Xu hướng tất yếu
Trên thực tế, dạy học tích hợp đã và đang được thực hiện ở nhiều quốc gia có nền giáo dục phát triển hàng đầu của thế giới; mức độ tích hợp khá đa dạng.
Tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Nghị quyết 29 và Nghị quyết 88, Nghị quyết 404 của Chính phủ đều yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) phải tích hợp cao ở các cấp học dưới, phân hóa dần ở các cấp học trên. Đây là xu hướng phù hợp với các nước trên thế giới. Vì vậy, khi xây dựng chương trình GDPT tổng thể đã xác định: Dạy học tích hợp là định hướng dạy học giúp học sinh phát triển khả năng huy động tổng hợp kiến thức, kỹ năng... thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để giải quyết có hiệu quả các vấn đề phức hợp trong học tập và cuộc sống, phát triển được những kỹ năng cần thiết, nhất là năng lực giải quyết vấn đề. Trong đó, tích hợp kiến thức các môn khoa học gần nhau thành một môn tích hợp, đây là mức tích hợp cao nhất. Ở tiểu học, việc tích hợp như vậy tương đối nhiều. Ở THCS có 2 môn tích hợp là Khoa học tự nhiên và môn Lịch sử và Địa lý.
Môn Khoa học tự nhiên gồm 4 chủ đề: Chất và biến đổi về chất (thiên về kiến thức Hóa học), Năng lượng và sự biến đổi (thiên về kiến thức Vật lý), Vật sống (Sinh học), Trái đất - bầu trời (thiên về kiến thức Vật lý và một phần kiến thức Sinh học), Cấu trúc này cũng tương tự như các môn học tự nhiên của các nước trên thế giới.
Về môn Lịch sử và Địa lý, gồm 2 phân môn là Lịch sử và Địa lý, mỗi phân môn có tính hệ thống tương đối phù hợp với đặc trưng bộ môn; bên cạnh đó có nhiều kiến thức chung, do vậy cấu trúc thành 5 chủ đề, bổ trợ lẫn nhau.
Đảm bảo đội ngũ giáo viên
Về đội ngũ giáo viên các môn học ở THCS, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết hiện Bộ đã có tính toán. Thứ nhất là môn tích hợp các cấu phần, giáo viên chuyên sâu môn nào sẽ dạy môn đó và có phối hợp với nhau. Thời gian áp dụng chương trình THCS theo lộ trình cuốn chiếu còn khoảng 6-7 năm nữa, nên quỹ thời gian đủ để bồi dưỡng giáo viên. Hiện Bộ cũng đang tiến hành bồi dưỡng.
Bên cạnh đó, các giáo viên có điều kiện, nhu cầu sẽ học thêm các chuyên đề, học phần các môn khác để có thể dần từng bước dạy 2 môn. Bộ đã có giải pháp đào tạo giáo viên có thể dạy được cả 3 môn trong những năm dài hơn, đây là kinh nghiệm các nước, xu hướng quốc tế. Về việc này, quỹ thời gian còn dài để chuẩn bị.
Để thực sự phát huy hiệu quả của dạy học tích hợp, theo GS. Đinh Quang Báo - Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, vai trò của người giáo viên phải biết phân tích nội dung môn học để thiết kế các hoạt động, sao cho khi thực hiện học sinh phải vận dụng kiến thức kỹ năng ở các phạm vi rộng khác nhau, ứng với các mức độ tích hợp nêu trên, tương thích với các bối cảnh của quá trình dạy học. Từ hiểu đúng đến làm đúng và làm có hiệu quả, người giáo viên cần phải đi từ gốc của vấn đề. Mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới chúng ta đang sống chứa đựng, tích hợp nhiều tính chất. Do đó, phải dạy học trò đúng về sự vật đó, nếu tách ra chỉ có tính chất vật lý, hay hóa học, sinh học là xuyên tạc sự vật. Nguồn gốc của vấn đề là thế, không phải ta muốn hay không muốn, đã đứng trên bục giảng là phải thực hiện tích hợp.
"Giáo viên cần tổ chức cho học sinh các hoạt động vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, để hiểu sự vật với tri thức đa dạng, từ đó phát triển năng lực. Cũng trong hoạt động này, học sinh sẽ phải huy động nhiều mảng kiến thức khác nhau, bởi không thể giải quyết vấn đề chỉ với một nội dung kiến thức đơn lẻ" - GS. Đinh Quang Báo nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần khắc phục được thói quen truyền đạt và tiếp thu kiến thức, kĩ năng rời rạc làm cho con người trở nên "mù chữ chức năng", nghĩa là có thể được nhồi nhét nhiều thông tin, nhưng không dùng được. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số ý kiến băn khoăn đối với việc dạy học tích hợp, đó là nếu đưa kiến thức cả 3 môn Toán, Lý, Hóa tích hợp lại thành chủ đề trong môn Khoa học tự nhiên và phương án trước mắt là Bộ sẽ bố trí 3 giáo viên dạy 1 môn, câu hỏi đặt ra là các giáo viên này có thể đảm bảo ngay việc dạy tích hợp và chủ đề liên môn như Bộ trưởng nói hay không? Chưa kể đến những bất cập trong việc tổ chức triển khai tại các trường, như việc vào điểm, ra bài, ra đề chấm thi vào môn thi tích hợp của các trường sẽ như thế nào?
Theo Thu Hương (daidoanket)