Sẵn sàng tâm thế
Cô Ma Thị Xuân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Phố Ràng (Lào Cai) cho biết, ngay khi có thông tin liên quan đến Chương trình GDPT mới, nhà trường đã chỉ đạo các trường triển khai đến từng cán bộ quản lý, GV, HS; đồng thời chuẩn bị nguồn lực GV nòng cốt.
Nhà trường lựa chọn, chuẩn bị đội ngũ GV dạy các lớp đầu cấp để có kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn cho 100% GV được phân công dạy theo Chương trình, SGK GDPT mới theo lộ trình của Bộ GD&ĐT.
Xác định đội ngũ nhà giáo, những người trực tiếp tạo nên chất lượng GD, đóng vai trò quyết định cho thành công của công cuộc đổi mới GD-ĐT, nhà trường tiến hành thực hiện đánh giá CBQL, GV theo chuẩn nghề nghiệp, chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng CBQL, GV đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình, SGK GDPT mới. Đến nay 100% CBQL, GV đạt trình độ trên chuẩn, trong đó có 6 CBQL và GV là người dân tộc trên tổng số 33 CBQL và GV trong toàn trường.
Cô Ma Thị Xuân cho biết: Theo kế hoạch chỉ đạo của Sở GD&ĐT Lào Cai nhà trường đã thực hiện dạy hai môn học GD lối sống và Hoạt động trải nghiệm sáng tạo theo Chương trình SGK GDPT mới từ năm học 2017 - 2018 đến nay. Nhà trường chỉ đạo GV vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học lấy HS làm trung tâm trong giảng dạy, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường tiếng Anh để đạt được hiệu quả GD cao nhất, đó là phát triển năng lực và phẩm chất người học.
Bên cạnh vấn đề về đội ngũ GV, nội dung, phương pháp dạy học, nhà trường quan tâm đặc biệt đến cơ sở vật chất, tích cực tham mưu với cấp trên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo đủ diện tích phòng học, phòng bộ môn và diện tích sân chơi bãi tập, trang thiết bị dạy học đảm bảo thực hiện tốt kế hoạch dạy học.
Tự bồi dưỡng "đón đầu" Chương trình mới
Cùng với yêu cầu đổi mới GD toàn diện và chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình, SGK GDPT mới, đội ngũ GV là một trong những nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới GD.
Xác định Chương trình GD mới có hay đến mấy, tích cực đến mấy, mà đội ngũ GV không được tự chủ về chuyên môn, không gấp rút tổ chức bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho GV, thì đổi mới GD sẽ khó đi đến đích. Vì thế, thực hiện tốt việc đổi mới chương trình GDPT thì tự bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ là việc làm cần thiết trong quá trình đổi mới.
Cô Hồ Thị Thu Chung, Trường Tiểu học Thạch Đồng (Hà Tĩnh) cho biết: Chương trình đổi mới làm thay đổi nhận thức của cả người học lẫn người dạy. GV cần cập nhật các chương trình bồi dường thường xuyên liên tục trên diễn đàn trường học kết nối. Tự học qua Internet, qua các kênh tài liệu khác.
Trong quá trình đổi mới chương trình GDPT, Bộ GD&ĐT cần cập nhật các chương trình bồi dưỡng thường xuyên liên tục trên diễn đàn trường học kết nối. Mặc dù chương trình bồi dưỡng thường xuyên qua mạng còn khó khăn với các trường vùng sâu, vùng cao… nhưng đó là yếu tố cần thiết để tiếp cận với công nghệ 4.0
Dự kiến sẽ có khoảng 28.000 GV phổ thông cốt cán, 4.000 CBQL cốt cán sẽ được tập huấn, bồi dưỡng 54 module liên tục trong 3 năm theo Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ GV, CBQL cơ sở GDPT (ETEP). Đội ngũ cốt cán này cùng với các chuyên gia của 8 trường sư phạm sẽ hỗ trợ việc tự bồi dưỡng cho khoảng 800.000 GV phổ thông và 70.000 CBQL cơ sở GDPT thông qua mạng Internet./.