Với
mong muốn học sinh được tiếp cận với tri thức nhiều lĩnh vực, liên quan và hỗ
trợ nhiều phân môn cùng giải quyết vấn đề thực tiễn, có thể vận dụng kiến thức
các lĩnh vực của môn học khác để giải quyết tình hình thực tế… nhóm giáo viên
Địa lý Trường THPT Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc đã đưa ra những cách làm đổi mới sáng
tạo trong dạy học.
Thực
trạng từ dạy học
Hiện nay, nhiều giáo viên đã
nỗ lực học hỏi, đổi mới phương pháp, sử dụng các kỹ thuật dạy học tích cực để
người học được phát huy tính chủ động tiếp nhận bài học. Bên cạnh đó, nhiều
giáo viên còn quan điểm và cách thực hiện chưa nhất quán về tích hợp liên
môn.
Có ý kiến phản đối hoặc thờ ơ
với phương pháp tích hợp liên môn, không ít người đã đứng ngoài để từ chối. Có
nhiều lý do khách quan và chủ quan làm cho họ không thể từ bỏ phương pháp dạy
học truyền thống, truyền giảng và áp đặt kiến thức một chiều theo kiểu "thầy
đọc, trò chép". Hoặc không giao việc cho học sinh trong quá trình học
tập.
Nhìn chung, vấn đề phương pháp
dạy học hiện nay đang có tình trạng; Giáo viên được trang bị phương tiện,
phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực nhưng việc sử dụng dạy học chưa thường xuyên
hoặc kém hiệu quả.
Phương tiện, phương pháp và kĩ
thuật dạy học tích cực chỉ sử dụng khi giáo viên dạy minh họa trong sinh hoạt
chuyên môn, thao giảng hoặc thi giáo viên giỏi.
Cùng đó, việc sử dụng phương
tiện, phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực trong giờ thi giảng mang tính "trình
diễn, minh họa" chưa chú trọng và thực hiện giải pháp đồng bộ nhằm kích
thích hoạt động chủ động tiếp nhận của học sinh.
Với thực tế này thì việc thực
hiện phương pháp tích hợp chỉ dừng lại ở phạm vi nhỏ, chưa phổ biến và chưa lan
tỏa nên dù cho phương pháp tiến bộ và hữu ích nhưng hiệu quả còn rất hạn
chế.
Để
giáo viên hứng thú với tích hợp liên môn
Nhóm giáo viên môn Địa lý của
Trường THPT Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc đã đưa ra cách giải quyết vấn đề đổi mới
phương pháp dạy học tích hơp liên môn với nhiều giải pháp.
Trước tiên, nhóm xây dựng các
chủ đề tích hợp liên môn. Cụ thể, xây dựng nội dung dạy học tích hợp liên môn
bằng cách rà soát chương trình các môn học có liên quan với nhau trong chương
trình giáo dục phổ thông hiện hành, tìm ra những kiến thức chung để xây dựng
thành các chủ đề dạy học tích hợp liên môn.
Cùng với xây dựng nội dung dạy
học tích hợp liên môn là xây dựng các chủ đề tích hợp liên môn. Xác định các
nội dung tích hợp liên môn; Xác định mục tiêu của chủ đề; Mô tả các mức độ nhận
thức; Xây dựng kế hoạch dạy học…
Tổ chức dạy học các chủ đề
tích hợp liên môn là bước tiếp theo. Trong đó phải xây dựng được kế hoạch dạy
học; Thiết kế tiến trình dạy học theo phương pháp dạy học tích cực. Nhóm đã xây
dựng kế hoạch dạy học của bộ môn có liên quan sau khi đã tách một số kiến thức
để xây dựng các chủ đề tích hợp liên môn. Kế hoạch dạy học của mỗi môn học cần
phải tính đến thời điểm dạy học các chủ đề tích hợp liên môn đã được xây dựng,
đảm bảo sự phù hợp và hài hòa giữa các môn học.
