Chất
lượng GV không chỉ được đảm bảo bởi chất lượng đào tạo ban đầu mà còn được đảm
bảo bởi quá trình bồi dưỡng (BD) nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ suốt
đời.
Việc BD này có thực sự đạt
được hiệu quả hay không, một trong những yếu tố tiên quyết là sự chỉ đạo, phối
hợp của các cấp quản lý giáo dục với các cơ sở đào tạo GV, cán bộ quản lý
(CBQL) và các cơ sở sử dụng GV - Trường phổ thông. Đó là lý do nhiều nước trên
thế giới đã nghiên cứu nội dung, cách thức, hình thức tổ chức bồi dưỡng thường
xuyên (BDTX )và đã vận dụng mô hình liên kết cơ sở đào tạo GV và trường phổ
thông trong tổ chức đào tạo ban đầu và BDTX đội ngũ GV, CBQL.
Từ việc nghiên cứu kinh nghiệm
tổ chức thực hiện BDTX ở một số nước, GS Đinh Quang Báo khái quát bài học kinh
nghiệm cho công tác tổ chức BDTX ở Việt Nam. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Về nhận thức
Đào tạo và BD là hai giai đoạn
kế tiếp nhau tạo thành một quá trình liên tục phát triển năng lực nghề nghiệp
người GV, CBQL. Như vậy, ngay từ giai đoạn đào tạo ban đầu đã phải hướng theo
một lôgic mà ở đó đào tạo ban đầu ở cơ sở đào tạo GV, CBQL phải tạo ra tiềm
lực, không chỉ để đáp ứng yêu cầu công việc trước mắt khi ra trường, mà còn là
nguồn "năng lượng" để họ BD, tự BD liên tục, đáp ứng yêu cầu ngày
càng cao của sự phát triển giáo dục. Tiềm lực ban đầu đó chính là khả năng tự
học. BD là quy luật tất yếu tạo nên quá trình phát triển năng lực nghề nghiệp
suốt đời của người GV. Nhận thức như vậy mới quán triệt được tính chiến lược
của giải pháp BD GV, CBQL.
Xác
định mục tiêu BD
BD phải luôn luôn hướng đến
phát triển nâng cao năng lực nghề nghiệp GV, CBQLGD. Mục tiêu BD được xác định
dựa vào phát triển các năng lực được quy định bởi đặc điểm lao động của người
GV và chuẩn nghề nghiệp GV, CBQLGD. Đó là mục tiêu chiến lược, mục tiêu quá
trình phát triển nghề nghiệp.
Quá trình phát triển nghề
nghiệp thực chất là quá trình làm cho GV, CBQLGD chủ động đáp ứng yêu cầu,
nhiệm vụ phát triển giáo dục các cấp học, bậc học. Đó là các hàm đồng biến theo
các biến số rất đa dạng liên quan đến các yếu tố cấu thành chất lượng giáo dục,
chất lượng nghề nghiệp. Mục tiêu BD có tính động trong miền xác định đã nêu
trên.
Theo đó, việc xác định mục
tiêu cụ thể có thể theo các loại mục đích sau: BD để đạt trình độ đào tạo theo
quy chuẩn của Luật Giáo dục có: BD chuẩn hóa, BD nâng chuẩn; BD để thường xuyên
cập nhật và bổ sung (refresher training), kiến thức, kĩ năng nghề nghiệp tương
đương với với đào tạo tiếp sau đào tạo ban đầu (postinitial training); BD đáp
ứng yêu cầu đổi mới, cải cách giáo dục các cấp học (thay sách, chương trình
giáo dục); BD theo từng chuyên đề có tính thời sự cập nhật từ yêu cầu của cấp
quản lý, hoặc từ nhu cầu của GV, CBQLGD; BD có tính chất học thuật, kinh nghiệm
giáo dục, dạy học trong tập thể sư phạm bộ môn và nhà trường.
Kinh nghiệm các nước và thực
tiễn Việt Nam trong thời gian qua đã thực hiện các loại hoạt động BD GV theo
các mục đích nêu trên. Mỗi mục đích có mục tiêu tương ứng, cụ thể là:
(i) BD
để chuẩn hóa trình độ đào tạo
Mục tiêu loại hình BD này phải
hướng tới làm cho GV, CBQLGD có được phẩm chất và năng lực nghề nghiệp với mục
tiêu, chuẩn đầu ra chương trình đào tạo của trình độ tương ứng.Thường đối tượng
BD ở trình độ thấp hơn nghĩa là họ đã có sẵn kinh nghiệm, tri thức nghề nghiệp
đặc biệt là kĩ năng thực hành nên khi xác định mục tiêu cụ thể cần mô tả tường
minh chỉ số gia tăng năng lực nghề nghiệp để đạt cấp trình độ đào tạo cao hơn.
