Thực tế vẫn cho thấy, còn một số bất cập từ hoạt động bồi dưỡng giáo viên. Giáo viên bước vào tham dự tập huấn, bồi dưỡng thường hứng khởi bao nhiêu nhưng khi về cơ sở lại không được đồng nghiệp chia sẻ, học hỏi. Nhiều giáo viên coi việc bồi dưỡng, tập huấn là của cá nhân được cử đi không liên quan tới mình, không đặt mình vào bối cảnh chung để ý thức học hỏi. Vô hình trung điều đó khiến giáo viên đi tập huấn bồi dưỡng không có đồng nghiệp đồng hành với những kiến thức, phương pháp mới trong quá trình giảng dạy. Từ đó có thể dẫn tới thói quen giảng dạy quay về lối mòn cũ.

Mặt khác, nhiều nơi tổ chức hoạt động BDGV còn hình thức, coi BDGV như việc làm thường xuyên phải có. Chính vì vậy, từ khâu tổ chức địa điểm bồi dưỡng thiếu chu đáo, ít quan tâm động viên, tạo điều kiện đến giáo viên trong quá trình tham gia. Kết thúc bồi dưỡng liên hoan, họp mặt tưng bừng nhưng hiệu quả đạt được sau bồi dưỡng không quan tâm.

Ý kiến từ các nhà quản lý, chuyên gia giáo dục đã chỉ ra, để hoạt động tập huấn, BDGV thường xuyên đáp ứng tốt nhất đổi mới giáo dục và Chương trình GDPT mới đòi hỏi các địa phương, đơn vị trường học cần có cách tổ chức linh hoạt, hiệu quả.

Sau mỗi đợt bồi dưỡng, nhà trường nên có kế hoạch bồi dưỡng lại thông qua những hoạt động như hội giảng, hội thi... Công tác bồi dưỡng có thể thông qua thuyết trình, báo cáo của chuyên gia những cũng có thể thông qua hình thức trải nghiệm, thực hành trong những buổi học, giờ giảng hàng ngày tại nhà trường.

Để công tác BDGV đạt hiệu quả và không ngừng nâng cao chất lượng cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết với thực hành, giáo viên có sự tự nhận xét đánh giá và chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp cùng bồi dưỡng, với chuyên gia.

Mặt khác, các đơn vị, nhà trường sau mỗi khóa tập huấn, bồi dưỡng giáo viên không thể thiếu hoạt động tổng kết, khen thưởng, tuyên dương từng tập thể cá nhân đã tích cực và thực hiện tốt chuyên đề bồi dưỡng trước Hội đồng giáo dục, trước HS và cả PHHS. Qua đó mỗi giáo viên, tập thể được tuyên dương sẽ nhân lên sự tâm huyết trong chính bản thân và lan tỏa tinh thần đổi mới tới đồng nghiệp.

Để hoạt động BDGV tiến tới hiệu quả mong muốn, trước mỗi khóa bồi dưỡng cần hệ thống các chuyên đề bồi dưỡng kiến thức cho GV theo định hướng Chương trình GDPT mới. Trong đó các chuyên đề không chỉ cập nhật các kết quả nghiên cứu mới mà còn tập trung vào các nội dung mở rộng, chuyên sâu trong môn học giúp các GV thuận lợi hơn trong việc lựa chọn, xây dựng các chủ đề bắt buộc, tự chọn, chủ đề cơ bản, nâng cao, xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp điều kiện dạy học...

Trong BDGV cần đặc biệt chú ý chuyển hình thức bồi dưỡng thường xuyên theo chu kỳ sang bồi dưỡng thường xuyên theo nhu cầu của cá nhân và nhà trường. BDGV không chỉ dừng lại ở sinh hoạt tập thể và chuyên môn, nghiệp vụ tại mỗi nhà trường, liên trường, cụm trường… xây dựng mỗi nhà trường thành tổ chức học tập suốt đời mà bản thân mỗi người thầy phải luôn có ý thức tự bồi dưỡng.

Chương trình GDPT mới đòi hỏi giáo viên vận dụng phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực của học sinh; Phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực; Kiểm tra đánh giá theo hướng phát huy năng lực học sinh; Phát triển chương trình giáo dục môn học theo hướng tích hợp liên môn… Chính vì vậy không thể coi nhẹ phương pháp giảng dạy và chỉ sử dụng kiến thức chuyên môn.

Mỗi giáo viên cần tự bồi dưỡng cho mình bằng cách tự tìm hiểu chương trình GDPT của môn học; Xây dựng và phát triển chương trình môn học của nhà trường. Sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học; Xây dựng kế hoạch tự học, tự bồi dưỡng. Học tập thông qua trải nghiệm…

Công tác bồi dưỡng và tự bồi dưỡng giáo viên đã và đang góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên ở mỗi nhà trường. Chính vì vậy mỗi cơ sở giáo dục, giáo viên ý thức đầy đủ về hoạt động này từ đó có hướng đi, hành động phù hợp mang lại hiệu quả và thiết thực.

Theo Tâm An (GD&TĐ)