Công
cụ hữu hiệu cho quá trình nâng cao năng lực dạy học
TS Vũ Văn Dụ, nguyên Vụ trưởng
Vụ Giáo viên, Bộ GD&ĐT cho biết, về công tác đào tạo bồi dưỡng giáo viên, về khoa học
người ta phân biệt, đào tạo mới trong trường sư phạm (đào tạo ban đầu) là đào
tạo dài hạn và bồi dưỡng giáo viên (ngắn hạn) hay còn gọi là đào tạo lại (trung
hạn) để hoàn thiện quá trình đào tạo ban đầu và đáp ứng yêu cầu của các
cuộc cải cách giáo dục.
Chương
trình giáo dục phổ thông mới được triển khai trong thời gian tới với định hướng
và yêu cầu chuyển từ trang bị nội dung kiến thức sang phát triển phẩm chất và
năng lực người học bằng việc dạy học tích hợp và lồng ghép, dạy học phân hóa,
trải nghiệm sáng tạo… Nếu không đào tạo lại toàn bộ đội ngũ giáo viên giảng dạy thì việc đổi mới giáo
dục sẽ không đạt được hiệu quả như mong đợi.
Theo kế hoạch của Bộ
GD&ĐT, từ nay đến năm 2024, sẽ ban hành chuẩn, tiêu chuẩn GV, giảng viên và
cán bộ quản lý; Ban hành các chương trình đào tạo, bồi dưỡng GV, cán bộ quản lý
trường phổ thông thống nhất cả nước, trong đó có chương trình đào tạo GV dạy
các môn học mới.
Theo PGS Mai Văn Hưng, Chủ
nhiệm bộ môn KHTN, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), Chương trình giáo dục phổ
thông mới sẽ được xây dựng theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người
học.
Phương pháp dạy học cũng phải
được đổi mới theo hướng lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm, giáo viên
đóng vai trò là người tổ chức, hướng dẫn, tạo cơ hội để học sinh phát huy tính
chủ động, tích cực, sáng tạo; khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các
hoạt động học tập, rèn luyện… để tự phát hiện và chiếm lĩnh tri thức. Do có các
nội dung kiến thức và phương pháp mới nên cần đào tạo lại (bồi dưỡng) các giáo
viên trên diện rộng trực tiếp từ các trường đại học chuyên ngành có uy tín.
Bồi dưỡng đội ngũ giáo
viên đang được triển khai tại các địa phương
Chuyển
biến tích cực từ địa phương
Chuẩn bị chương trình mới là
một nhiệm vụ được nhấn mạnh trong Chỉ thị triển khai thực hiện nhiệm vụ chủ yếu
năm học 2018 - 2019 ở các địa phương trên cả nước. Việc hoàn thiện rà soát đội
ngũ giáo viên trong toàn ngành, xác định nhu cầu giáo viên theo lộ trình đổi
mới Chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới đã được các địa phương triển khai
khá sớm. Công tác bồi dưỡng giáo viên được các nhà trường đặc biệt chú
trọng.
Theo
bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, một trong những nhiệm vụ
trọng tâm của năm học 2018 - 2019 của tỉnh Thanh Hóa là xây dựng đội ngũ nhà
giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ số lượng, nâng cao chất lượng giảng dạy và
hiệu quả công tác đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục;
Cụ thể: Tiếp tục rà soát, sắp
xếp, điều chuyển, tuyển dụng giáo viên theo quy định và phù hợp với tình hình
của địa phương; đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên theo hướng phát huy
tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của học sinh;
tổ chức tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nhất là các lớp tập huấn thay
sách giáo khoa phổ thông.
Theo lộ trình, năm 2019, ngành
giáo dục sẽ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 1. Vì vậy,
việc triển khai bồi dưỡng đào tạo nâng cao năng lực, trình độ cho giáo viên
tiểu học cũng được gấp rút triển khai.
Việc chuẩn bị đầy đủ điều kiện
để thực hiện chương trình mới, nhất là bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên
bằng các khóa tập huấn thực sự trở thành công cụ hữu hiệu cho quá trình nâng
cao năng lực dạy học của giáo viên, tiền đề để thực hiện các mục tiêu đổi mới
giáo dục.
Theo
Phương Thảo (GD&TĐ)