Chuẩn GV, giảng viên SP cần được thực hiện xuyên suốt,
đồng tâm với chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo GV trong các trường SP. Ở
bối cảnh đó, mỗi trường SP cần rà soát, điều chỉnh lại chương trình đào tạo cho
phù hợp với bối cảnh mới, trong mối tương quan với các chiến lược xây dựng,
phát triển đội ngũ nhằm đáp ứng các yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT.
Thời lượng không còn là chủ đạo tạo "niềm
tin" về chất lượng
TS
Tôn Quang Cường - Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG
Hà Nội) - cho rằng: Trong thiết kế chương trình đào tạo SP hiện nay, vấn đề cơ
bản nhất là phải tính toán được sự cân đối hợp lý giữa các khối kiến thức, năng
lực cần hình thành. Sự cân đối hợp lý này, một mặt được thể hiện ở lượng thời
gian (tối thiểu) mà người học cần phải đảm bảo để hoàn thành các mục tiêu (kiến
thức, kỹ năng, năng lực, phẩm chất đầu ra) của chương trình đào tạo.
Mặt
khác, phải đảm bảo được những kiến thức nền tảng (bao gồm: Khoa học cơ bản - đủ
để dạy; khoa học giáo dục và SP - đủ để biết cách dạy; hội nhập nghề nghiệp -
đủ để tạo tiền đề phát triển nghề nghiệp; ứng dụng các công nghệ mới trong dạy
học - để hỗ trợ dạy học hiệu quả, tăng cơ hội học tập suốt đời, học tập cá nhân
hóa) và năng lực nghiên cứu, tìm tòi, phát triển năng lực nghề nghiệp trong
giai đoạn chuẩn bị vào nghề và tiếp sau đó.
"Đây
là bài toán thách thức mà cốt lõi là sự mâu thuẫn giữa khối lượng kiến thức, kĩ
năng, năng lực cần hình thành với thời lượng và điều kiện triển khai trong bất
kì chương trình của một trường nào hiện nay. Nhiều nước có nền giáo dục phát
triển, có uy tín trong đào tạo GV cũng đang phải đối mặt với vấn đề này. Về lí
thuyết, các thách thức có thể được giải quyết trên cơ sở tăng tính tự chủ, tự
chịu trách nhiệm xã hội của mỗi cơ sở đào tạo GV, với một chương trình đào tạo
hiệu quả, đội ngũ nhân lực chất lượng, cũng như các điều kiện đảm bảo chất
lượng phù hợp" - TS Tôn Quang Cường cho hay.
Phân
tích một số chương trình đào tạo GV hiện hành, TS Tôn Quang Cường cho rằng, cần
tiếp tục điều chỉnh, phát triển các module học phần đảm bảo sự thống nhất, tính
hệ thống của các học phần thực sự gắn kết trực tiếp và đóng góp trực tiếp vào
năng lực đầu ra ứng với chuẩn đầu ra trong đào tạo GV. Trên cơ sở đó có thể sắp
xếp đan xen với các học phần mang tính bổ trợ phát triển nghề nghiệp (tùy vào
điều kiện triển khai của nhà trường).
Cần
điều chỉnh, cân đối thời lượng của các module học phần trực tiếp gắn kết với hệ
thống năng lực đầu ra, cũng như với các học phần khác trong chương trình đào
tạo. Đồng thời, phân bổ tiến trình, thời gian đào tạo module học phần trực tiếp
gắn kết với hệ thống năng lực đầu ra, đảm bảo sự hài hòa giữa logic khoa học
của các môn học, thời gian vật chất trong năm, cơ hội rèn luyện nghề, kĩ năng
SP. Đặc biệt là vấn đề đảm bảo tính tuần tự, tính tiên quyết trong hệ thống các
môn khoa học giáo dục và SP.
Thiết kế chương trình theo tiếp cận năng lực
Theo
TS Tôn Quang Cường, chất lượng đào tạo là một khái niệm đa diện luôn đặt ra
những mối quan tâm kèm theo thách thức mới cho các nhà thiết kế, tổ chức, thực
thi chương trình đào tạo.
Thiết
kế chương trình đào tạo GV theo cách tiếp cận năng lực đầu ra đòi hỏi quá trình
điều tra, phân tích, xử lí các thông tin từ nhiều phía, trong đó nhấn mạnh đến
nhu cầu thực tế của xã hội trên cơ sở dự báo thay đổi và yêu cầu mới. Đưa ra
nhận định này, TS Tôn Quang Cường cho rằng, về mặt lí luận, quá trình thiết kế
chương trình theo cách tiếp cận này cần được thực hiện theo 5 bước cơ bản.
