Đào tạo dàn trải, thiếu thống nhất
Hiện nay, cả nước có 58 trường đại học, 57 trường cao đẳng và 40 trường trung cấp có ngành đào tạo giáo viên. Trong đó, có 14 trường đại học sư phạm, 40 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm.
Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Năm 2017, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã có những thống kê cơ bản về nhu cầu đội ngũ nhà giáo đến năm 2020 và các năm tiếp theo. Theo đó, áp lực về số lượng không còn cao như cách đây hai thập kỷ. Điều này là do tác động của chính sách dân số và số lượng giáo viên cơ bản đủ về số lượng trong giai đoạn hiện tại. Số lượng cần nhiều nhất là giáo viên mầm non vì nhu cầu chăm sóc trẻ ngày càng cao của cả hệ thống công lập và tư thục.
Phân tích thực trạng ngành đào tạo giáo viên, ông Nguyễn Văn Minh cho rằng: Với số lượng các cơ sở đào tạo như hiện nay, các trường sẽ xác định một số lượng chỉ tiêu tuyển sinh khá lớn và nếu thiếu kiểm soát sẽ tạo ra sự dư thừa nhân lực, hệ quả của nó không chỉ gây lãng phí về tài chính mà đáng lo ngại hơn là các vấn đề xã hội. Bên cạnh đó, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trong thời gian tới, với các môn học mang tính tích hợp như Khoa học tự nhiên, Sử - Địa ở bậc Trung học cơ sở, dự báo trong tương lai, đội ngũ giáo viên dạy các môn học này không đòi hỏi nhiều về số lượng. Ngoài ra, việc tổ chức đào tạo và chất lượng đào tạo của các trường cũng không đồng nhất, trong khi muốn đổi mới thành công phải bắt đầu từ người thầy và không thể phát triển giáo dục nếu không có thầy giỏi.
Ông Nguyễn Văn Minh cũng chỉ rõ thêm: Số lượng cơ sở đào tạo sư phạm của Việt Nam chủ yếu thuộc hệ thống công lập. Trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế - xã hội và ngay cả những nước phát triển cũng khó đủ tiềm lực trang trải, đầu tư đồng bộ cho một hệ thống cồng kềnh như vậy. Do đó, việc đầu tư kiểu dàn trải đã không tạo ra được sự bứt phá nào trong phát triển các cơ sở đào tạo sư phạm.
Trên thực tế, trước tình hình khó khăn trong tuyển sinh đầu vào, vài năm gần đây, một số địa phương đã tự tìm giải pháp bằng cách sáp nhập trường cao đẳng sư phạm vào khoa sư phạm của một trường đại học khác trên địa bàn. Tuy nhiên, đây chỉ là con số ít ỏi và cũng chỉ là cách làm mang tính tình thế.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) chia sẻ: Hiện ngành sư phạm cũng như toàn bộ hệ thống giáo dục đại học đang chuyển đổi từ đào tạo theo số lượng, phụ thuộc vào năng lực của các trường sang đào tạo theo chất lượng và nhu cầu của xã hội. Và ở giai đoạn chuyển đổi, chúng ta phải chấp nhận ở mức độ nhất định những hiện tượng bất thường trong tuyển sinh của các trường sư phạm. Thực tế, những trường sư phạm "top trên" vẫn đang tuyển sinh tốt, có lượng thí sinh đạt điểm cao vào trường. Những trường "top dưới" gặp khó khăn nên phải tự thay đổi chức năng, cơ cấu để thích ứng tốt hơn với nhu cầu của xã hội.
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, để xảy ra tình trạng bất cập trong tuyển sinh sư phạm kéo dài, thực chất là do thiếu sự quản lí ở cấp vĩ mô. Do đó, cần sớm quy hoạch lại các trường đại học nói chung và khối trường sư phạm nói riêng theo hướng ưu tiên đảm bảo chất lượng và đào tạo theo đúng nhu cầu địa phương. Quyết liệt quy hoạch sẽ giảm bớt khó khăn cho người học và tránh lãng phí cho xã hội.
Quy hoạch hợp lý, giảm đầu mối - tăng tự chủ
Đưa ra bài học kinh nghiệm về mô hình đào tạo giáo viên ở một số nước trên thế giới, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ: Xu hướng của các nước trên thế giới là củng cố và phát triển mô hình đào tạo giáo viên truyền thống (chỉ chuyên trách đào tạo giáo viên) thành trường đa ngành/ khoa trong trường đại học đa ngành với chương trình đào tạo linh hoạt, cho phép người học có nhiều lựa chọn đầu ra. Bên cạnh đó, ở nhiều quốc gia có nền giáo dục phát triển, giáo viên phổ thông có trình độ tối thiểu là thạc sĩ. Vì vậy, chương trình được thiết kế đủ thời lượng để người học có bằng thạc sĩ sư phạm khi tốt nghiệp. Nó có thể lắp ghép bởi chương trình cử nhân chuyên ngành (4 năm) với thạc sĩ sư phạm (2 năm).