Lựa chọn thời điểm tổ chức dạy
học từng chủ đề tích hợp liên môn phù hợp với kế hoạch dạy học của môn học liên
quan. Căn cứ vào nội dung kiến thức và thời lượng dạy học được lấy ra từ các
môn học tương ứng, các tổ/nhóm chuyên môn cùng thống nhất thời điểm trong năm
học mới để tổ chức dạy học các chủ đề tích hợp liên môn…
Bố trí giáo viên và rút kinh
nghiệm giờ dạy cũng là giải pháp giải quyết vấn đề dạy học tích hợp liên môn vô
cùng quan trọng. Cần phân công giáo viên phối hợp thực hiện hoặc có thể lựa
chọn phân công giáo viên có điều kiện thuận lợi thực hiện. Việc quản lý dạy học
các chủ đề tích hợp liên môn cần thực hiện theo hướng bảo đảm quyền tự chủ của
nhà trường, tổ/nhóm chuyên môn và giáo viên; quyền tự chủ và tích cực của học
sinh.
Việc đổi mới sinh hoạt của
tổ/nhóm chuyên môn thông qua nghiên cứu bài học. Tăng cường dự giờ, rút kinh
nghiệm để điều chỉnh nội dung dạy học các chủ đề tích hợp liên môn; hoàn thiện
từng bước nội dung các chủ đề và kế hoạch môn học, phương pháp và hình thức dạy
học, kiểm tra, đánh giá…
Hiệu
ứng đổi mới sáng tạo dạy học
Theo đánh giá từ nhóm giáo
viên đã triển khai thì dạy học theo chủ đề tích hợp là một trong những nguyên
tắc quan trọng trong dạy học. Đây được coi là một quan niệm dạy học hiện đại,
nhằm phát huy tính tích cực của học sinh, đồng thời nâng cao chất lượng giáo
dục toàn diện. Dạy học tích hợp làm cho người học nhận thức được sự phát triển
xã hội và tự nhiên một cách liên tục, thống nhất. Thấy được mối liên hệ hữu cơ
giữa các lĩnh vực của đời sống xã hội trong mối liên quan mật thiết với giới tự
nhiên nhằm khắc phục được tính phiến diện, đơn lẻ trong tiếp nhận kiến
thức.
Dạy học tích hợp liên môn có ý
nghĩa quan trọng, thông qua bài học, một lần nữa học sinh được học tập, ghi nhớ
và khắc sâu những kiến thức liên môn đã học ở các môn học khác. Các em biết xâu
chuỗi kiến thức nhiều lĩnh vực để giải quyết một vấn đề của đời sống và học
tập. Làm tăng hứng thú học tập môn Địa lí cho học sinh. Học sinh được giao
nhiệm vụ về nhà, thảo luận làm việc theo nhóm, kích thích khả năng làm việc tự
lập và khả năng tìm tòi thông tin và kĩ năng phối hợp với nhau làm việc phù hợp
với mục tiêu chung…
Tuy nhiên, để dạy học tích hơp
liên môn đạt hiệu quả cao nhất, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra những bắt buộc với
giáo viên thực hiện. Trước tiên, giáo viên cần phải nắm vững nội dung chương
trình; các đơn vị kiến thức địa lí cơ bản, nâng cao và phần liên hệ thực tiễn
và liên môn. Chủ động tìm hiểu và lĩnh hội những vấn đề mới nhằm đáp ứng yêu
cầu về giáo dục trong tình hình mới. Đồng thời để dạy học theo phương pháp tích
cực, giáo viên cần nỗ lực nhiều hơn so với dạy học theo phương pháp truyền
thống. Giáo viên nỗ lực trau dồi trình độ tin học ứng dụng để phát huy phương
tiện kĩ thuật hiệu quả.
Đối với học sinh, quá trình
học tập cần tích cực tham gia hoạt động giáo viên tổ chức, đồng thời tự lực
thực hiện nhiệm vụ giáo viên yêu cầu với tính sáng tạo và năng lực tư duy của
bản thân. Ngoài ra, cần có sự kết hợp giữa nắm vững kiến thức lí thuyết với
thực hành, giữa kiến thức bài học và liên hệ thực tế để vận dụng giải quyết vấn
đề thực tiễn liên quan.
Thông
qua bài học tích hợp liên môn, một lần nữa học sinh được học tập, ghi nhớ và
khắc sâu những kiến thức liên môn đã học ở các môn học khác. Các em biết xâu
chuỗi kiến thức nhiều lĩnh vực để giải quyết một vấn đề của đời sống và học
tập…
Theo Đức
Trí (GD&TĐ)