khuyến khích địa phương phát triển cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.
Để thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình, các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo việc tuyển dụng, bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên theo hướng:
Ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho những môn học mới ở các cấp học; Chủ động phối hợp với cơ sở đào tạo giáo viên để cung cấp nhu cầu sử dụng, đáp ứng kịp thời nguồn tuyển dụng theo lộ trình đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018;
Linh hoạt bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên hiện có, những khối lớp triển khai thực hiện trước cần ưu tiên bảo đảm đủ số lượng giáo viên theo định mức quy định với mỗi cấp học. Trong trường hợp chưa thể bố trí đủ giáo viên theo định mức cần có các giải pháp tạm thời, phù hợp với đặc điểm từng trường, vùng miền để bảo đảm “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”. Cụ thể, đối với cấp tiểu học, cần có phương án bồi dưỡng để giáo viên tiểu học (dạy các môn chung) có thể dạy cả môn: Giáo dục thể chất; phân môn Công nghệ trong môn Tin học và Công nghệ…); Cần có thêm các phương án để bố trí giáo viên theo cách thức: Một giáo viên dạy ở 2 trường trên cùng địa bàn; điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu…
Ngoài ra, làm tốt công tác truyền thông trước và trong quá trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để tạo sự đồng thuận cao, giúp giáo viên yên tâm, tự tin thực hiện có hiệu quả. Biểu dương, khen thưởng những cán bộ quản lý, giáo viên có nhiều thành tích trong việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
- Xin cảm ơn ông!
Nguồn: giaoducthoidai.vn