Điều kiện cần cho chuẩn đầu ra

Thực tế cho thấy, khi các trường sư phạm tuyển được đầu vào "chất" sẽ trở thành điều kiện thuận lợi, cần thiết để quá trình đào tạo nhằm tạo ra sản phẩm đầu ra tốt. 

GS.TS. Đinh Quang Báo - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng các ứng viên đầu vào chương trình đào tạo giáo viên cần có các yếu tố cần thiết như: Có thiên hướng yêu thích nghề giáo dục, yêu trẻ để có thể cam kết gắn bó với nghề. Có ngoại hình bình thường, có năng lực tư duy, nhận thức, xúc cảm để có thể đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra chương trình đào tạo… Nghề giáo sẽ thuận lợi hơn nếu người giáo viên có năng khiếu hùng biện, giọng nói ấm áp truyền cảm, có năng khiếu văn nghệ, mĩ thuật, thể dục thể thao, âm nhạc… 

Để nâng cao được chất lượng tuyển sinh, các trường Sư phạm cần dự báo được nhu cầu đào tạo giáo viên, khả năng đáp ứng của các cơ sở đào tạo giáo viên; Có các hình thức thu thập thông tin của người xin tuyển vào cơ sở đào tạo giáo viên (thông tin về hiểu biết nghề nghiệp, về ngoại hình, ngôn ngữ, tính cách, năng khiếu phù hợp với nghề giáo dục, kĩ năng giao tiếp ứng xử). 

Trước đây, do nhu cầu về số lượng quá lớn nên các cơ sở đào tạo giáo viên khó thực hiện các công việc này. Hiện nay, nhu cầu số lượng không còn lớn nên có thể tổ chức sơ tuyển như một số ngành đã áp dụng. Tuy nhiên, để có thể sơ tuyển lại phải có chính sách thu hút người đăng ký thi vào các cơ sở đào tạo giáo viên. Đây là một giải pháp rất căn cơ, có tính chiến lược quốc gia. 

Để kiểm tra đầu vào cần không chỉ qua các môn thi, mà cần đánh giá thêm hiểu biết về khoa học xã hội, tiếng Việt, văn hóa con người… Cần bảo đảm đầu ra cho các cơ sở đào tạo giáo viên, không để nhiều sinh viên ứ đọng, không kiếm được việc làm theo nghề được đào tạo… Hiện nay, tình trạng này là một cản trở lớn khiến nhiều người sợ vào sư phạm. Muốn vậy cần có dự báo tốt nhu cầu giáo viên cho chu kỳ khoảng 5 năm, không để tình trạng tuyển sinh chỉ căn cứ vào nhu cầu và khả năng của cơ sở đào tạo…

GS.TS. Đinh Quang Báo

Phương thức đào tạo phù hợp thực tế

Theo GS.TS. Đinh Quang Báo, phương thức đào tạo giáo viên cần đào tạo tích hợp phát triển năng lực nghề nghiệp. Điều đó đồng nghĩa quá trình đào tạo tích hợp giữa các lĩnh vực tri thức, giữa các học phần, giữa lý thuyết và thực hành.

Muốn như vậy việc thiết kế chương trình, giáo trình có sự quản lý phối hợp chặt chẽ các giảng viên sư phạm với giáo viên phổ thông. Các học phần, giáo trình, đề cương bài giảng có các bài tập, các tình huống, chủ đề tích hợp vào các tri thức, năng lực nghề nghiệp cốt lõi. Đồng thời xây dựng các chủ đề xuyên tín chỉ, học phần, lĩnh vực nội dung để những biện pháp tham gia đào tạo làm căn cứ tổ chức dạy học. Đây là giải pháp khắc phục việc dạy học thiếu kết nối, cung cấp kiến thức rời rạc vốn dễ vấp phải trong đào tạo theo học chế tín chỉ. Khả năng tích hợp phát triển năng lực nghề nghiệp tỉ lệ thuận với thời lượng, khối lượng và phạm vi nội dung của đơn vị nội dung đào tạo. Sau khi sinh viên tích lũy đủ tín chỉ cho một dung lượng nội dung nào đó của khóa đào tạo cần tổ chức kiểm tra - đánh giá lại bằng các đề kiểm tra đòi hỏi vận dụng tích hợp nhiều kiến thức, kĩ năng. 

Cần tổ chức đào tạo sinh viên theo nhóm nhỏ, đặc biệt với những nội dung thực hành, thực tập. Biên chế nhóm nhỏ được duy trì ổn định. Tăng cường tối đa giờ học lý thuyết với thực hành, nhất là các nội dung nghiệp vụ sư phạm…

Mặt khác, đào tạo cần dựa trên nghiên cứu. Cụ thể, thiết kế đổi mới cải tiến chương trình đào tạo khóa học, môn học phải dựa trên các bằng chứng rút ra từ nghiên cứu khoa học. 

GS.TS. Đinh Quang Báo cũng khẳng định, phương thức đào tạo giáo viên cũng cần tổ chức cho người học trải nghiệm thực hành các hoạt động nghề nghiệp trong thực tiễn phổ thông. 

Dạy lý thuyết bằng thực tiễn và trong thực tiễn, lấy thực tiễn để dạy học lý thuyết và dạy lý thuyết để ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn là phương thức lấy phổ thông làm môi trường đào tạo giáo viên. 

"Sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp cần thể hiện được nhiều năng lực như: Năng lực giao tiếp và hợp tác; Năng lực công nghệ thông tin; Năng lực ngoại ngữ; Năng lực thích ứng với sự thay đổi; Năng lực nghiên cứu khoa học; Năng lực dạy học; Năng lực giáo dục; Năng lực học tập và phát triển nghề nghiệp…" - GS.TS. Đinh Quang Báo chia sẻ.

Theo Đức Trí (GD&TĐ)