Tuy nhiên để giáo dục hoàn hảo một đứa trẻ từ khi cắp sách đến trường cho tới khi chính các em ấy phục vụ lại cho xã hội là cả một quá trình. Mà trong quá trình này, vai trò của người thầy là khơi dạy sự sáng tạo vốn có, khơi sáng tố chất và cá tính của người học. Tưởng chừng đơn giản nhưng thật sự rất khó.
8 dạng thức thông minh
Là những người làm giáo dục, chúng ta nên hiểu và nắm rõ 8 dạng thức thông minh của Giáo sư Howard Gardner (trường Đại học Haward) đã được ứng dụng rộng rãi vào các chương trình học ở các nước trên thế giới. Theo nhà tâm lý học Howard Gardner 8 dạng thức thông minh bao gồm: thông minh về thế giới tự nhiên, nội tâm, giao tiếp, âm nhạc, vận động, cảm nhận không gian, ngôn ngữ, toán học và logic.
Đồng nghĩa là khi một đứa trẻ đến trường, các em sẽ có những dạng thức thông minh khác nhau để phát triển sau này. Không đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào cả! Nhưng hãy nhìn xem, chương trình học trong các trường học hiện nay còn nặng về lý thuyết; bài làm văn được hướng dẫn theo mẫu; các bài toán được giải theo những chỉ dẫn, công thức có sẵn...điều đó vô tình sẽ làm "thủ tiêu" sự phát triển tư chất vốn có của trẻ.
Phân tích đơn giản hơn, trong những tiết dạy được sắp xếp trong một tuần, không khó để phát hiện sự "thiên vị" và "bắt buộc" các em phải phát triển theo trí thông minh ngôn ngữ, toán học và logic (có trong môn Ngữ văn, Ngoại ngữ, Toán học). Chính sự "thiên lệch" quá rõ ràng này đã làm cho nhiều em có sở trường về trí thông minh âm nhạc, vận động hay nội tâm luôn cảm thấy mình là người kém cỏi so với các bạn học giỏi, tạo ra tâm lý thất bại, chán nản và dễ dàng bỏ cuộc ngay từ vạch xuất phát.
Liệu có công bằng không khi chúng ta cứ bắt trẻ phải trở thành một "siêu nhân", phải học giỏi đều các môn, với bảng điểm trên 8 phẩy, phải đạt được danh hiệu này giải thưởng kia, phải cố học cho "bằng bạn bằng bè".
Để hiểu được sự định hướng phát triển năng lực, không cần phải giỏi toàn diện thì nội dung trong lá thư "kì lạ" của một thầy hiệu trưởng Singapore gởi cho bậc phụ huynh. Tất cả đã nói thay suy nghĩ của rất nhiều em học sinh:
"…Trong số các em, những người có mặt tại kỳ thi, có người sẽ là một nghệ sĩ, người không cần hiểu sâu về Toán. Có người sẽ là một doanh nhân, người không cần phải quá quan tâm đến Lịch sử hay Văn học Anh. Có người sẽ là một nhạc sĩ, người mà với họ, môn Hoá học sẽ chẳng có ý nghĩa gì nhiều. Có người sẽ là một vận động viên, người mà việc rèn luyện thể chất sẽ quan trọng hơn là môn Vật lý, giống như vận động viên Schooling của chúng ta. Nếu con bạn đạt điểm cao, điều đó thật là tuyệt vời. Nhưng nếu con không thể, xin đừng làm mất đi sự tự tin và nhân phẩm của con…"
Luôn tôn trọng người học
Chỉ đơn giản là đề cao sự tư duy, khám phá của học sinh, khi phát hiện ra các em có những năng khiếu ở một lĩnh vực nhất định như: bóng đá, điền kinh, bóng rổ, hội họa, thiết kế thời trang, ca hát, nhảy múa, viết truyện... thì mỗi thầy cô nên khuyến khích, bồi dưỡng và tạo nhiều sân chơi để các em có cơ hội được phát huy.
Và tuyệt đối phụ huynh không được so sánh kết quả học tập của con em mình với "con nhà người ta". Vì chính sự đề cao hay chê bai một học sinh nào đó, vô tình sẽ tạo ra tâm lý thua kém, phải thi đua, nỗ lực vì cha mẹ chứ không phải vì sự thích thú, say mê của các em.
Có thể thấy xã hội ngày nay đang không ngừng biến đổi, sự phân công lao động, trình độ chuyên môn hóa trong sản xuất cần được xem trọng, ghi nhận và đối xử công bằng giữa các em với nhau.
Nền giáo dục của chúng ta đang được đổi mới, sự đổi mới đó sẽ hiệu quả khi phù hợp với thời đại, phù hợp với học sinh và tôn trọng những tố chất riêng có của người học. Và chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng dựa trên sự phát hiện năng lực cốt lõi và năng lực chung của học sinh, có thể sẽ làm thay đổi diện mạo so với cách học truyền thống. Từ đó biết cách tôn trọng sự khác biệt, nâng đỡ những cá tính, tố chất của người học, tiến đến một nền giáo dục hiện đại và nhân văn.
Theo Lê Đức Bảo (GD&TĐ)