Đặc biệt, chương trình đào tạo giáo viên ở các nước phương Tây và một số nước châu Á chịu ảnh hưởng mạnh của giáo dục phương Tây rất coi trọng thực hành sư phạm. Thời gian thực hành, thực tập chiếm tỉ lệ lớn trong quá trình đào tạo. Thậm chí, sinh viên tốt nghiệp trường sư phạm chưa được công nhận là giáo viên nếu chưa qua thời gian tập sự ở nhà trường phổ thông (từ 1,5 - 2 năm).
Những khó khăn trong đào tạo giáo viên ở Việt Nam cũng có nhiều điểm tương đồng với những khó khăn mà các quốc gia khác gặp phải. Vì thế, Việt Nam có thể học hỏi những thành công từ mô hình, chương trình đào tạo giáo viên của các nước phát triển trong quá trình quy hoạch mạng lưới đào tạo ngành sư phạm.
Ông Nguyễn Văn Minh cho rằng, quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo sư phạm phải nhằm mục đích ổn định và phát triển, dựa trên chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, quan điểm tập trung đầu tư cho các cơ sở chủ lực ở các thành phố lớn và co hẹp hoặc giải thể các cơ sở vùng sâu, vùng xa là quan niệm khá cực đoan. Khi một cơ sở giáo dục xuất hiện ở một địa phương có tác động rất tích cực về nhiều mặt cho địa phương đó. Vấn đề là xác định được chức năng, vai trò, nhiệm vụ của cơ sở trong hệ thống là gì để xây dựng quy hoạch. Việc quy hoạch lại nên được thực hiện theo hướng: các trường đại học có chất lượng cao, có uy tín sẽ được chọn làm trường sư phạm trọng điểm, các trường khác sẽ chuyển đổi hoạt động để trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm này. Toàn bộ chương trình đào tạo của các trường sư phạm sẽ được chuẩn hóa và sử dụng đồng bộ trong toàn hệ thống để đảm bảo chất lượng đào tạo giáo viên ở các nơi được đồng nhất.
Con số dự báo của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho thấy, hàng năm nhu cầu tuyển mới không quá cấp bách. Với yêu cầu đó, chúng ta có thể xây dựng khu vực phía Bắc 3 cơ sở; miền Trung 2 cơ sở, miền Nam 2 cơ sở; Tây Nguyên 1 cơ sở. Nguồn lực của các cơ sở này có thể đào tạo mỗi năm 15.000 đến 20.000 sinh viên, đáp ứng yêu cầu cho nguồn nhân lực giáo dục. Các cơ sở khác, các trường cao đẳng sư phạm trở thành các phân hiệu, các cơ sở thực hành, cơ sở bồi dưỡng, đóng vai trò là nhân tố tác động tích cực và trực tiếp để phát triển giáo dục địa phương.
Theo đề xuất của đại diện một số trường sư phạm, mục tiêu chung của việc quy hoạch là hình thành mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo giáo viên với cơ cấu hợp lý, có quy mô, chất lượng đáp ứng nhu cầu người học và thị trường lao động, Việc quy hoạch đảm bảo tính khả thi, phân bổ hợp lý; đẩy mạnh tự chủ đại học; quy hoạch tinh gọn, giảm đầu mối, đẩy mạnh xã hội hóa, tăng tính kết nối trong hệ thống, giảm trường công lập...
Giáo sư, Viện sĩ Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: Ngành sư phạm là một ngành đào tạo nghề - nghề giáo. Đào tạo nghề phải phù hợp với nhu cầu xã hội. Vì vậy, cần cân nhắc cách làm ra sao để tránh đào tạo ra những cử nhân thất nghiệp, nhất là thất nghiệp không phải vì các em yếu kém mà do các môn này đang thừa giáo viên.
Quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, thống kê thừa - thiếu giáo viên từng bộ môn ở từng trường, từng cấp học, từng địa phương là việc Bộ GD&ĐT đang làm và cần tiếp tục làm để đưa ra dự báo chính xác nhất. Từ đó để các trường chủ động kế hoạch đào tạo sinh viên trong các năm tiếp theo.
Không thể để sinh viên chất lượng cao với xuất phát điểm đầu vào cao, kết quả học tập và rèn luyện trong 4 năm đại học khá, giỏi mà vẫn phải chật vật tìm việc nhiều năm liền, sẽ khó thu hút được thí sinh giỏi đầu quân vào sư phạm.
Theo Việt Hà (TTXVN)