Điều
kiện chưa cho phép
Trên thế giới, loại hình
trường ĐH không vì lợi nhuận đã phát triển từ lâu. Nổi tiếng nhất phải kể đến
những ĐH hàng đầu như Harvard, Yale… cũng hoạt động theo mô hình này. Thậm chí,
tại các quốc gia tiên tiến như Anh, Đức, Pháp, Mỹ, Nhật… nền giáo dục chủ yếu
dựa vào các trường ĐH công lập và tư thục phi lợi nhuận, vai trò của ĐH tư vì
lợi nhuận tương đối hạn chế.
Ở Việt Nam, khái niệm này mới
xuất hiện những năm gần đây. Một số trường ĐH luôn khẳng định hoạt động không
vì lợi nhuận nhưng trên thực tế chưa được Thủ tướng Chính phủ, Bộ GDĐT, UBND
tỉnh/thành phố công nhận sự ra đời loại hình trường ĐH này.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá,
Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, gần
đây ở nước ta đã xuất hiện hai trường bắt đầu đi vào hoạt động và khuynh hướng
sẽ là trường không vì lợi nhuận. Cụ thể, trường của Tập đoàn Vingroup, được
tuyên bố không vì lợi nhuận, làm ra để tạo thương hiệu và lấy tiền lãi để tiếp
tục đầu tư đầu tư phát triển chứ không chia lãi. Ngoài ra, còn trường nước
ngoài ở Việt Nam là Fullbright ở TPHCM vừa khai giảng ngày 5/9. Fullbright cũng
tuyên bố không vì lợi nhuận.
Về hành lang pháp lý để giám
sát, theo Quyết định 70/2014/QĐ-TTg Điều lệ trường ĐH, mục 4, chương 3 về tổ
chức và quản lý của trường ĐH tư thục phi lợi nhuận, điều 29 khẳng định Hội
đồng quản trị đại diện cho quyền sở hữu chung của cộng đồng nhà trường là cơ
quan quyền lực cao nhất; đại diện các thành viên góp vốn chỉ chiếm không quá
20% tổng số thành viên của Hội đồng quản trị. Quy định này đã pha loãng quyền
của cổ đông và tạo sự độc lập cho hoạt động giáo dục với mục tiêu vì lợi nhuận.
Tuy nhiên, những trường tư
thục đã hoạt động theo hướng phi lợi nhuận nhưng chưa được cấp phép sẽ gặp khó
trong việc chuyển đổi. Bởi theo quy định tại điểm b, khoản 2, điều 34 của Điều
lệ trường ĐH: muốn chuyển đổi sang phi lợi nhuận phải có đủ sự ủng hộ của đại
diện tối thiểu 75% tổng số vốn của các thành viên góp vốn.
Theo PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ,
nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, phi lợi nhuận trong giáo dục ở các nước khác họ làm
rất triệt để. Là bởi họ có rất nhiều tiền nên việc đầu tư vào giáo dục như việc
người ta bỏ tiền ra để làm từ thiện mà không phải suy nghĩ.
Nhưng ở Việt Nam, việc phi lợi
nhuận là hơi khó vì điều kiện không cho phép. Họ có tiền dành dụm bỏ vào ngân
hàng kiếm chút lãi, nếu không bỏ vào ngân hàng thì họ bỏ vào trường học, họ
cũng sẽ thu lại được tương tự như bỏ tiền vào ngân hàng hoặc cao hơn chút ít.
Còn tiền dư ra, họ sẽ đầu tư vào trường, xây dựng cơ sở vật chất, mua trang
thiết bị...
Nếu
bây giờ yêu cầu không chia cổ tức, không rút vốn, phần lợi nhuận tích lũy hằng
năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển
nhà trường thì chắc chắn sẽ có những người không đồng ý.
Cần
tạo hành lang pháp lý
Đồng quan điểm này, một thành
viên của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, ngay từ khi thành lập, một số cổ
đông góp vốn của trường đã coi việc đầu tư vào giáo dục này cũng như các loại
hình kinh doanh khác. Nay muốn chuyển đổi sang mô hình ĐH tư thục không vì lợi
nhuận với điều kiện tất cả lợi nhuận thu được phải tái đầu tư vào việc thực
hiện mục tiêu giáo dục và vận hành trường, không chia cổ tức thì không dễ nhận
được sự đồng thuận của tất cả các cổ đông. Ngược lại, các nhà hoạt động giáo
dục sẽ khó có đủ tài chính để mua lại số cổ phần này. Vì vậy, để tạo được sự
đồng thuận giữa các thành viên góp vốn là điều không đơn giản.
Đơn cử như vụ chuyển đổi từ
trường ĐH tư thục sang ĐH tư thục phi lợi nhuận của ĐH Hoa Sen vẫn chưa đi đến
được thống nhất giữa Hội đồng quản trị và một số cổ đông góp vốn của trường. Sự
chuyển đổi này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của các cổ đông
trong việc chia cổ tức và quyền quản trị.
Như vậy, dù hiện chưa có
trường ĐH tư thục không vì lợi nhuận nhưng theo xu hướng phát triển chung của
thế giới và xu thế tất yếu xuất phát từ nhu cầu thực tế của xã hội, việc tạo
hành lang pháp lý để điều chỉnh và phát triển, khuyến khích mô hình trường này
phát triển ở Việt Nam là cần thiết.
Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Giáo dục đang tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của các chuyên
gia, nhà quản lý về vấn đề này theo hướng quy định cơ sở giáo dục ĐH tư thục
không vì lợi nhuận là cơ sở giáo dục mà nhà đầu tư cam kết và thực hiện cam
kết: không rút vốn, không hưởng lợi tức, phần lợi nhuận tích lũy hằng năm thuộc
sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển nhà trường.
Nhà nước có chính sách ưu tiên, khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục ĐH
tư thục hoạt động không vì lợi nhuận...
Dự kiến, dự án Luật Giáo dục
ĐH sửa đổi sẽ trình Quốc hội vào tháng 10 tới đây.
* Minh
bạch tài chính
“Để chuẩn nguyên tắc phi lợi
nhuận thì cần phải nhiều yếu tố, mà trong đó yếu tố minh bạch trong tài chính
là quan trọng nhất. Nếu không minh bạch, việc xảy ra tranh chấp là tất yếu.
Ngoài ra, để khuyến khích phát triển các trường ĐH không vì lợi nhuận, cần có
những chính sách ưu đãi về tài chính, cung cấp một số đầu tư ban đầu về thiết
bị… Nếu như có chính sách miễn thuế cho các tổ chức và cá nhân hiến tặng cũng
như miễn thuế thu nhập, thuế đất… đối với các trường theo mô hình này thì sẽ
càng thuận lợi hơn” - PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ nhận định.
Theo Thu Hương
(daidoanket)