Trường TC, CĐ sư phạm sẽ ra sao?
Theo thống kê của Bộ GD&T, tính đến thời điểm tháng 1/2018, trình độ giáo viên tiểu học về cơ bản đã đạt trên chuẩn so với quy định của Luật Giáo dục hiện hành.
Cụ thể, tổng số giáo viên tiểu học cả nước là 396.203, trong đó, trình độ dưới TC sư phạm là 178 giáo viên, trình độ TC sư phạm là 36.530 giáo viên, trình độ CĐ sư phạm là 123.226 giáo viên, trình độ đại học (ĐH) là 236.269 giáo viên.
Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành trung ương Đảng đặt ra nhiệm vụ: "Tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, trung học cơ sở (THCS), giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ từ ĐH trở lên, có năng lực sư phạm". Điểm a khoản 1 điều 72 Dự thảo sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 điều 77 của Luật Giáo dục quy định giáo viên có bằng tốt nghiệp ĐH sư phạm đối với giáo viên tiểu học.
Trước mắt, Bộ GD&T đề nghị các địa phương có chủ trương không tuyển mới giáo viên Tiểu học có trình độ TC hoặc CĐ sư phạm và có kế hoạch để bồi dưỡng số giáo viên hiện nay vươn lên đạt chuẩn. Tuy nhiên, đây là một bài toán không dễ, bởi trên thực tế hiện còn hơn 40% giáo viên tiểu học cả nước có trình độ TC, CĐ sư phạm; tỷ lệ này ở các vùng miền khó khăn như miền núi, hải đảo có thể lên đến trên 50%.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương hiện nay còn duy trì loại hình trường CĐ sư phạm, đào tạo giáo viên từ mầm non, tiểu học đến THCS. Như vậy, hàng loạt trường này sẽ ra sao khi vắng bóng người học nếu chính sách không tuyển mới được thực thi trong 5 năm tới? Nhìn từ thực tế mùa tuyển sinh 2018 vừa qua, nhiều trường CĐ vắng thí sinh, thậm chí là "trắng" thí sinh ở một số ngành đào tạo cho thấy bài toàn tuyển sinh khó khăn của các trường. Nếu như từ 2019 không tuyển giáo viên tiểu học trình độ TC, CĐ, các trường chắc chắn không tuyển sinh được. Đội ngũ giáo viên dạy các trường TC, CĐ sư phạm sẽ làm gì, sống ra sao? Và số lượng hàng nghìn sinh viên đang học tại các trường này sẽ đi đâu, về đâu khi ra trường?
Tránh lên chuẩn ồ ạt
Về vấn đề này, trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, Bộ đã đề xuất việc chuyển đổi hợp lý, cụ thể là các quy định về trình độ chuẩn của giáo viên tiểu học, THCS có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2026. Học sinh, sinh viên sư phạm, người theo học các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm được tuyển sinh trước thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được áp dụng theo Luật hiện hành.
Bộ GD&T đề xuất, đối với những giáo viên chưa đạt chuẩn, thời gian công tác còn trên 5 năm, Bộ chỉ đạo các trường ĐH sư phạm phối hợp chặt chẽ với các địa phương xây dựng lộ trình, kế hoạch đào tạo nâng chuẩn trình độ gắn với việc bồi dưỡng thay sách giáo khoa mới theo hình thức "cuốn chiếu" cùng với lộ trình triển khai hàng năm ở các khối lớp với các hình thức linh hoạt, phù hợp, hiệu quả, thiết thực, không chạy theo thành tích (nghĩa là chủ yếu học để lấy bằng cấp đạt chuẩn theo quy định). Đối với những giáo viên chưa đạt trình độ ĐH (nếu nâng chuẩn lên ĐH) còn thời gian công tác từ 1 đến 5 năm, Bộ chỉ đạo các địa phương phối hợp các trường sư phạm thiết kế các khóa bồi dưỡng thường xuyên, nâng cao năng lực dạy học để đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Về sinh viên tốt nghiệp các trường TC, CĐ sư phạm, đại diện Bộ GD&T cho biết sẽ đồng thời tổ chức đào tạo bổ sung theo hướng liên thông để khi sinh viên ra trường có trình độ ĐH sư phạm tiểu học.
Một câu hỏi khác được đặt ra là, bên cạnh việc nâng chuẩn về bằng cấp thì trình độ giáo viên sau khi được đào tạo, bồi dưỡng có tăng lên? Và tăng lên bao nhiêu?
Nhìn vào thực tế những năm qua, việc bồi dưỡng giáo viên theo hình thức "cuốn chiếu" thường tiến hành vào các kỳ nghỉ hè. Cách đào tạo tại chức cho giáo viên nâng cao trình độ của các địa phương chủ yếu là hợp lý hóa bằng cấp, còn thực chất trình độ, kiến thức của người học không được nâng lên bao nhiêu. Nếu việc nâng chuẩn cho giáo viên tiểu học chạy theo thành tích như các hình thức đào tạo, bồi dưỡng trên thì không mang lại hiệu quả đích thực mà còn gây lãng phí công sức và tiền bạc.
Dưới góc độ nhà tuyển dụng, hiệu trưởng một trường tiểu học dân lập tại Hà Nội cho rằng, khi tuyển mới giáo viên vào trường, bằng cấp chỉ là một phần. Quan trọng là qua tiếp xúc trực tiếp, thái độ và các kỹ năng cần thiết trong môi trường sư phạm mới là yếu tố quyết định người đó có được tuyển dụng hay không. Bởi giáo viên, đặc biệt là giáo viên tiểu học là một nghề đặc thù mà nếu không có lòng yêu trẻ, sự nhiệt tình và kiên nhẫn, bao dung thì khó có thể làm tốt công việc truyền lửa, truyền cảm hứng học tập tới các học sinh vừa chính thức bước vào con đường học tập gian khổ mà vinh quang.
Theo Thu Hương (daidoanket)