Theo
thông tư 26 của bộ Giáo dục và Đào tạo, mục đích của GDTX là để cán bộ quản lí,
giáo viên cập nhật kiến thức về chính trị, kinh tế, xã hội, bồi dưỡng phẩm chất
chính trị, đạo đức nghề nghiệp, phát triển năng lực dạy học, năng lực giáo dục
và những năng lực khác theo chuẩn nghề nghiệp, đồng thời phát triển năng lực tự
học, tự bồi dưỡng của giáo viên.
Việc triển khai bồi dưỡng
thường xuyên phải gắn kết chặt chẽ với việc triển khai đánh giá giáo viên và
cán bộ quản lý theo chuẩn và theo chỉ đạo đổi mới giáo dục của ngành để từng
bước cải thiện và nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo
dục.
Công tác bồi dưỡng BDTX cho
đội ngũ GV&CBQL là yêu cầu khách quan, vừa có tính cấp bách, vừa có tính
chiến lược lâu dài. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện
lại tạo ra khá nhiều bất cập, và các vấn đề phát sinh, đi chệch với mục tiêu
đặt ra ban đầu.
Bất cập thứ nhất là chưa có
các văn bản hướng dẫn thống nhất chung về cách tổ chức triển khai, dẫn tới việc
thực hiện nhiệm vụ này ở cấp cơ sở có sự chênh nhau khá nhiều. Nhiều nơi vẫn
còn mơ hồ về nội dung và lúng túng trong triển khai thực hiện công tác BDTX,
nội dung bồi dưỡng cũng không có sự thống nhất. Nơi thì cấp phát sách, in ấn
tài liệu, nơi thì cấp các mã mô-đun và những tiêu đề cần học, còn nội dung như
thế nào thì người học phải tự tìm hiểu.
Mặt khác, cách tổ chức kế
hoạch học tập cho GV&CBQL thật sự chưa khoa học và tạo được hiệu quả thiết
thực. Ngoài việc tham gia lớp bồi dưỡng chính trị tập trung đầu năm học, phần
lớn nội dung BDTX lại là tự học với hàng loạt mã mô-đun liên quan đến các chủ
đề được cấp sẵn, đa số cán bộ, giáo viên chỉ cần thực hiện việc chép lại vào
sổ. Đến dịp thanh kiểm tra, mỗi GV&CBQL chỉ cần nộp hồ sơ cá nhân, đặc biệt
lưu ý quyển sổ BDTX đúng chu trình đã lập trong kế hoạch là yên tâm. Không thể
phủ nhận một thực tế rằng, chương trình BDTX hướng đến mục tiêu thúc đẩy tinh
thần tự học, tự sáng tạo cho GV&CBQL nhưng vô hình chung lại đẩy họ vào
tình trạng chây ì, mang tư tưởng học "đối phó" hay "làm cho có".
Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở
BDTX chưa đủ mạnh, trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo còn hạn
chế, không phù hợp với hoạt động cập nhật, trang bị kiến thức, kỹ năng và
phương pháp làm việc cho GV&CBQL. Đội ngũ giảng viên của một số cơ sở BDTX
còn trẻ, năng lực hạn chế, nhất là về kiến thức, kinh nghiệm quản lý và phương
pháp giảng dạy. Trong khi đó, đội ngũ giảng viên kiêm chức tuy có chú trọng xây
dựng song chưa được bồi dưỡng thường xuyên về nghiệp vụ sư phạm, phương pháp
giảng dạy.
Đào
tạo, bồi dưỡng trực tuyến GV&CBQL- những tiềm năng
Từ những vấn đề bất cập trong
công tác bồi dưỡng thường xuyên GV &CBQL như đã nêu ở trên, nhằm tạo ra sự
chuyển biến mạnh mẽ và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác BDTX, trong
quyết định số 117/QD-TTg phê duyệt đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ
thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học
góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 - 2020, định
hướng đến năm 2025" của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh tầm quan trọng
của việc ứng dụng công nghệ thống tin trong bồi dưỡng cán bộ với tiêu chí đặt
ra đến năm 2020 là:"70% lớp bồi dưỡng
chuyên môn cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được thực hiện qua mạng
theo phương thức học tập kết hợp (blended learning)".
Cùng với sự phát triển của
cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, giáo dục và đạo tạo là một trong những lĩnh vực
chịu ảnh hưởng to lớn từ các nội dung giảng dạy đến việc thay đổi phương thức
giảng dạy sao cho phù hợp với sự phát triển chung. Việc tăng cường ứng dụng
công nghệ thông tin nhằm đổi mới nội dung, pháp dạy - học, kiểm tra, đánh giá
và nghiên cứu khoa học và công tác quản lý tại các cơ sở giáo dục đào tạo trong
hệ thống giáo dục quốc dân góp phần hiện đại hóa và nâng cao chất lượng giáo
dục và đào tạo. Trong đó, việc đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng thường xuyên
GV&CBQL thông qua đào tạo trực tuyến là điều cần thiết.
Như đã biết, đào tạo
trực tuyến là một loại hình đào tạo mang lại nhiều hiệu quả. Do sự phát triển
của công nghệ nên nội dung đào tạo của phương thức này luôn mang tính trực
quan, dễ đọc, dễ hiểu. Đặc biệt khi tham gia phương thức học này người học sẽ
phải có ý thức tự học, nên tính hiệu quả của việc học rất cao.