(ii) BD
nâng cao trình độ đào tạo trên chuẩn
Mục tiêu loại hình BD này là
GV, CBQLGD đạt trình độ bằng cấp cao hơn chuẩn quy định hiện hành của Luật Giáo
dục. Mục tiêu BD được xác định ứng với chuẩn đầu ra chương trình đào tạo trình
độ tương ứng; tuy nhiên, cần phải quán triệt nguyên tắc vừa kế thừa tri thức
nghề nghiệp đã có của đối tượng BD, vừa xác định tri thức gia tăng để đạt chuẩn
trình độ đào tạo cao hơn sao cho người được BD khi tốt nghiệp chương trình có
kiến thức và kĩ năng cao hơn trong thực tiễn tác nghiệp.
Những GV này thường được tạo
nguồn cán bộ quản lý, hoặc làm GV cốt cán trong tập thể sư phạm nhà trường hoặc
để dần dần đạt tới chuẩn trình độ đào tạo đại học cho đội ngũ GV tất cả các cấp
học. Năng lực cốt cán trong phát triển nghề nghiệp của tập thể sư phạm nhà
trường phải là mục tiêu chính của chương trình BD này trong giai đoạn hiện nay
của giải pháp phát triển đội ngũ GV nước ta. Tính đến yếu tố này sẽ định hướng
xác định nội dung BD làm "nhô lên" năng lực nghiên cứu phát hiện,
giải quyết các tình huống sư phạm, năng lực phát triển chương trình dạy học,
giáo dục.
(iii) BD
cập nhật, bổ sung, kiến thức, kĩ năng nghề nghiệp
Đây là loại BDTX trong suốt
quá trình hành nghề của người GV, CBQLGD. Nói theo thuật ngữ "giáo dục GV"
để chỉ nghề dạy học - giáo dục phải được đào tạo liên tục suốt đời thì đây là
hình thức BD sau đào tạo ban đầu. Mục tiêu hình thức BD này là cập nhật, bổ
sung, đổi mới, nâng cao kiến thức, năng lực nghề nghiệp đáp ứng chuẩn năng lực
nghề nghiệp của từng giai đoạn ứng với yêu cầu đổi mới, cải cách phát triển
giáo dục các cấp học. Trong các hình thức BD GV thì BDTX này là quan trọng nhất
cho nên mục tiêu BD từng chu kỳ cần được nghiên cứu, cụ thể hóa dựa trên yêu
cầu giáo dục cấp học, nhu cầu địa phương, nhu cầu của GV, CBQLGD sao cho kết
quả BD vừa nâng cao được tiềm lực lâu dài, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt trên
cơ sở thường xuyên đánh giá, tự đánh giá GV, CBQLGD theo chuẩn nghề nghiệp.
Thực chất BDTX là quá trình phát triển nghề nghiệp, là BD năng lực phát triển
nghề nghiệp vủa GV được quy định theo chuẩn.
(vi) BD
đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình và sách giáo khoa (SGK)
Hình thức BD này thường được
gọi tắt là BD thay sách với mục tiêu giúp GV, CBQLGD quán triệt đổi mới mục
tiêu, nội dung, phương pháp,... dạy học, giáo dục trong chương trình, SGK mới;
nắm vững những thay đổi so với chương trình, SGK hiện hành, để dạy và giáo dục
học sinh đáp ứng mục tiêu giáo dục.
Mục tiêu cụ thể của BD thay
sách được xác định vừa đáp ứng mục tiêu đổi mới chương trình, SGK vừa phát
triển nâng cao tiềm lực vì những tình huống khó khăn khi thực hiện chương trình
mới mà GV, CBQLGD gặp phải cũng là những tình huống điển hình liên quan trực
tiếp đến những tiêu chí cơ bản trong năng lực nghề nghiệp GV, CBQLGD. Với quan
niệm đó, mục tiêu BD thay sách phải được xác định sao cho kết quả BD phát triển
được tiềm lực GV, CBQLGD; tiến tới luôn chủ động đáp ứng được mọi thay đổi về chương
trình, SGK trong quá trình hoạt động nghề nghiệp. Giải pháp "mì ăn liền"
trong BD GV, CBQLGD dần dần được khắc phục, thay bằng giải pháp có mục tiêu căn
cơ, bền vững. BD cho mỗi lần đổi mới chương trình và SGK có mục tiêu hướng đến
triệt tiêu cách BD mang tính giải pháp tình thế.
