Trao quyền cho giáo viên đứng lớp

Giáo viên là yếu tố quyết định sự thành công của đổi mới giáo dục. Cùng với sự chuyển động của chương trình và SGK phổ thông mới, người dân đang kỳ vọng vào sự chuyển động của toàn ngành giáo dục, không chỉ ở cấp quản lý mà ở hàng triệu giáo viên trực tiếp đứng lớp, truyền lửa và kiến thức cho học sinh. 

Trước ý kiến lo ngại rằng chưa thấy sự chủ động của giáo viên trước đổi mới, GS Thuyết cho rằng: Thụ động không phải là bản chất của giáo viên mà do cách quản lý làm giáo viên "co lại, thụ động". Trong đó, cách làm lâu nay ở ta là sợ giáo viên làm sai nên cứ hay cầm tay chỉ việc, vô tình tước đoạt sự sáng tạo của giáo viên. Cần phải trao quyền sáng tạo cho giáo viên. 

Cụ thể, giáo viên phải dạy đúng chương trình, SGK phải viết đúng chương trình. Còn giáo viên dạy bài này, bài kia là quyền của họ. Giáo viên dạy phương pháp nào cũng được, miễn đến khi đánh giá, học sinh đạt được yêu cầu là quan trọng nhất.

"Trước nay giáo viên của chúng ta chỉ biết chủ yếu một bộ sách trong giảng dạy (SGK). Với chương trình mới có nhiều bộ SGK, trước mắt, giáo viên chưa quen thì có thể dựa vào SGK. Nhưng dần dần, các thầy cô phải chọn lọc từ những kiến thức khác nhau để tự tạo ra một giáo án phù hợp với từng đối tượng. Đó được xem như một bộ SGK riêng của giáo viên. Nên trao quyền cho giáo viên và địa phương nhiều hơn" - ông Thuyết nói.

Tại buổi chia sẻ với 1.000 giáo viên khu vực miền Trung về chương trình GDPT mới diễn ra đầu tháng 9 vừa qua, GS Thuyết cho biết, chương trình GDPT mới đặc biệt chú trọng giao quyền tự chủ cho giáo viên đứng lớp. 

Cái mở này thể hiện tương đối rõ nhất ở môn Văn. Chương trình mới chỉ quy định 6 tác phẩm bắt buộc là đỉnh cao về tư tưởng và nghệ thuật, học sinh không thể không biết. Còn hơn 100 tác phẩm gọi là bắt buộc nhưng được lựa chọn. Ví dụ tác giả Nguyễn Huy Tưởng có 2 tác phẩm "Vũ Như Tô" hoặc "Bắc Sơn", giáo viên có thể chọn dạy tác phẩm nào cũng được nhưng phải dạy về tác giả này. Ngoài ra, có khoảng 300 tác phẩm gợi ý lựa chọn, người viết SGK và giáo viên có thể lựa chọn hoặc chọn các tác phẩm khác mà không nhất thiết phải là các tác phẩm này.

GS Thuyết cho rằng theo xu thế giáo dục hiện nay, không phải SGK viết thế nào là giáo viên dạy "đóng đinh" thế ấy, trừ những tác phẩm bắt buộc. Học sinh cũng có thể báo cáo với thầy, cô giáo về tác phẩm nổi tiếng, đang "hot" mà giới thanh niên, học sinh truyền tay nhau đọc, xin thầy cô đưa vào giờ đọc sách trong trường đều được.

"Giả sử tác phẩm có hạn chế thì giáo viên phải hướng dẫn cho học sinh để các em biết cách ứng xử. Còn hơn để học sinh đến trường sống một mặt, về nhà sống mặt khác. Học sinh đọc gì, nghĩ gì chúng ta không biết, cứ làm bài hì hụi trong SGK rập khuôn thì không hay mà cần sáng tạo. Đem những thứ gần với học sinh thì các em mới hứng thú, học hành mới vui"- ông Thuyết chia sẻ.

Cần tự đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức

Ở phần liên hệ với thực tiễn địa phương, GS Thuyết lưu ý nội dung giáo dục địa phương phải được soạn trước và bắt buộc phải mở. Các môn học trong chương trình GDPT mới cũng phải có sự liên hệ với địa phương và nó có vai trò quan trọng chứ không phải bị xem nhẹ như trước đây.

Cụ thể, trong chương trình GDPT mới đã đưa vào những nội dung giáo dục địa phương suốt 12 lớp từ tiểu học đến THPT. Ở tiểu học nội dung dành cho giáo dục địa phương thời lượng 35 tiết/năm học. Như vậy có tổng số 245 tiết cho 7 năm. Thời lượng như vậy là tương đối nhiều. Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội thì việc xây dựng chương trình giáo dục địa phương là thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cách làm này khác với chương trình hiện hành ở chỗ chương trình hiện hành quy định ngay chương trình giáo dục địa phương ở một số môn học cụ thể như Lịch sử, Địa lý... và như vậy thì diện rất hẹp. Trong khi đó, mỗi địa phương lại có nhu cầu khác nhau về đào tạo công dân của mình.

Vì vậy, bên cạnh vai trò của các sở ban ngành địa phương thì giáo viên là người được toàn quyền sáng tạo các nội dung để đưa vào nội dung giảng dạy. Chẳng hạn, TP HCM muốn phát triển thành phố thông minh thì ngay từ bậc phổ thông, học sinh phải được dạy về điều đó (245 tiết địa phương). Giáo viên phải dạy cho học sinh làm sao sống được ở thành phố thông minh về mặt tri thức, văn hóa…Còn các tỉnh Tây Nguyên, bên cạnh văn hóa Tây Nguyên thì giáo viên có thể lồng ghép giảng dạy về cây công nghiệp, khâu trồng trọt, kinh doanh, chế biến nông sản, cây công nghiệp như thế nào… để đào tạo ra những học sinh phù hợp với điều kiện phát triển của từng địa phương.

Theo GS Phạm Minh Hạc- nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, việc giáo viên được trao quyền tự chủ tối đa như hiện nay đã được người làm nghề trông đợi từ lâu. Tuy nhiên, khi chính thức thực hiện đòi hỏi người giáo viên phải tích cực cập nhật các kiến thức xã hội, các thông tin về địa phương, về đất nước... 

"Một môn học sẽ không gò bó trong những kiến thức SGK, tất nhiên là gây hứng thú cho học sinh. Nhưng ngược lại, giáo viên sẽ vất vả hơn. Không chỉ là soạn giáo án cho có, chép lại từ năm học này sang năm học kia mà kiến thức sẽ thay đổi mỗi ngày. Thậm chí, tôi đọc thông tin rằng có thể mỗi năm học, nhà trường lại chọn một bộ SGK khác nhau. Như vậy, giáo viên bên cạnh việc bám sát chương trình chuẩn của Bộ, cần tự đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức của bản thân để đủ năng lực lựa chọn những gì cần thiết nhất truyền đạt tới học sinh mà không quá phụ thuộc vào SGK" - GS Phạm Minh Hạc nhấn mạnh.   

Theo Thu Hương (Đại đoàn kết)