Khi tham gia học tập trực
tuyến người học có thể chủ động trong việc bố trí thời gian học như học tại
nhà, học trên đường đi, học lúc nghỉ ngơi ở cơ quan… Người học cũng có thể tự
tăng tốc độ học tập để rút ngắn thời gian học của mình. Bên cạnh đó, quá trình
tham gia học tập theo phương thức đào tạo trực tuyến còn gián tiếp giúp cho
người học sẽ có trình độ nhất định về công nghệ thông tin. Đây cũng là một
trong những kỹ năng căn bản mỗi GV & CBQL cần có trong công việc hiện nay.
Việc triển khai đào tạo công tác
bồi dưỡng cán bộ thông qua đào tạo trực tuyến thực sự đang có rất nhiều tiềm
năng vì một số lý do sau đây:
- Hạ tầng công nghệ thông tin
và truyền thông của Việt Nam đang có tốc độ phát triển vượt bậc, việc truy cập
vào Internet ở Việt Nam rất dễ dàng và có băng thông tốt, đủ để triển khai các
chương trình đào tạo E-Learning;
- Lượng người sử dụng Internet
ở Việt Nam là rất nhiều, theo kết quả nghiên cứu của Liên minh Viễn thông quốc
tế, số lượng người dùng Internet tại Việt Nam đạt hơn 50.05 triệu người (tính
đến ngày 31/3/2012), chiếm 53% dân số, và hầu hết số lượng này đều đang ở độ
tuổi từ 12 - 50 tuổi, là độ tuổi phù hợp cho việc đào tạo, trong đó có độ tuổi
của các GV&CBQL còn đang lao động và công tác.
- Đa phần người dân Việt Nam
sẵn sàng tiếp cận công nghệ mới, và người dân rất nhanh thích nghi với việc sử
dụng công nghệ thông tin trong công việc và trong học tập.
- Số lượng người sử dụng các
thiết bị di động để truy cập vào Internet cũng đang tăng trưởng nhanh, hiện
đang có khoảng 41.5 triệu thuê bao 3G (tính đến tháng 10/2017). Điều này giúp
cho việc phát triển các hệ thống đào tạo E-Learning qua các thiết bị di động.
Và
thách thức
Bên cạnh những ưu điểm và tiềm
năng trong xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến bồi dưỡng thường xuyên cho
GV&CBQL thì cũng tồn tại nhiều thách thức và khó khăn.
- Đặc tính học tập trực tuyến
là loại hình học tập hướng người học, tức là người học phải tự chủ động thời
gian, nội dung học tập và khối lượng kiến thức mà họ muốn thu nhập. Thế nên,
người học bắt buộc phải tự chủ động và có ý thức tự giác cao. Nhiều người học
vốn quen với hình thức học tập thụ động, giáo viên là người truyền đạt kiến
thức, còn người học chỉ tiếp nhận kiến thức theo kiểu thụ động. Vì thế, khi
chuyển sang phương thức học tập trực tuyến này, nhiều người học sẽ gặp các vấn
đề khó khăn trong việc tự nghiên cứu và giải quyết vấn đề trong học tập.
- Cơ sở hạ tầng công nghệ
thông tin: Hệ thống máy vi tính còn thiếu; Đường truyền mạng, tốc độ truy cập
còn chậm; Khả năng tiếp cận với internet còn hạn chế ở một số địa phương, đặc
biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, nhiều cơ sở đào tạo, bồi dưỡng còn thiếu
hệ thống thư viện điện tử đáp ứng nhu cầu truy cập, tiếp cận và sử dụng của
người học.
- Kỹ năng công nghệ thông tin
của giảng viên và giáo viên: Khả năng sử dụng và khai thác máy tính cá nhân của
nhiều giáo viên còn yếu, đặc biệt là những giáo viên có tuổi và giáo viên ở các
địa phương còn khó khăn. Bên cạnh đó, kỹ năng công nghệ thông tin và kỹ năng tư
vấn của một số giảng viên còn hạn chế, dẫn đến hiệu quả chưa cao trong quá
trình tương tác trực tuyến với người học.
Để
đào tạo trực tuyến đạt hiệu quả
Để công tác đào tạo bồi dưỡng
thường xuyên đội ngũ cán bộ, giáo viên và cán bộ quản lý thông qua hình thức
đào tạo trực tuyến đạt hiệu quả cao cần chú trọng thực hiện một số công việc
sau:
- Xây dựng và hoàn thiện cổng
thư viện số (giáo trình, bài giảng, học liệu điện tử), liên thông, chia sẻ học
liệu với các cơ sở đào tạo từ mầm non đến đại học nhằm nâng cao năng lực nghiên
cứu, đào tạo của giáo viên và cán bộ quản lý.
- Triển khai hệ thống học tập
trực tuyến tại các cơ sở, lựa chọn và sử dụng các bài giảng trực tuyến phù hợp
với điều kiện của từng cấp học và đối tượng học.
- Tăng cường quản lý, bồi
dưỡng, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ GV&CBQL.
Nguồn:
TS. Đinh Tuấn Long
Giám
đốc Trung tâm Công nghệ - Học liệu, Viện ĐH Mở Hà Nội