Môn khoa học tự nhiên tích hợp 3 môn vật lý, hóa học và sinh học; môn lịch sử và địa lý tích hợp 2 môn lịch sử và địa lý. Điều này gây lo lắng cho giáo viên (GV) đang giảng dạy các môn lý, hóa, sinh, sử và địa. Vì vậy, cần có kế hoạch bồi dưỡng một cách hợp lý, hiệu quả cao nhưng không làm quá tải đối với GV.


Rất ít giáo viên dạy tất cả các phân môn trong môn tích hợp

Để phục vụ đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM triển khai một số đề tài liên quan đến đội ngũ GV phổ thông. Năm 2018, nhóm của thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Ba nghiên cứu về "Giải pháp giảng dạy tích hợp môn khoa học tự nhiên cho học sinh các trường THCS vùng Đông Nam bộ". Qua khảo sát GV THCS đang giảng dạy lý, hóa, sinh ở TP.HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy có 7,8% trình độ CĐ, 87% ĐH và 5,2% thạc sĩ, trong đó có 58,4% được đào tạo sư phạm đơn môn và 41,6% đa môn.

 Còn thạc sĩ Nguyễn Thị Phú nghiên cứu về "Giải pháp giảng dạy tích hợp môn khoa học xã hội cho học sinh các trường THCS vùng Đông Nam bộ" cho thấy có 53,9% GV được đào tạo sư phạm đơn môn và 46,1% đào tạo đa môn. Tuy nhiên, đa số GV dạy sử hoặc địa riêng rẽ, chỉ có 15,8% GV giảng dạy đồng thời cả hai môn.

 Qua các nghiên cứu trên cho thấy, tỷ lệ GV THCS có trình độ ĐH trở lên khá cao (trên 75%). Đối với GV các môn khoa học tự nhiên có khả năng dạy 2 môn lý - hóa hoặc hóa - sinh dưới 30%, rất ít GV có thể dạy đồng thời 3 môn hoặc 2 môn lý - sinh. Còn GV lịch sử, địa lý có khả năng dạy cả 2 môn khoảng 16%.

Trao đổi với chúng tôi, thạc sĩ Nguyễn Từ, nguyên Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD&ĐT Quảng Trị, cho rằng một GV tự nhiên khó có khả năng dạy tốt cả 3 phân môn lý, hóa, sinh. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Từ, GV cũng không quá lo lắng, vì đã có nhiều giải pháp từ Bộ GD&ĐT, các địa phương và nhà trường.

Giải pháp của Bộ GD&ĐT

Từ thực tiễn đội ngũ hiện nay, Bộ đã đưa ra nhiều giải pháp phù hợp. Trước hết, xây dựng chương trình giáo dục phổ thông 2018 tích hợp cao ở các lớp, cấp học thấp và phân hóa dần ở các lớp, cấp học cao. Kế đến, Bộ cho phép nhà trường xây dựng kế hoạch dạy học không theo tiết của tất cả các môn từng tuần, mà có thể xây dựng kế hoạch dạy học nhiều tuần.

Theo đó, GV có thể dạy nhiều tiết theo mạch kiến thức của môn học hoặc phân môn, thuận lợi cho hoạt động trải nghiệm, qua đó học sinh khám phá, lĩnh hội, vận dụng kiến thức liền mạch, không bị đứt gãy theo tiết học như trước đây. Tiếp theo, về kiểm tra, đánh giá, nhà trường và GV có quyền chủ động, sáng tạo, đa dạng các hình thức đánh giá, coi trọng đánh giá thường xuyên (đánh giá quá trình), còn đánh giá định kỳ thực hiện 1 lần giữa học kỳ và 1 lần cuối học kỳ. Điều này tạo điều kiện cho GV dạy từng phân môn đánh giá thường xuyên riêng rẽ, nhưng khi đánh giá định kỳ có thể phối hợp, tích hợp các phân môn. Bồi dưỡng chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho GV và cán bộ quản lý.

Giải pháp từ các trường sư phạm

Về đào tạo GV, các trường sư phạm đã triển khai giảng dạy về tích hợp, mở ngành mới về sư phạm khoa học tự nhiên và sư phạm lịch sử và địa lý. Trong đó, 2 năm đầu là học chung nhiều mạch kiến thức, nhưng đến năm thứ ba, sinh viên có thể chọn theo một mạch, hai mạch hoặc ba mạch để học. Sinh viên tốt nghiệp sư phạm khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý có thể giảng dạy cấp THCS và THPT. Ngoài ra, một số trường sư phạm đã mở đào tạo văn bằng 2 cử nhân sư phạm khoa học tự nhiên, sư phạm lịch sử và địa lý, tạo điều kiện cho sinh viên sư phạm hay GV đang giảng dạy ở trường phổ thông học văn bằng 2 để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của giáo dục phổ thông mới.

Về bồi dưỡng GV, các trường sư phạm tham gia biên soạn và thực hiện bồi dưỡng theo 9 mô đun quy định của Bộ, bồi dưỡng trực tiếp hoặc trực tuyến, trong đó, coi trọng tự học, thảo luận, thực hành của GV; tập trung bồi dưỡng đội ngũ GV cốt cán, đây chính là lực lượng hạt nhân quan trọng thúc đẩy hoạt động chuyên môn ở trường nhằm thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Hiện nay các địa phương, ngoài chuần bị các điều kiện về nguồn lực con người, tài chính cơ sở vật chất để thực hiện bồi dưỡng chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ còn khuyến nghị các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo, phát triển quy mô trường lớp, thiết bị dạy học... đảm bảo đủ điều kiện triển khai chương trình ở địa phương mình.

Cần khẳng định rằng, GV là lực lượng quyết định chất lượng giáo dục và sự thành bại của đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. GV cũng không nên quá lo lắng, mà mỗi người xây dựng kế hoạch bồi dưỡng phù hợp để từng bước nâng cao năng lực dạy học, giáo dục, kiểm tra, đánh giá học sinh.

Chưa yêu cầu một giáo viên phải dạy cả 2 - 3 môn: Định hướng của Bộ GD&ĐT là tăng cường dạy học tích hợp liên môn và giáo dục STEM để phát triển phẩm chất, năng lực HS, đáp ứng yêu cầu của giáo dục 4.0; chưa yêu cầu một GV phải dạy cả 2 hoặc 3 môn, nhưng khuyến khích GV tham gia bồi dưỡng và tự bồi dưỡng để hiểu biết được nhiều lĩnh vực, nhằm thực hiện tốt việc dạy học tích hợp.

Nguồn: thanhnien