(v) BD
theo chuyên đề
Đây là hình thức BD đa dạng về
nội dung, cách thức tổ chức, phương thức triển khai. Mục tiêu BD theo chuyên đề
là cập nhật một cách linh hoạt những nội dung hoặc có tính thời sự liên quan
đến nghề nghiệp, hoặc có cơ hội tiếp xúc với chuyên gia nước ngoài, hoặc nhu
cầu cấp bách của bản thân GV, cấp quản lý. BD theo chuyên đề nên hướng tới mục
tiêu cập nhật những vấn đề thời sự về nghề nghiệp.
(vi) BD
GV tập sự và nâng ngạch GV
GV tập sự là GV năm đầu vào nghề
dạy học, giáo dục. Khái niệm GV tập sự còn được mở rộng là người trong nghề
giáo dục 5 năm đầu. Theo quy định hiện hành ở nước ta, GV tập sự là GV năm đầu
tiên trong nghề. Khảo sát năng lực công tác của GV có thâm niên công tác ở nhà
trường 5 năm đầu thấy họ có chung những khiếm khuyết nghề nghiệp; Vì vậy, có
thể thiết kế nội dung BD thống nhất cho đối tượng này. Tuy nhiên, chương trình
BD đó phải thiết kế tạo ra hai công đoạn: công đoạn một năm đầu hành nghề (theo
KN GV tập sự do cơ quan quản lý thẩm quyền quy định) và công đoạn sau tập sự
năm đầu.
Công đoạn đầu có mục tiêu BD
GV hoàn thiện những khiếm khuyết mà 4 năm đào tạo ban đầu còn để lại. Thực chất
là BD ở công đoạn này giúp GV củng cố, bổ sung kiến thức, kĩ năng dạy học, giáo
dục để đáp ứng chương trình, SGK phổ thông cấp học tương ứng. Công đoạn này
khắc phục khiếm khuyết lớn nhất mà đào tạo ban đầu để lại là kĩ năng thực hành
và hiểu biết nhà trường phổ thông. Đây là công đoạn BD để GV có thể đạt chuẩn
năng lực mức tối thiểu, có thể được hành nghề.
Công đoạn tiếp theo là hoàn
thiện nâng cao năng lực nghề nghiệp, GV đã quen với nghề và bắt đầu có năng lực
chủ động giải quyết một số tình huống sư phạm điển hình, thường hay gặp.
Cả hai công đoạn BD này đều
phải tập trung BD năng lực giáo dục, năng lực tự BD phát triển nghề nghiệp.
Nội
dung BD
Nội dung BD phải bám sát chuẩn
năng lực nghề nghiệp GV, CBQLGD; Như vậy, chuẩn nghề nghiệp là cơ sở cho việc
lựa chọn nội dung BD. Đến lượt mình, việc lựa chọn nội dung BD căn cứ vào mục
đích BD đã nêu trên,kết quả khảo sát, đánh giá năng lực nghề nghiệp bộc lộ
trong thực tiễn hoạt động dạy học, giáo dục ở nhà trường và nhu cầu của bản
thân GV, CBQLGD. Trong số nhiều nguyên nhân chất lượng BD không cao có hai
nguyên nhân chính là nội dung và phương pháp BD không đáp ứng thiết thực nhu
cầu của GV. Nội dung BD thường được áp đặt bằng ý chí chủ quan của người quản
lý và của cơ sở được phân công thực hiện BD và của bản thân các giảng viên trực
tiếp BD. Để đổi mới nội dung BD giai đoạn tới việc lựa chọn nội dung phải dựa
trên nhu cầu GV,CBQLGD. Để đánh giá nhu cầu đó một cách khách quan, chính xác
cần đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp dựa trên các minh chứng từ các nguồn khác
nhau, trong đó đặc biệt là minh chứng do chính GV cung cấp. Đánh giá GV theo
các tiêu chí, tiêu chuẩn năng lực nghề nghiệp chỉ chính xác khi dựa vào minh
chứng về hiệu quả tác động đến học sinh, tức là đánh giá dựa vào người học thay
cho đánh giá dựa vào người dạy.
Hình
thức BD
Các hình thức tổ chức BD GV,
CBQLGD phổ biến từ trước đến nay ở nước ta bao gồm: BD tập trung cả nước, BD
tập trung theo khu vực vùng miền, sở, phòng, BD tại chỗ theo đơn vị trường, cụm
trường, bằng tự học của GV, BD từ xa bằng tài liệu và giáo trình điện tử, qua
mạng trực tuyến. Đó là những hình thức BD đem lại hiệu quả đáng kể theo các
nghiên cứu nước ngoài.
