Giảm học phí không còn phù hợp
Theo Phó giáo sư Lưu Trang - Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm Đà Nẵng thì để thu hút người giỏi chọn ngành sư phạm và cũng để sinh viên tra trường không phải "chạy việc" phải nói đang là câu hỏi lớn của toàn xã hội.
Bên cạnh trách nhiệm của các cơ sở đào tạo Đại học thì chính sách của Nhà nước cũng là một trong những vấn đề mang tính quyết định.
"Đã có nhiều diễn đàn đề xuất những giải pháp thay đổi chính sách đối với ngành này, kể cả miễn giảm học phí thì cũng không còn phù hợp nữa.
Mọi chính sách đều có tính hai mặt và được xã hội đánh giá đa chiều. Miễn giảm học phí đến nay không còn là chính sách phù hợp cũng vì lẽ đó".
Cũng theo thầy Trang, vì vậy, trước sức hút giảm đi ngày càng nhiều của ngành sư phạm mà một trong những nguyên nhân sâu xa, mang tính vừa triết lí và thực tiễn.
Đó là tình trạng thất nghiệp, tinh giảm biên chế và cả thực trạng "chạy việc" như dư luận lên tiếng trong thời gian gần đây cũng là vấn đề đòi hỏi nhà nước phải vào cuộc.
Về phương án giải quyết lâu dài, thầy Trang nói: "Có thể là cân đối chỉ tiêu tuyển dụng, có chính sách giải quyết mang tính tạm thời đối với số giáo viên dôi dư.
Hay những giải pháp giảm chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm, tăng cường mô hình đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên cũng là những cách khả thi góp phần giải quyết một số tình trạng "ùn tắc" đội ngũ giáo viên".
Đồng thời, để thu hút "nhân tài" hay kể cả tạo động lực cho những giáo viên tâm huyết với nghề đã lựa chọn thì tăng lương để đảm bảo cuộc sống cho giáo viên vẫn luôn là chính sách tối ưu để ngành sư phạm dù có giảm chỉ tiêu tuyển sinh thì vẫn tuyển chọn được "người tài".
Nhà trường phải "bắt tay" với địa phương để đào tạo - tiếp nhận
Còn theo thầy Trương Quang Đệ, nguyên chủ nhiệm khoa Ngoại ngữ, Trường Đai học Sư phạm - ĐH Huế thì cần phải khảo sát lại nhu cầu tuyển dụng sư phạm ở các địa phương trong cả nước.
Từ đó đưa ra các chỉ tiêu tuyển sinh cụ thể cho các cơ sở đào tạo sư phạm. "Việc tuyển sinh phải dựa trên nhu cầu thực tế do các sở Giáo dục (các địa phương) báo cáo hàng năm cho Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Từ kết quả đó, Bộ sẽ giao chỉ tiêu hạn chế cho các trường sư phạm tuyển sinh. Chẳng hạn, nếu các tỉnh Tây Nguyên thiếu 100 giáo viên trung học cơ sở cho môn Khoa học tích hợp thì Bộ phân chỉ tiêu cho Đại học Tây Nguyên tuyển khoảng 120 sinh viên", thầy Đệ nói.
Với phương án này, sẽ hạn chế được tình trạng sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường không có việc làm, phải chạy chọt để xin biên chế, tuyển dụng.
Bên cạnh đó, các trường sư phạm cũng sẽ được quy hoạch lại, để không còn đào tạo tràn lan, khiến hàng ngàn cử nhân sư phạm phải thất nghiệp như thời gian vừa qua.
Đồng quan điểm với thầy Đệ, Thạc sĩ quản lý giáo dục Nguyễn Thị Ân (một giáo viên có thâm niên giảng dạy tại Đà Nẵng) nói:
"Các trường sư phạm trọng điểm cần phối hợp với các địa phương để khảo sát nhu cầu tuyển dụng giáo viên các bậc học qua mỗi năm.
Trên cơ sở nhu cầu đó, các trường đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp, không được tuyển vượt quá số lượng.
Các địa phương cũng cam kết tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp ra trường về công tác, nếu họ đảm bảo các điều kiện về chất lượng, kỹ năng.
Như vậy, ở cả đầu vào và đầu ra cho sinh viên sư phạm đều được kiểm soát và đảm bảo, không để tình trạng dôi dư quá nhiều", cô Ân chia sẻ.
Theo Tấn Tài (giaoduc.net)