Bà Thanh Huyền cho biết các quy định về chuẩn hiệu trưởng hiện đã có, bao gồm chuẩn hiệu trưởng trường tiểu học, trường THCS - THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, nhưng các chuẩn này đã được ban hành cách đây 7 - 8 năm. Trong khi đó nhu cầu hiện nay là cần có chuẩn mới để phù hợp với yêu cầu hiện tại, hiệu trưởng phải thay đổi cách quản lý nặng về hành chính sang cách điều hành nhằm tạo môi trường, động lực để các hoạt động trong nhà trường hướng tới việc phát triển phẩm chất năng lực của học sinh một cách tốt nhất.

"Tư tưởng chủ đạo của chuẩn hiệu trưởng giai đoạn này là làm sao giúp quản trị nhà trường tốt hơn, để có kết quả học tập của học sinh tốt hơn. Lâu nay hiệu trưởng vẫn chủ yếu là người chấp hành các mệnh lệnh chỉ đạo của cấp trên mà rất ít sự sáng tạo, chủ động. Còn trong bối cảnh mới, chúng ta cần tăng tính tự chủ và trách nhiệm giải trình ở tất cả các bậc học", PGS Thanh Huyền nói.

Theo PGS Thanh Huyền, bất kỳ ngành nghề nào cũng đều yêu cầu hệ thống năng lực riêng. Ở VN hiện chưa gọi lãnh đạo các cơ quan hành chính sự nghiệp nói chung, hiệu trưởng trường học nói riêng là một nghề, nhưng yêu cầu của đổi mới giáo dục đòi hỏi công việc quản trị của các hiệu trưởng ngày càng phải chuyên nghiệp hơn.

Bà Thanh Huyền nhận định: "Quản lý cũng là một nghề. Nó đòi hỏi năng lực chung và năng lực chuyên sâu. Hiệu trưởng cũng vậy, họ có những công việc rất đặc trưng, nên mặc dù hầu hết họ đều trưởng thành từ những giáo viên giỏi, nhưng nếu không có chuyên môn của người làm quản lý, thì họ cũng sẽ không thể trở thành hiệu trưởng giỏi".

Kỳ vọng của nhóm nghiên cứu là chuẩn hiệu trưởng mới không chỉ hữu ích cho cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục mà còn để các hiệu trưởng, hoặc cán bộ nguồn tự đánh giá, tự phấn đấu.

Những năm đầu ban hành chuẩn hiệu trưởng, kết quả đánh giá hằng năm sẽ không được sử dụng đánh giá thi đua mà làm căn cứ để đào tạo, bồi dưỡng hiệu trưởng đạt chuẩn ở các mức độ cao hơn hiện tại mà họ đạt được. Sau một số năm, việc đánh giá hiệu trưởng theo chuẩn đi vào nền nếp, thực chất thì chuẩn mới là một công cụ mạnh trong việc bổ nhiệm, điều chuyển hoặc miễn nhiệm cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

Nguồn: Báo Thanh niên