Tập trung nâng cao chất lượng người thầy

Thời gian gần đây có nhiều ý kiến xoay quanh việc đào tạo sư phạm. Dư luận quan tâm tới nhiều vấn đề: Mong muốn có nhiều học sinh giỏi sẽ đăng ký xét tuyển vào các trường sư phạm; lương giáo viên thấp…

Với tư cách là người đứng đầu cơ sở đào tạo, GS. Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm Hà Nội khẳng định, trong giai đoạn hiện nay vấn đề tập trung nâng cao chất lượng của người thầy trong ngành giáo dục là hết sức quan trọng.


GS. Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm Hà Nội.

GS. Nguyễn Văn Minh cho rằng tại các trường sư phạm truyền thống vẫn giữ được điểm đầu vào khá cao. Điểm đầu vào không phải là tất cả, nhưng đó là những tham số đáng quan tâm khi tuyển sinh. Bởi nghề dạy học không chỉ đòi hỏi về chuyên môn mà cần có sự tận tâm về công việc.

Theo đó, GS. Nguyễn Văn Minh có đề xuất một số giải pháp. Về quy hoạch mạng lưới đào tạo sư phạm, ở đây chúng ta quan niệm quy hoạch để phát triển: Đó là các trường đầu tàu, các trường trung tâm, các phân hiệu và các cơ sở vệ tinh.

Các phân khúc nối các trường đại học, cao đẳng trong giáo dục đào tạo, thực hiện đào tạo lại, bồi dưỡng có cơ sở đầu tàu và có cơ sở để chúng ta đầu tư phù hợp.

Hiện, chúng ta có hơn 100 cơ sở đào tạo sư phạm, đến nay có hàng chục ngàn sinh viên đã tốt nghiệp tại các trường, vì thế nhu cầu việc làm là rất lớn. "Chúng ta đang mâu thuẫn giữa mong muốn đầu tư đột phá các cơ sở đào tạo sư phạm và lựa chọn cơ sở nào để đầu tư. Chúng ta đang để sự tồn tại lưng chừng của các cơ sở đào tạo sư phạm và hệ quả của nó là "vàng thau lẫn lộn" và trông xa hơn là chúng ta làm chậm đổi mới và làm chậm sự phát triển giáo dục của đất nước", GS. Nguyễn Văn Minh nhận định.

"Một việc nữa là tất cả các trường đào tạo đều công khai với xã hội rằng đào tạo chất lượng cao, nhưng thực tế như thế nào? Thực tế là chúng ta chưa làm tốt công tác quy hoạch. Chúng ta đã có Quyết định 47 năm 2001, 121 năm 2007… gần đây nhất là Nghị định 29 và một số Nghị định khác, chúng ta đã tiên lượng được hệ quả của việc chồng quy hoạch. Không ít lần chúng ta đặt kế hoạch nhưng dường như chưa đưa được ra giải pháp. Chúng ta cần có câu trả lời càng sớm càng tốt nếu khát vọng, mong muốn đổi mới sớm thành công", Hiệu trưởng trường Đại học sư phạm Hà Nội phân tích.

Vì người thầy có vai trò đặc biệt quan trọng và chỉ có trường tốt mới đào tạo ra thầy giỏi. Giáo dục hiện đại là giáo dục mở. Trong đó, vai trò của người thầy đã có những phát triển đáng kể về chất. Tạo môi trường và động lực để mỗi cá nhân phát triển theo đúng thiên hướng của họ là trọng trách người thầy.

Việc chuyển đổi dạy học từ áp đặt sang hướng dẫn, đồng hành cùng người học là sự thay đổi bản chất của dạy học hiện đại. Vì vậy, thay đổi phương pháp, cách thức tiếp cận trong dạy học hiện đại đặt ra nhiều đòi hỏi đối với quá trình đào tạo giáo viên.

Rõ ràng, năng lực nghề nghiệp của người giáo viên gồm hai yếu tố hữu cơ với nhau là năng lực khoa học chuyên ngành và năng lực sư phạm. Điểm mấu chốt ở đây là tính tương tác, phù hợp giữa hai yếu tố này. Thiếu một trong hai thì khó trở thành thầy cô giỏi được.

