Thay đổi cách đánh giá học sinh
PGS. Trần Kiều, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam cho biết chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018) có mục tiêu cụ thể, đó là nhấn mạnh đến cá tính của người học. "Trước đến nay hoặc không có, hoặc là rất ngại nói đến tính cá thể hóa mà chủ yếu coi trọng tính đại trà, tính tập thể. Trong khi đó, cá tính của người học là hệ quả để phát triển nhân tính" - PGS. Trần Kiều nói.
Đi vào cụ thể, ông Đặng Minh Tuấn, giáo viên môn Toán tiếng Anh, tổ chức giáo dục UberMath cho rằng, chương trình 2018 có thêm quy định về trải nghiệm rất rõ. Đây là những hoạt động giúp học sinh hiểu được bản chất của vấn đề. Trả lời câu hỏi: Nhìn tổng thể chương trình có xa với chương trình hiện hành không? ông Đặng Minh Tuấn cho rằng, tổng kiến thức không thay đổi, có một số kiến thức được lược đi và bổ sung một số phần rất hợp lý. Ví dụ ở tiểu học, chương trình đã đưa thống kê vào từ rất sớm. Bổ sung thêm nội dung này, PGS. Đỗ Tiến Đạt, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho hay, chương trình hiện hành, những người làm chương trình như ông chỉ được tiếp xúc với 1 chương trình của quốc tế nhưng bây giờ được tiếp xúc không dưới 50 chương trình.
Tuy nhiên, những đổi mới của chương trình lần này có trở thành hiện thực hay không thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, theo PGS. Bùi Mạnh Hùng, trường ĐH Sư phạm TPHCM, kiểm tra đánh giá được coi giống như bánh lái của con tàu đổi mới. Vì vậy, nếu không đổi mới kiểm tra đánh giá thì đây sẽ là chốt chặn của chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất là kỳ thi THPT quốc gia. Nếu không đổi mới thì những ý tưởng của chương trình giáo dục phổ thông mới khó thực hiện.
Ông Đặng Minh Tuấn cho biết thêm, với chương trình hiện hành, chuyển thi từ tự luận sang trắc nghiệm ở kỳ thi THPT quốc gia đã có tác động trực tiếp đến dạy và học. Vì vậy, để kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực của người học thì không thể chỉ đánh giá bằng điểm số kiến thức như hiện nay. Theo ông Tuấn, số điểm trên lớp học chỉ chiếm 60%, điểm làm dự án 20% còn lại là điểm chuyên cần, thái độ ý thức. "Khi chỉ số rõ như thế mới quy về được tổng năng lực của học sinh như thế nào. Càng chia nhỏ tỷ lệ phần trăm cho các yếu tố cấu thành lên một đứa trẻ thì đánh giá năng lực càng chuẩn xác" - ông Tuấn khẳng định.
Giáo viên phải đủ năng lực
Bà Lê Tuệ Minh, Chủ tịch điều hành Hệ thống trường Wellspring cho rằng, chương trình 2018 nói nhiều đến phát triển năng lực của người học. Nhưng để dạy được, giáo viên cũng phải được trang bị năng lực. Muốn học sinh phát triển bao nhiêu năng lực thì cũng cần phải trang bị ít nhất bằng đó năng lực cho giáo viên ở mức độ cao hơn. Ở góc độ nhà trường, khi có mục tiêu giáo dục, hãy cụ thể hóa bằng các mục tiêu nhỏ để giáo viên thực hiện. Ví dụ như tiêu chí đánh giá giáo viên, tiêu chí đánh giá tiết dạy, tiêu chí đánh giá đổi mới, tiêu chí đánh giá các dự án bộ môn, phương pháp giảng dạy... "Chạy theo đúng những gì đang có của chương trình mới theo kiểu giáo viên vừa xếp hàng vừa chạy sẽ rất khó khăn nếu như muốn có những đổi mới tiếp theo" - bà Tuệ Minh cho hay.
Ông Đặng Minh Tuấn thì cho rằng: "Chương trình mới định hướng phát triển năng lực của học sinh thì giáo viên phải nắm được đó là những năng lực gì. Làm thế nào từ lý thuyết sang thực tế, chuyển tải thành kỹ năng cho học sinh. Mỗi học sinh có một năng lực khác nhau, làm thế nào để giáo viên nhận ra được năng lực của mỗi đứa trẻ hay chỉ dạy một bài đồng phục? Rồi kiểm tra, đánh giá năng lực của học sinh, giáo viên chưa đủ năng lực để làm việc đó, mới chỉ đánh giá bằng bài thi kiến thức, chưa có hệ thống đánh giá. Do vậy, cần phải có chỉ đạo từ trên.
Giáo viên cũng phải có trải nghiệm thực tế để áp dụng trong bài giảng. Giáo viên không sáng tạo thì sao dạy học sinh sáng tạo. Việc dạy học sinh sáng tạo trong chương trình hiện hành đã có nhưng chúng ta đã không làm được vì không gian lớp học chỉ bó hẹp trong 4 bức tường".
Theo Nghiêm Huê (tienphong)