Thứ
nhất: Mô tả rõ "chân dung" người tốt nghiệp chương trình; hình ảnh
người GV đáp ứng chuẩn nghề nghiệp. Thứ hai: Xác lập các năng lực cần thiết
(chung và chuyên biệt) cần được hình thành, đào tạo và phát triển. Thứ ba: Chi
tiết hóa các năng lực thành những kĩ năng hoạt động cụ thể. Thứ tư: Rà soát,
kiểm chứng sự phù hợp và khả thi của chương trình theo định hướng năng lực đầu
ra. Thứ năm: Sắp xếp các học phần theo logic hướng đến hệ thống năng lực đầu ra
đối với người tốt nghiệp, tính toán và cân đối giữa các yếu tố đảm bảo chất
lượng của nhà trường và các nguồn lực khác.
Việc
xác lập được các nhóm năng lực cần hình thành (năng lực đầu ra) ở người học là
điều kiện tiên quyết để sắp xếp, cấu trúc lại chương trình (hoặc thiết kế mới
chương trình), tránh được tình trạng dồn ép, cộng dồn hoặc phân chia các đơn vị
học trình theo niên chế trước đây một cách cơ học. Trên cơ sở tiếp cận này hệ
thống các học phần theo các khối kiến thức sẽ được thiết kế, triển khai một
cách khoa học, linh hoạt.
Đào tạo GV hướng đến chuẩn nghề nghiệp
Nhằm
đáp ứng yêu cầu đào tạo GV hiện nay, hầu hết các trường SP đã và đang vận dụng
đồng bộ các văn bản qui phạm pháp qui, khai thác tối đa các yếu tố tác động đến
toàn bộ quá trình này. Về cơ bản, hệ thống chuẩn nghề nghiệp GV hiện hành,
chuẩn đào tạo trình độ ĐH khối ngành SP, khung năng lực trình độ quốc gia và
các văn bản pháp lí khác đã tạo tiền đề pháp lí hữu hiệu cho thiết kế, phát
triển các chương trình đào tạo GV. Trên thực tế, các nhóm yếu tố tác động đến "sản
phẩm đầu ra" đều đã thể hiện sự kết hợp chặt chẽ giữa mô hình năng lực,
nhân cách và mô hình hoạt động nghề nghiệp trong tương lai của sinh viên tốt
nghiệp các trường đào tạo GV.
Mặt
khác, các trường SP phải coi đào tạo nghề GV là quá trình xuyên suốt, gắn kết
và liên tục, là một hệ thống chỉnh thể để đảm bảo chất lượng đội ngũ ngay từ
khi sinh viên tốt nghiệp đến giai đoạn ổn định, phát triển nghề nghiệp chuyên
môn. Trong đó thể hiện mối quan hệ khăng khít, tương hỗ giữa chương trình đào
tạo, chuẩn đầu ra và chuẩn nghề nghiệp.
"Về
nguyên tắc, việc thiết kế, phát triển chương trình theo tiếp cận "chuỗi
hoạt động nghề nghiệp" tạo sự gắn kết giữa 2 giai đoạn đào tạo nghề và
phát triển nghề nghiệp của GV, cho phép trường SP huy động hiệu quả, tối đa các
nguồn lực... Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn tồn tại hiện tượng khá phổ biến
là giai đoạn "hậu tốt nghiệp" của phần đông sinh viên SP trước khi
được tham gia hoạt động nghề nghiệp của GV.
Trong
bối cảnh yêu cầu nâng cao chất lượng GV, thu hẹp chỉ tiêu đào tạo SP, tuyển
dụng theo vị trí việc làm trong ngành giáo dục như hiện nay, vấn đề này càng
trở nên cấp thiết, vừa là thách thức nhưng cũng đồng thời là cơ hội cho các cơ
sở đào tạo GV để tự đổi mới chính mình" - TS Tôn Quang Cường trao đổi.
Đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo có thể hiểu là
việc tìm ra được "logic khoa học" giữa "lí do tồn tại" của học
phần trong chương trình đào tạo tổng thể với mục tiêu, kết quả đầu ra để hình
thành năng lực cần có của người học. Quá trình này tập hợp nhiều yếu tố cấu
thành tạo nên "chỉ số" chất lượng.
Theo Hải Bình (GD&TĐ)