Tốt nghiệp loại giỏi lớp Toán chất lượng cao, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, thầy Bùi Minh Mẫn gắn bó với nghề gõ đầu trẻ. Là một trong những người đầu tiên làm quen với hình thức giáo dục trực tuyến tại Hệ thống Hocmai.vn, thầy Mẫn đánh giá, đây là phương pháp đặc trưng, phù hợp với xu hướng trong thời đại giáo dục 4.0. "Giáo dục trực tuyến tạo ra những thuận lợi cho giáo viên nói chung và giáo viên dạy trực tuyến nói riêng; song song với đó, cũng xuất hiện những thách thức không nhỏ", thầy nhận định.
Theo thầy Bùi Minh Mẫn, tốc độ phát triển nhanh chóng của Internet mở ra xa lộ thông tin rộng lớn, giúp học sinh có nhiều nguồn tìm kiếm để phục vụ việc học. "Bên cạnh việc tích lũy nền tảng kiến thức dày dặn, giáo viên cũng cần thường xuyên cập nhật thông tin, trau dồi kiến thức và kỹ năng để đáp ứng được yêu cầu của nghề cũng như xu thế phát triển của xã hội", thầy Mẫn chia sẻ.
Thầy Mẫn cũng cho rằng, trong bối cảnh giáo dục hiện nay, sách vở, công cụ và thông tin hỗ trợ việc học tập đối với học sinh khá đa dạng. Vì vậy, thay vì thầy là người trao kiến thức - trò là người nhận kiến thức như trước, thì giờ đây, thầy cô thường là người gợi mở và định hướng cho học trò.
"Với tôi, dạy học nghĩa là dạy cho học sinh cách suy nghĩ thay vì dạy các em phải nghĩ gì; từ đó, các em sẽ tự tò mò và hiểu ra gốc rễ của vấn đề", thầy Mẫn nói
Tận dụng lợi ích của công nghệ và Internet, thầy Mẫn thường chủ động hỗ trợ, gỡ rối cho học sinh các vấn đề trong các bài học thông qua email, zalo hay trang cá nhân. Trong quá trình giảng dạy, thầy ưu tiên việc giúp học sinh hiểu bản chất kiến thức để có thể ứng dụng linh hoạt khi gặp dạng bài cụ thể. Với mỗi bài giảng, thầy thường hướng dẫn học sinh cách phát hiện, tiếp cận vấn đề; từ đó đưa ra định hướng và cách thức để các em tự giải quyết.
12 năm giảng dạy trực tuyến, thầy Mẫn tích lũy được không ít kinh nghiệm trong cách truyền tải kiến thức với từng đối tượng học sinh. Cụ thể, với những học sinh bị "mất gốc" Toán, thầy thường sẽ áp dụng quy trình ngược: cho học sinh tham khảo lời giải và các bước triển khai của các đề toán để hiểu cặn kẽ vấn đề và hình dung được cách giải. Sau đó, học sinh sẽ xem và trình bày các vấn đề chưa hiểu, căn cứ vào đó, thầy sẽ giảng giải để học sinh nắm rõ vấn đề.
Nhờ sự chỉ bảo của thầy, nhiều em học sinh đã tiến bộ vượt bậc so với ngày đầu. Thầy Mẫn tin rằng, bên cạnh cách truyền tải kiến thức thì việc tạo cảm hứng cho học trò sẽ giúp các em nhanh tiến bộ.
Theo Thanh Phong (VnExpress)