Việc lựa chọn hính thức BD phù
hợp, tối ưu cần dựa trên các yếu tố sau: nội dung, phương pháp, mục đích BD.
Tuy nhiên, dù là hình thức nào thì tự học, tự BD, BD tại chỗ theo đơn vị từng
trường học là quan trọng, khả thi và cho hiệu quả cao nhất. Nguyên tắc tự học
được quán triệt không chỉ ở hình thức BD tại chỗ, tại nhà, mà cả trong hình
thức BD tập trung theo từng đợt tại cấp Trung ương, cấp sở, vùng miền.
Theo đó, thảo luận nhóm, tự
nghiên cứu giải quyết vấn đề theo các bài tập, đề án, dự giờ rút kinh nghiệm,...
là các phương pháp chủ yếu. Để BD GV, CBQLGD hiệu quả nhất cần kết hợp BD tập
trung và BD tại chỗ lấy đơn vị tập thể sư phạm từng trường làm nòng cốt như là "tế
bào", đơn vị thao tác của hoạt động BD GV với tất cả các mục đích BD đã
nêu ở phần trên.
Phương thức kết hợp tốt nhất
là với những vấn đề toàn ngành sư phạm trên thì BD tập trung cấp Trung ương,
hay cấp Sở, cụm sở (ví dụ BD thay sách) với đối tượng tham gia là GV cốt cán và
đại diện cán bộ quản lý cấp địa phương. Đó sẽ là những báo cáo viên, người tổ
chức, hướng dẫn BD ở từng địa phương, từng trường học. Khi BD ở đơn vị trường
học thì việc BD được thực hiện bằng dự giờ, rút kinh nghiêm theo định hướng chủ
đề nội dung BD đã quy định.
Nghiên cứu bài học được khẳng
định là hình thức BD GV hiệu quả nhất về nhiều mặt trong phát triển nghề
nghiệp. Có thể khẳng định được tất cả nội dung BD đều có thể tổ chức BD cho GV
bằng hình thức nghiên cứu bài học. Đây là kinh nghiệm đã được đúc kết và khẳng
định tại nhiều nước trên thế giới. Nếu Việt Nam vận dụng được thì sẽ là một
giải pháp đột phá làm chuyển biến căn bản chất lượng đội ngũ GVcả nước. Bản
chất của nghiên cứu bài học là tập thể GV môn học dự giờ để cùng theo dõi, quan
sát, cùng phát hiện các tình huống sư phạm nảy sinh trong giờ học do đồng nghiệp
thực hiện và cùng bàn luận đề xuất các giải pháp cho các tình huống xảy ra
Đánh
giá hiệu quả BD
Hiệu quả BD GV suy cho cùng
chính là hiệu quả chất lượng giáo dục học sinh do chất lượng nghề nghiệp GV,
CBQLGD được nâng cao nhờ BD. Như vậy, việc đánh giá hiệu quả BD phải kết hợp
đánh giá sự tiến bộ nghề nghiệp thông qua đánh giá trực tiếp hành vi tác nghiệp
của mỗi GV, CBQLGD và đánh giá tác động của những hành vi đó làm chuyển biến
chất lượng giáo dục.
Từ trước đến nay, việc đánh
giá chất lượng BD chủ yếu mới đánh giá kiến thức của GV, CBQLGD bằng các hình
thức quen thuộc, cổ điển như làm bài kiểm tra sau đợt, khóa BD, bài thu hoạch,
phiếu khảo sát. Việc kiểm tra, đánh giá đó cho ít thông tin về kết quả BD, hơn
nữa những thông tin đó có thể không chính xác, lại phiến diện vì chủ yếu là
những thông tin về kiến thức, thiếu thông tin về kĩ năng nghề nghiệp.
Để đổi mới hiệu quả, chất
lượng BD dựa vào hiệu quả tác động làm chuyển biến học sinh cần phải tổ chức
cho GV trải nghiệm nghề nghiệp vận dụng tri thức thu được từ BD. Để thực hiện
việc này một cách hiệu quả cần sử dụng hình thức nghiên cứu bài học đã nêu
trên. Lấy quá trình thực hiện bài học của GV làm nguồn minh chứng cho sự chuyển
biến năng lực nghề nghiệp sau BD sẽ cho nhiều thông tin phản hồi giá trị liên
quan đến nhiều chủ thể: GV thực hiện bài học, đồng nghiệp dự giờ, học sinh và
người quản lý giáo dục. Nguyên tắc "một người diễn, nhiều người bình"
sẽ đem lại thu hoạch phong phú, sinh động, khích lệ sự học hỏi của cả tập thể
sư phạm nhà trường.
GS
Đinh Quang Báo - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học SP Hà Nội