GS. Nguyễn Văn Minh cho biết đã tìm hiểu về các cơ sở đào tạo của nhiều nước trên thế giới, Bắc Âu, Mỹ, Tây Âu, Đông Á, Đông Nam Á, Trung Quốc, và nhận thấy rằng chúng ta có quá nhiều cơ sở đào tạo sư phạm và hầu hết đều là cơ sở công lập. Đây là một điểm nghẽn trong quá trình đầu tư. Chính vì vậy, ông kiến nghị: Thứ nhất, nguyên tắc quy hoạch các trường sư phạm trên cơ sở cung - cầu phải được đặt ra. Thứ hai, quy hoạch nhằm ổn định và phát triển, phải xác định đối tượng bị tác động là ai, yếu tố nhân văn… Thứ ba, quy hoạch phải gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội… cần có sự liên hoàn và đồng bộ

Thứ tư, quy hoạch cần xem xét yếu tố địa lý, văn hoá… trong mối tương quan, không chỉ phát triển về giáo dục, mà còn phát triển về kinh tế, văn hoá…

Chất lượng đào tạo sư phạm quyết định thành công của giáo dục

GS. Nguyễn Văn Minh khẳng định chất lượng đào tạo sư phạm quyết định sự thành bại của đổi mới giáo dục. Theo ông Minh, chất lượng đào tạo sư phạm phụ thuộc vào chất lượng đầu vào, chương trình đào tạo, cách thức đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên. Nếu chưa đầy đủ các điều kiện đảm bảo đó thì chúng ta sẽ rất khó có học sinh giỏi.

Vì sao gần đây học sinh giỏi ít vào sư phạm? Theo GS. Nguyễn Văn Minh, có 3 yếu tố. Thứ nhất là việc làm, thứ hai là thu nhập, thứ ba là tôn vinh và cơ hội thăng tiến.

Về việc tôn vinh và cơ hội thăng tiến, bản thân những người làm giáo dục phải làm tốt để xã hội tôn vinh. Chúng ta có thể thấy rằng, hàng triệu thầy cô đang cố gắng làm tốt trọng trách của mình đối với thế hệ tương lai. Một bộ phận nhỏ vì nhiều lý do khác nhau đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh nhà giáo, thậm chí là vi phạm đạo đức nhà giáo. Trong nhiều năng lực đòi hỏi đối với thầy cô, năng lực làm chủ bản thân rất cần thiết.

Và trên cơ điều tra về quy mô học sinh, sự thay đổi về số lượng đội ngũ, phân bố địa lý dân cư... chúng ta sẽ có các cơ sở đào tạo tốt hơn và lúc đó chúng ta nắm được chỉ tiêu. Đây là cơ sở quan trọng để xác định được việc làm, sinh viên sẽ yên tâm khi vào học ở các trường sư phạm.

Trong thời gian vừa qua, Bộ GD&ĐT đã làm công tác điều tra và việc này có tác động tích cực. Đã có dự báo về số nhân lực trong những năm tới đây, công khai tình trạng sinh viên tốt nghiệp có việc làm, đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng. Từ đây, cho phép học sinh có quyền đăng ký để theo học, trường nào có điều kiện tốt thì sẽ được ưu tiên.

Cũng cần sớm cải thiện phương án phụ cấp tài chính, đào tạo theo chương trình ứng với chỉ tiêu đặt hàng. Bởi vì các trường sư phạm của nhà nước đầu tư thì nhà nước có quyền đặt hàng.

Quyết liệt thay đổi từ nội tại mới mong thành công

Theo GS. Nguyễn Văn Minh, đối với các trường sư phạm đây là thời cơ để các trường chủ động cải tổ, để thay đổi lại chương trình, xây dựng lại chương trình đào tạo, bồi dưỡng tự cải tổ và đề xuất phương án liên thông giữa các hệ thống.

Hiệu trưởng trường Đại học sư phạm Hà Nội cũng đề xuất với Chính phủ, "một mình Bộ GD&ĐT không thể làm được, bởi có trường thì Bộ quản lý, có trường trực thuộc tỉnh, vì vậy cần sự chỉ đạo thống nhất". Về phía Bộ Nội vụ, sự sắp xếp này liên quan đến biên chế của các đơn vị nên cần có sự thống nhất, triển khai nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ. Với Bộ Tài chính, trên cơ sở sắp xếp lại quy hoạch, cần có chiến lược đầu tư cụ thể nhằm tạo ra các phân khúc, tạo sự đột phá trong phát triển các trường sư phạm. Đối với Bộ TT&TT, việc định hướng dư luận để tạo ra sự đồng thuận trong xã hội là rất cần thiết khi sự quan tâm của xã hội đối với giáo dục là rất lớn.

GS. Nguyễn Văn Minh tin tưởng, khi có sự thay đổi quyết liệt trong nội tại các trường sư phạm, chúng ta sẽ sớm có những cơ sở đào tạo tốt để đáp ứng yêu cầu đào tạo đội ngũ giáo viên trong tương lai.

Theo Nhật Nam (baochinhphu)